Xã hội

Nam thanh niên "tốn" nhiều tiền bảo hiểm nhất Việt Nam và căn bệnh nhà giàu cũng sợ

Trong gần 2,5 năm, căn bệnh người giàu cũng sợ này ngốn hết gần 13 tỷ đồng của nam bệnh nhân.

Thanh toán viện phí tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin, từ năm 2017 đến hết tháng 5/2019, bệnh nhân Phan Hữu N (35 tuổi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị bệnh lên tới gần 13 tỷ đồng.

Đến nay, đây là bệnh nhân tiêu tốn tiền BHYT nhiều nhất Việt Nam. Bệnh nhân thuộc nhóm khó khăn, hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng.

Cụ thể, bệnh nhân Phan Hữu N mắc bệnh "Thiếu yếu tố VIII di truyền" điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Năm 2017, tổng số tiền điều trị của bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán là hơn 4,5 tỷ đồng; năm 2018 trên 7 tỷ đồng.

5 tháng đầu năm 2019, Quỹ BHYT đã thanh toán gần 1,4 tỷ đồng. Tổng số tiền điều trị được quỹ BHYT thanh toán là hơn 12,9 tỷ đồng trong gần 2.5 năm.

Về quy trình điều trị, bệnh nhân N mỗi ngày phải dùng từ 4 - 6 lọ yếu tố VIII rất đắt tiền.

Nam bệnh nhân người Vĩnh Long từ 2,5 năm nay ngốn của quỹ BHYT 13 tỷ đồng để chữa bệnh về máu - Hemophilia

Thiếu yếu tố VIII là bệnh Hemophilia nhóm A. Đây là một rối loạn của hệ thống đông máu, gây chảy máu kéo dài và theo người bệnh suốt đời. Điều trị hemophilia phải dài ngày và chi phí rất tốn kém, trung bình khoảng từ 400-500 triệu đồng/ năm/ bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân nặng, chi phí có thể lên tới hàng tỷ đồng và người bệnh phải điều trị cả cuộc đời. Đây là số tiền không nhỏ với cả những người giàu. Bệnh rất nguy hiểm, phải truyền máu liên tục và điều trị bằng các thuốc cầm máu hỗ trợ. Bệnh rất nguy hiểm bởi chỉ cần ngưng dùng thuốc là chảy máu đe dọa đến tính mạng.

Bệnh này không thể chữa khỏi, người mắc bệnh có thể sống chung với nó. Bệnh rất nguy hiểm bởi chỉ cần ngưng dùng thuốc là chảy máu đe dọa đến tính mạng. Y văn thế giới gọi đây là "căn bệnh hoàng gia", xuất hiện nhiều trong các hoàng tộc châu Âu từ thế kỷ 18-19. Sau này, các nhà khoa học xác định, nguyên nhân gây bệnh do thiếu yếu tố đông máu.

Bệnh được chia làm 2 loại là Hemophilia A (thiếu yếu tố đông máu số 8 như bệnh nhân N) và Hemophilia B (thiếu yếu tố đông máu số 9). Tỉ lệ mắc trung bình trên thế giới khoảng 1/10.000 dân. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 6.000 người mắc bệnh và 30.000 người mang gene Hemophilia.

Hemophilia có thể chẩn đoán dựa vào lâm sàng và xét nghiệm cầm máu. Người bị bệnh Hemophilia thường bị chảy máu ngay cả khi không bị chấn thương. Trên cơ thể thường thấy những mảng bầm tím dưới da, đám tụ máu trong cơ, chảy máu không cầm ở vết thương, chảy máu quá nhiều...

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp biến chứng như teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp, dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Khi chảy máu ở những vị trí nguy hiểm như não, cổ, miệng…, nếu không được cầm máu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Có những trường hợp mắc bệnh Hemophilia tái phát 40 lần/năm, họ ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà với chi phí đi lại, ăn ở tốn kém.

Tác giả: Võ Thu

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP