Giáo dục

Ngậm ngùi... thưởng Tết của giáo viên

Giáo viên cũng như những người lao động khác họ luôn mong muốn sau một năm làm việc vất vả cũng sẽ được nhận một khoản tiền thưởng xứng đáng với bao công sức, sự nỗ lực đã đổ ra. Nhưng cho đến giờ, đó vẫn là điều xa xỉ.

Hàng năm, đã thành thông lệ, cứ qua Tết dương lịch, mấy anh em trong gia đình tôi lại hẹn nhau về nhà bố mẹ để dọn dẹp nhà và sắm sửa Tết cho bố mẹ. Các anh em đều ở xa nhau và mỗi người một ngành nghề nên câu chuyện trong ngày cuối năm rất rôm rả. Mọi người chia sẻ đủ thứ chuyện nhưng duy chỉ có một điều, từ nhiều năm nay không ai nhắc đến đó là chuyện thưởng Tết.

Sở dĩ có điều này là bởi lẽ, trong gia đình có 5 anh em thì đến 4 người làm ở các ngành kinh tế, thưởng Tết cao ngất ngưởng. Duy chỉ có một cô em gái, hai vợ chồng đều làm giáo viên, Tết không có thưởng. Thế nên trong khi hàng năm nhà các anh chị cứ áp Tết là lại rầm rộ thay xe, sửa nhà, hoặc mở sổ tiết kiệm thì riêng cô em lại chạy ngược xuôi, phá sổ để có tiền lo cho Tết.

Các anh em vì thế không ai muốn nhắc đến thưởng Tết vì ngại cô em lại thêm một lần chạnh lòng.

Ấy vậy nhưng năm nay, trong mâm cơm ngày đoàn tụ, cô em gái tôi lại hăng hái khơi mào vấn đề này, bảo rằng nghe đồn trường cô năm nay thưởng to cho anh em tới tận vài trăm nghìn (nhưng không vượt quá 500 nghìn). Rồi cô hào hứng kể chuyện chị hiệu trưởng linh động, biết nghĩ cho anh em...

Ảnh minh họa

Vài trăm nghìn tiền thưởng, một con số quá khiêm nhường với số tiền thưởng của các ngành khác nhưng với giáo dục có thể là một... đỉnh cao.

Chị kể rằng trong các đồng nghiệp của chị dạy học ở nhiều tỉnh thành, có người vài chục năm trong nghề nhưng chưa bao giờ có thưởng Tết. Cứ cuối năm, khi thông tin trên báo đài công bố mức thưởng Tết ở nơi này nơi khác nhiều giáo viên lại thấy chạnh lòng.

Nguồn ngân sách cho giáo dục phần lớn chi cho lương, phần ít ỏi còn lại chi cho các hoạt động phong trào. Trường nào tiết kiệm chi còn có thưởng, chứ không có thì giáo viên cũng đành ngậm ngùi thôi. Đặc biệt vùng khó khăn, có khi được lạng trà, cân đường... gọi là động viên. Nhiều giáo viên được nhà trường cho ứng trước lương của tháng sau để ăn Tết, nếu tiêu không khéo thì ra Giêng sẽ lại phải tằn tiện, co kéo lắm mới đủ.

Tết, hẳn nhiên với nhà nào cũng vậy, cũng rượu, cũng bánh, cũng lễ lạt nội, ngoại đôi bên. Nhà nào cũng phải lo như nhau. Vì lẽ đó nên Tết thực sự là một nỗi lo nếu không muốn nói là một gánh nặng với những người thu nhập hàng tháng chỉ đủ ăn, tiêu mà Tết lại không có thưởng.

Cũng bởi vậy mà nhiều giáo viên xót xa chia sẻ: “Giá như có thể thì 5 năm mới Tết một lần thôi”.

Có người đã dẫn ra rằng, trong "bảng xếp hạng" của các ngành về thưởng Tết, ngành giáo dục luôn ở vị trí "đội sổ". Trong khi nhiều ngành nghề khác, người ta có tiền thưởng lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí cá biệt có cả tiền tỷ thì đa phần thầy cô giáo chỉ được thưởng từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

“Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, giá trị vật chất của tiền thưởng tuy không lớn bằng tiền lương nhưng nó có ý nghĩa cổ vũ, động viên và mang lại niềm vui, niềm tự hào đối với người lao động bởi thành quả của họ đã được công nhận.

Giáo viên cũng như những người lao động khác họ luôn mong muốn sau một năm làm việc vất vả cũng sẽ được nhận một khoản tiền thưởng xứng đáng với bao công sức, sự nỗ lực đã đổ ra. Nhưng cho đến giờ, họ vẫn chưa có được cái quyền lợi thông thường như bao người lao động khác đó là tháng lương thứ 13 hay thậm chí nửa tháng lương thứ 13...mỗi khi Tết đến. Thưởng Tết nếu như này sẽ mãi còn là câu chuyện xa xỉ với họ.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP