Trong nước

Nêu gương, sức mạnh trong xây dựng Đảng

Trong quá trình cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đề cao trách nhiệm nêu gương chính là yếu tố góp phần phòng ngừa tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, chống chạy chức, chạy quyền, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Và nói cho cùng thì việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên cũng là để xây dựng hình ảnh, uy tín của Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Nếu gần 200 Ủy viên TƯ khóa XII, từng đồng chí đề cao trách nhiệm nêu gương thì sức lan tỏa sẽ rất lớn”

Đòi hỏi từ thực tiễn

Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được đề cập từ lâu và đề cập nhiều lần trong các nghị quyết, quy định của Đảng. Nhưng có lẽ chưa bao giờ việc đề cao trách nhiệm nêu gương lại được đặt ra mạnh mẽ, quyết liệt như những năm gần đây.

Ngay tại Hội nghị Trung ương (TƯ) 4 khóa XI, Đảng ta đã nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí...”. Tình trạng này đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Đến Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”.

Sau khi chỉ ra 27 biểu hiện cụ thể để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban Chấp hành TƯ Đảng cũng khẳng định: từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường... Chính vì vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược là yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của Đảng.

Từ tình hình này, tại Hội nghị TƯ 8 (khóa XII), Ban Chấp hành TƯ đã thảo luận và thống nhất cao việc ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng”. Trước đó, ngày 7/6/2012 Ban Bí thư TƯ Đảng đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tiếp đó, ngày 19/12/2016, Bộ Chính trị cũng có Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhằm giữ gìn hình ảnh, uy tín của Đảng… Nhưng, với Quy định số 08-QĐ/TW, có lẽ đây là lần đầu tiên Ban chấp hành TƯ Đảng ban hành một quy định mà trong đó đề cập một cách cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Toàn cảnh Hội nghị TƯ 8 khóa XII

“Không gương mẫu thì làm cán bộ để làm gì”

Quy định số 08-QĐ/TW đã nêu tám điều các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ phải gương mẫu đi đầu thực hiện; đồng thời cũng chỉ rõ tám điều phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Trong đó đáng chú ý là quy định: “Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”; “Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm”; “Đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân”; “Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức”...

Phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ 8 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Nếu gần 200 Ủy viên TƯ khóa XII, từng đồng chí đề cao trách nhiệm nêu gương thì sức lan tỏa sẽ rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành TƯ Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Nói rõ hơn về vấn đề này, tại buổi xúc cử tri TP Hà Nội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề nêu gương không phải của chỉ riêng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên TƯ mà tất cả các đảng viên đều phải làm: “Phải hiểu rộng ra như vậy, có điều các cán bộ cao nhất phải làm gương từ việc thực hiện 19 điều đảng viên không được làm, 27 biểu hiện suy thoái mọi người phải chống. Trách nhiệm chung là cán bộ phải làm, đảng viên đi trước làng nước theo sau. Lần này quy định là do TƯ ban hành chứ không phải Bộ Chính trị ban hành cho nên vị trí của nó lớn hơn rất nhiều(...). Không gương mẫu thì làm cán bộ để làm gì? cho nên nhấn mạnh vào trách nhiệm của gần 200 Ủy viên TƯ là phải gương mẫu, làm trước và thống nhất cao”.

Nêu gương như thế nào?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: Nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ nói miệng mà phải bằng hành động, việc làm. Do đó, muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, cán bộ, đảng viên phải làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Theo quan điểm của Người, “lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Thực tế đã chỉ ra rằng, nhiều đảng cầm quyền trên thế giới bị suy vong chính là do sự tha hóa, biến chất trong đảng, không còn uy tín trong lòng nhân dân. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng ta thường xuyên chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Nếu Đảng ta không thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải là một tấm gương sáng về sự đoàn kết nội bộ, trong sạch về đạo đức, lối sống.

Đánh giá về nội dung của Quy định 08, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, để thực hiện tốt những nội dung tại Quy định về trách nhiệm nêu gương thì điều đầu tiên là bản thân các cán bộ, đảng viên phải là những người tâm sáng, lòng trong, không vì sự thúc ép của xã hội hay bất kỳ ai. “Chính bản thân các đồng chí phải tự nguyện, tự giác chấp hành và vì sự nhiệt huyết cách mạng mà khi đặt chân vào Đảng mình đã thề để làm chứ không phải vì sức ép của tổ chức hay xã hội”, ông Túc bày tỏ.

Cùng chung quan điểm, theo ông Trần Hồng Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng khi đã là đảng viên và là cán bộ lãnh đạo, nếu muốn nói cho những cán bộ cấp dưới của mình và những người chúng ta cần tập hợp, vận động làm theo thì bản thân người đảng viên, cán bộ đó phải gương mẫu; phải cố gắng rèn luyện, phấn đấu để thực sự là tấm gương cho người khác. “Khi xây dựng một hình ảnh hay một phong trào để nêu gương thì cần tập trung vào những tiêu chí, điều kiện phù hợp đối với từng con người cụ thể, từng chức danh và vị trí cụ thể. Tôi cho rằng, việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hay những cán bộ lãnh đạo chủ chốt chính là việc chúng ta đang xây dựng hình ảnh và uy tín của Đảng ngày càng vững mạnh”, ông Hà nói.

Tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII diễn ra vào cuối tháng 11/2018, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cũng khẳng định: “Thực hiện trách nhiệm nêu gương là thể hiện tính tiền phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của các đồng chí Ủy viên TƯ đối với chính mình và với toàn Đảng, toàn dân; là đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nếp sống văn hóa của đảng viên trong hệ thống chính trị”. Đồng thời, ông Chính cũng lấy ví dụ về lối sống giản dị, tiết kiệm, như không thay đổi xe, sửa sang văn phòng khi được đề bạt lên chức hoặc nhường tiêu chuẩn nhà cho cấp dưới, dù chỉ là một hành động nhỏ của vị lãnh đạo nhưng cũng tác động lớn, thể hiện tính nêu gương của người đứng đầu.

Thực tế cho thấy, dân tin yêu Đảng, một lòng một dạ đi theo Đảng thường bắt đầu từ những việc làm cụ thể của những tấm gương tiêu biểu. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”, nghĩa là muốn hướng dẫn nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải làm trước cho mọi người bắt chước. Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở, phải thực sự gương mẫu cho dân tin, dân theo. Sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực, uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sẽ tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, là nguồn sức mạnh to lớn, góp phần thiết thực vào việc hoàn thành sứ mệnh cao cả trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Tác giả: Vân Thanh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP