Xã hội

Nét hương thôn xứ Phuống

Trải qua mấy trăm năm từ khi các dòng họ về đây khai dân, lập ấp, xứ Phuống hôm nay đã thực sự trù phú với cánh đồng và bờ bãi ngút ngàn, xóm làng yên bình và khởi sắc.

Sông Lam nhìn từ bờ xứ Phuống (xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến miền quê ấy là cảnh sắc sơn thủy hữu tình với dãy Thiên Nhẫn trầm mặc xa xa; trước mặt là dòng Lam Giang con nước như ngập ngừng, quyến luyến. Cánh đồng vừa xong vụ gặt, rạ rơm nồng thơm hương vị thôn dã nguyên sơ, thật thân thương và gần gũi. Đàn trâu, bò thong dong gặm cỏ trên bờ cỏ chạy dài. Nơi ruộng sâu, từng đàn vịt thỏa thuê ngụp lặn sau ngày gặt hái của nhà nông. Ven sông rập rờn bãi ngô cữ trổ cờ, hứa hẹn thêm một mùa bội thu... Làng quê khởi sắc với những ngôi nhà khang trang, những con đường được rải bê tông sạch đẹp. Nét xưa vẫn được con cháu ngày nay lưu giữ với ngôi đình cổ kính hướng ra sông, kết nối hàng cây cổ thụ và bến đò Phuống nhộn nhịp, sầm uất.

Nghĩa là vùng đất ấy còn lưu giữ những nét biểu tượng cộng đồng làng xã của nước Việt xưa khi nhịp sống hôm nay đã đổi khác, làm nên gạch nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai để đời đời con cháu luôn nhớ về nguồn cội. Và cả những tên xóm, tên làng còn đậm danh xưng cổ: Bình Ngô, Bích Thị, Tiên Cầu, Ba Nghè, Biên Quản, Giang Thủy, Lam Dinh... góp phần thêm cảm nhận về bề dày truyền thống văn hóa làng quê Việt trung du.

Chúng tôi ghé xóm Bình Ngô - là trung tâm của xã Thanh Giang với chợ Phuống, bến đò Phuống và ngôi đình Bích Thị để gặp cụ Trần Hữu Tài, một trong những bậc cao niên ở đây, hầu mong biết thêm về mạch nguồn xứ Phuống. Cụ Tài kể lại, vào thế kỷ XV vùng đất này còn hoang sơ, là nơi ngự trị của các loài muông thú, cư dân ít ỏi, xóm làng còn thưa thớt. Về sau, trên hành trình tìm kiếm những vùng “đất lành” để an cư, lạc nghiệp, người từ khắp các vùng miền khác nhau về đây hợp quần, cùng khai phá đất đai và lập làng, chung tay xây dựng quê hương ngày một thêm trù phú.

Các dòng họ di cư về xứ Phuống chủ yếu bằng 3 con đường: Từ Hà Tĩnh, qua Hương Sơn, vượt dãy Thiên Nhẫn; từ Quỳnh Lưu, Nghi Lộc vượt dãy Đại Huệ và vượt sông Lam và từ vùng hạ nguồn ngược lên. Thấy vùng đất này có thế “sơn quần, thủy tụ”, thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống, học hành khoa cử và dòng dõi mãi được trường tồn, thịnh vượng. Địa thế ấy được khái quát thành câu: “Xã Thanh Giang đầu gối lên rú Hà; thân dựa vào rú Phướn; hai chân choãi dài tới rú Trăm; mắt hướng về phía Bắc - nơi dòng sông Lam ngày đêm xuôi dòng chảy”. Còn ý nghĩa của tên gọi xứ Phuống và tên gọi này có từ lúc nào hiện vẫn chưa có ai lý giải một cách rõ ràng, thuyết phục, chỉ biết nó đã neo lại trên đất, trên bến và trong lòng người nơi đây.

Di tích lịch sử đình Bích Thị, xã Thanh Giang (Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên

Cụ Trần Hữu Tài say sưa nói về những tên đất, tên làng mà đều mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, đậm dấu ấn truyền thống văn hóa được các bậc tiền nhân gửi gắm bao ước vọng với con cháu đời sau. Xóm Bình Ngô của cụ tương truyền bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là nơi xây thành chống giặc Minh của nghĩa quân, được gọi là thành Bình Ngô. Ấy là vùng đất này xưa thuộc xã Bích Triều, tổng Bích Hào (huyện Nam Đường), được chàng trai trẻ Phan Đà quê ở Chi Long (nay là xã Võ Liệt - Thanh Chương) chọn làm nơi dấy binh chống giặc.

Cùng lúc ấy, Bình Định Vương Lê Lợi từ Thanh Hóa, theo đường thượng đạo tiến quân vào miền Tây Nghệ An, làm nên chiến công: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” (“Cáo Bình Ngô” - Nguyễn Trãi). Hạ được thành địch ở Trà Lân (nay thuộc huyện Con Cuông), nghĩa quân Lam Sơn theo sông Lam tiến về xuôi với mục tiêu lớn nhất là hạ thành Nghệ An ở núi Lam Thành (Hưng Nguyên).

Trên đường tiến về xuôi, nghĩa quân đã đánh dẹp nhiều điểm trú quân của giặc, đến vùng Bích Hào cách thành Nghệ An không xa, chủ tướng Lê Lợi quyết định dừng chân xây thành, đắp lũy để tính kế lâu dài. Ông đã chọn một vùng đất cao để xây thành, từ đây có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn, khống chế được cả đường bộ và đường sông.

Đội quân của chàng trai trẻ Phan Đà được gia nhập nghĩa quân, ngày đêm luyện tập võ nghệ, cùng một quyết tâm giết giặc lập công. Từ căn cứ này, khi đã hội đủ binh hùng, tướng mạnh, Lê Lợi cho tiến quân xuôi theo núi Thiên Nhẫn, dựng thêm thành Lục Niên (nay thuộc xã Nam Kim - Nam Đàn) để bao vây, tiến đánh thành Nghệ An, mở “nút thắt” cho sự nghiệp Bình Ngô đi đến thắng lợi cuối cùng. Gần 6 thế kỷ đã đi qua, dấu tích thành Bình Ngô không còn nhưng tên gọi vẫn được lưu dấu vào tên đất, tên làng trên quê hương xứ Phuống để con cháu muôn đời mãi mãi khắc ghi.

Từ xóm Bình Ngô ngược lên độ mấy trăm mét là xóm Ba Nghè - tên gọi gợi nhắc về truyền thống hiếu học của mảnh đất quê hương. Tên gọi này bắt nguồn từ bến Ba Nghè nằm ở phía trước làng, nơi ngày xưa có 3 vị tiến sỹ của đất Thổ Hào (một tên gọi khác của xã Thanh Giang trước đây) ghé thuyền về vinh quy bái tổ. Đó là các vị: Nguyễn Tiến Tài (đăng khoa năm 1664), Phạm Kinh Vỹ (đăng khoa năm 1724) và Nguyễn Lâm Thái (đăng khoa năm 1739), hiện cả 3 vị tiến sỹ đất Thổ Hào xưa đều được hậu thế và người dân xứ Phuống thờ phụng với tất cả niềm tự hào, tôn kính và ngưỡng vọng.

Nhà thờ Nguyễn Tiến Tài hiện ở xóm Tiên Cầu; nhà thờ Phạm Kinh Vỹ ở xóm Ba Nghè, cả hai đều đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Còn tiến sỹ Nguyễn Lâm Thái được nhân dân xóm Bàu Sen quyên góp tiền của, công đức xây dựng miếu thờ, quanh năm hương khói. Bến Ba Nghè thuộc sông Hói Nậy, dòng sông này hợp lưu, điểm hợp lưu giờ nằm ở địa bàn xã Thanh Lâm (Thanh Chương), cách chừng 3km. Dấu tích bến Ba Nghè giờ vẫn còn hiện hữu, là doi đất nhô ra phía hữu ngạn, là địa điểm 3 vị tiến sỹ đất Thổ Hào vượt sông Lam, đi vào dòng Hói Nậy và ghé thuyền để bước về làng làm lễ vinh quy bái tổ. Xóm Ba Nghè được mang tên từ đó - một tên gọi rất mực dân dã nhưng chứa đựng biết bao niềm tự hào.

Khu chợ Phuống - trung tâm kinh tế, dịch vụ xã Thanh Giang (Thanh Chương) và các xã vùng Bích Hào. Ảnh: Công Kiên

Nối tiếp truyền thống hiếu học, người dân xứ Phuống hôm nay đã viết nên những kỳ tích mới với 11 người có học vị tiến sỹ và học hàm giáo sư, phó giáo sư; chưa kể những người giữ trọng trách cao trong Đảng và Nhà nước. Số lượng con em tốt nghiệp đại học ngày một nhiều, hiện rất khó để có được sự thống kê chính xác, bởi hầu hết đang “tung cánh muôn phương”.

Thanh Giang - xứ Phuống hôm nay đã thực sự trở thành trung tâm của vùng Bích Hào xưa, là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ 2 năm trước. Từ đây sang đất Hương Sơn (Hà Tĩnh) không còn xa; xuôi theo sông Lam và dãy Thiên Nhẫn sang đất Nam Đàn; ngược lên là thị xứ Rộ (Võ Liệt) - một trong những thị tứ sầm uất của Thanh Chương; đi đò ngang vượt sông Lam sang bên kia là thị tứ Chợ Cồn (Thanh Dương) để đi lên trung tâm huyện hoặc xuôi TP. Vinh.

Nghĩa là, cuộc sống đã trải qua bao đổi thay, xứ Phuống hôm nay vẫn là miền quê trên bến, dưới thuyền, thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp của Thanh Giang đã giảm xuống còn 26%, tỷ trọng dịch vụ - thương mại đã được tăng lên 40%, còn lại là các ngành nghề khác.

Một ngày về xứ Phuống, đi trên miền đất cổ xưa với bao dấu tích thời gian, gặp gỡ những con người chất phác nhưng rất đỗi nhiệt tình và hiếu khách, chúng tôi có được nét phác họa về một vùng đất ẩn chứa bao giá trị văn hóa tinh thần được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ, để mà tiềm tàng sức mạnh đi tới trong tương lai.

Tác giả: Công Kiên
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP