Pháp luật

Nam tiếp viên VNA làm lây nhiễm Covid-19 có thể bị xử lý hình sự, phạt tù 1-5 năm

Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng với hành vi không tuân thủ quy định cách ly tại nhà dẫn đến lây dịch bệnh Covid-19 cho 3 người khác, nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airline (VNA) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tại cuộc họp khẩn về phòng chống Covid-19 ngày 1-12, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết bệnh nhân (BN) 1342 là anh D.T.H. (nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines - VNA) trong thời gian cách ly tập trung, ngày 17-11, đã tiếp xúc với 1 tiếp viên hàng không khác dương tính với Covid-19.

Khu cách ly đoàn tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines tạm đóng cửa - Ảnh: Hoàng Triều

Sau 2 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, anh D.T.H. được về nơi lưu trú thực hiện hình thức tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, nam tiếp viên hàng không này từ ngày 18 đến ngày 28-11 vẫn tiếp xúc gần với 3 người khác gồm mẹ đẻ và 2 người bạn.

Ngày 27-11, sau khi kết quả xét nghiệm của anh H. dương tính với SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đã mở rộng điều tra dịch tễ xét nghiệm người tiếp xúc thì phát hiện anh N.M.S. (giáo viên Anh ngữ, là bệnh nhân 1347) được H. gọi đến ở cùng trong thời gian tự cách ly tại nhà. Từ đó, đến ngày 1-12 đã có thêm 2 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 từ nguồn lây anh S., bệnh nhân 1347.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Bệnh nhân 1347 và bệnh nhân 1342 đã không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà. Riêng bệnh nhân 1342 vi phạm rất nghiêm trọng về phòng chống Covid-19 tại khu cách ly tập trung và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định".

Tại cuộc họp báo do TP HCM tổ chức thông tin tình hình dịch Covid-19, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), cho rằng bệnh nhân 1342 vi phạm quy định cách ly tập trung, vi phạm quy định cách ly tại nhà đã cam kết. Đây là nam tiếp viên hàng không được cách ly tại nhà sau khi có 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 và trải qua 4 ngày cách ly tập trung.

Nhà trọ, nơi bệnh nhân 1342 là nam tiếp viên của Vietnam Airlines vi phạm quy định về cách ly, làm lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng - Ảnh: Hoàng Triều

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết với vi phạm nêu trên, nam tiếp viên VNA có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự (BLHS) 2015.

Cụ thể, trường hợp bị xử phạt hành chính: Cá nhân không tuân thủ quy định cách ly y tế tại nhà để phòng dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng, theo Điểm b Khoản 1 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Trường hợp bị xử lý hình sự: Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 thì người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi "Không tuân thủ quy định về cách ly" gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

"Nam tiếp viên của VNA đã không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho 3 người khác. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, nam tiếp viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) với khung hình phạt là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm"- luật sư Tiền thông tin.

Đối với hành vi của bệnh nhân 1347, người đến ở cùng và lây bệnh từ bệnh nhân 1342, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, cơ quan chức năng cần xác định rằng người này có biết được thông tin bệnh nhân 1342 đang trong thời gian cách ly tại nhà hay không. Từ đó để đưa ra căn cứ để xử lý.

"Hành vi tiếp xúc gần với người mà mình biết đang trong thời gian cách ly nhưng không có biện pháp bảo vệ cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15-11-2020). Theo đó, người nào không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch (tiếp xúc gần với người đang trong thời gian cách ly) có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Trong trường hợp bệnh nhân không biết đã tiếp xúc với người đang trong giai đoạn cách ly thì có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự"- luật sư Tiền phân tích.

Tác giả: Nguyễn Hưởng

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP