Kinh tế

Nâng cao giá trị kinh tế cây chè ở Thanh Chương

Thay thế trồng mới, cải tạo và đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng chè là một trong những chương trình hành động được các cấp ủy chính quyền địa phương và người dân vùng trọng điểm chè của tỉnh quan tâm thực hiện. Từ đó nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây chè trên một đơn vị diện tích.

Gắn bó với nghề trồng chè gần 30 năm nay, thế nhưng chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Huyền Nga ở xóm 1 xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương lại thấy diện tích 0,7 héc ta chè của gia đình cho thu nhập ổn định như hiện nay. Có được kết quả đó là nhờ gia đình chị đã cải tạo đất, đưa các giống chè mới chất lượng cao vào trồng để thay thế dần diện tích trồng bằng giống cũ, năng suất thấp.
cay che
Ngoài lựa chọn giống cây, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, vệ sinh thực phẩm cũng được người trồng chè chú trọng.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Huyền Nga: “Để nâng cao chất lượng vườn chè, gia đình đã thay thế vườn chè cũ những cây già cỗi bằng giống lai, chỉ bón phân chuồng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.”

Xác định chè là một trong những loại cây công nghiệp trồng chủ lực của tỉnh, trong những năm qua, chính quyền địa phương các huyện đã thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình xây dựng vùng nguyên liệu, đưa giống chè mới chất lượng cao vào trồng. Ngay như xã Thanh An, huyện Thanh Chương, cả xã có hơn 1.400 hộ thì có hơn 200 hộ trồng chè.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Kim Yến - Phó chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Thanh Chương cho biết: “Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của bà con trong việc nâng cao năng suất cây trồng, mở các lớp tập huấn, nâng cao về kỹ thuật chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cây chè cho người dân. Hiện nay, diện tích chè cũng khoảng trên 400 ha, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha nhưng cũng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.”

cay che 1
Chè xanh là cây trồng chủ lực của huyện Thanh Chương.

Cùng với chính quyền địa phương, các công ty, xí nghiệp chế biến chè trên địa bàn cũng đã chú trọng hơn đến công tác xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ giống, phân bón cho các hộ dân trồng chè nhằm nâng cao năng suất chất lượng. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh trồng được hơn 7.500 héc ta chè và cây chè đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động với mức bình quân đạt 65.000.000 – 70.000.000 đồng/ha.

Ông Nguyễn Bá Trị - Giám đốc xí nghiệp chè Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương cho biết: “Hiện nay xí nghiệp quản lý ký kết hợp đồng vùng nguyên liệu của xí nghiệp 30 héc ta với gần 500 hộ nhận khoán, trong đó nội vùng của xí nghiệp 100 ha. Để nâng cao hiệu quả cây chè xí nghiệp hướng dẫn cho người lao động sử dụng phân bón, quản lý tốt thuốc bảo vệ thực vật để người lao động nâng cao được chất lượng sản phẩm và xí nghiệp cũng nâng cao được giá trị trong chế biến.”

cay che 2
Nâng cao chất lượng cây trồng giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế.

Hiện nay đang bước vào thu hoạch chè vụ Xuân, mặc dù năng suất vụ này không cao, nhưng với việc thay thế dần các giống cũ kém chất lượng bằng các giống mới và áp dụng các khoa học kỹ thuật phần nào giúp cho năng suất và chất lượng chè ngày càng được nâng lên. Từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích và xây dựng thương hiệu chè Nghệ An sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ sức cạnh tranh cả thị trường trong nước và quốc tế.

Tác giả bài viết: Đức An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP