Pháp luật

Nam sinh chém thầy giáo có bị xử lý hình sự?

Luật sư cho biết, cần tiến hành các thủ tục để giám định tỷ lệ thương tật của thầy Hiếu, xác minh về tuổi của M. và làm rõ hành vi, động cơ, mục đích của hành vi có tính chất côn đồ đó thì mới có căn cứ xác định M. có bị khởi tố hình sự hay không.

Vụ học sinh chém thầy giáo: Chữ 'Thầy - Trò' đang trở lên méo mó
Bị mời phụ huynh, học sinh vác dao chém thầy giáo

Liên quan đến sự việc học sinh Nguyễn Trọng M. (14 tuổi) - Học sinh lớp 8B Trường THCS Thị trấn Thanh Chương, Nghệ An chém thầy giáo bị thương vì bị mời bố mẹ đến họp phụ huynh, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp về những khía cạnh pháp lý.

Luật sư cho biết, trong trường hợp này học sinh Nguyễn Trọng M. phạm tội gì? Hình thức xử lý như thế nào?

Truyền thống văn hóa, đạo đức của người Việt là "tôn sư trọng đạo", người xưa thường nói "Muốn sang thì bắc cầu kiều - Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", "không thầy đố mày làm nên...". Vì vậy, mọi hành vi hỗn hào, vô lễ với người thầy đều bị dư luận xã hội lên án, cười chê.

Dưới góc độ pháp luật thì hành vi dùng dao tấn công người khác, đâm chém, gây thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân. Hành vi này tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả mà người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

chem thay giao
Ngôi trường nơi xảy ra sự việc.

Để xác định hình thức xử lý đối với hành vi dùng dao chém thầy giáo của học sinh Nguyễn Trọng M., thì cơ quan điều tra công an huyện Thanh Chương cần tiến hành các thủ tục để giám định tỷ lệ thương tật của thầy Hiếu và xác minh về tuổi của M. và làm rõ hành vi, động cơ, mục đích của hành vi có tính chất côn đồ đó thì mới có căn cứ xác định M. có bị khởi tố hình sự hay không.



Điều 12, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".

Điều 8, Bộ luật hình sự cũng quy định: "tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình".

Theo đó, nếu kết quả xác minh (qua giấy khai sinh, sổ đăng ký khai sinh...) của chính quyền địa phương, học bạ của M. mà có căn cứ xác định tại thời điểm cầm dao chém thầy giáo mà M. đã đủ 14 tuổi, đồng thời thương tích của thầy giáo từ 31% trở lên, đủ điều kiện áp dụng khoản 3, Điều 104 Bộ luật hình sự thì hành vi của M. sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 3, Điều 104 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt là "bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm".

Nếu bị xử lý hình sự thì M. sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng hình phạt là "có tính chất côn đồ", "sử dụng hung khí nguy hiểm", "phạm tội với thầy, cô giáo....". Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, M. cũng là người chưa thành niên nên khi lượng hình, M. sẽ được áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự về người chưa thành niên phạm tội.

Cụ thể như sau: "Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định" (Khoản 2, Điều 74 BLHS).

Nếu quá trình kiểm tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm mà xác định thời điểm thực hiện hành vi chém thầy giáo mà M. chưa đủ 14 tuổi thì hành vi của M. chỉ bị xử lý hành chính là phạt tiền và có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng. Trường hợp thương tích của thầy giáo chưa tới 31%, đồng thời M. là người đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi thì căn cứ vào Điều 12, Điều 8, Điều 104 BLHS thì M. cũng sẽ không bị xử lý hình sự như đã phân tích ở trên.

Vì vậy, để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, để đảm bảo đúng chính sách hình sự thì cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để làm rõ tuổi của hung thủ, mức độ thương tích tổn hại sức khỏe của nạn nhân thì mới có hình thức xử lý phù hợp.

Trong trường hợp này, học sinh Nguyễn Trọng M. có phải bồi thường cho thầy Hiếu hay không?

Với việc M. có phải bồi thường thiệt hại cho thầy hiếu hay không thì luật quy định: Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi gây ra trong thời gian trường học trực tiếp quản lý thì áp dụng theo quy định tại điều 621 Bộ luật dân sự.

Cụ thể trường hợp em M. mới 14 tuổi gây thiệt hại tới sức khỏe của thầy Hiếu trong thời gian trường học trực tiếp quản lý do đó trường học phải bồi thường. Nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của em M. phải bồi thường, nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà em M. có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Việc ngang nhiên cầm dao chém thầy giáo trong trường như vậy thể hiện tính côn đồ của học sinh. Vậy có cần xử lý nghiêm mình đối với học sinh này để làm gương cho những học sinh khác hay không? Quan điểm của Luật sư về hành động của học sinh này?

Hiện nay bạo lực trong xã hội và bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, gần đây xuất hiện trên các trang mạng xã hội nhiều clip học sinh đánh nhau, ngày càng nhiều trường hợp học sinh nữ đánh bạn... Rất nhiều trường hợp các đối tượng dùng hung khí nguy hiểm tấn công người khác. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để môi trường học đường trở nên bình an, yên tâm cho gia đình, xã hội, để môi trường giáo dục được trong sạch, lành mạnh, văn minh tiến bộ.

Có thể nói rằng, việc học sinh dùng dao chém thầy giáo – người trực tiếp giảng dạy, giáo dục mình là một hành động phản giáo dục, vừa có tính chất côn đồ vừa trái đạo đức xã hội, trái với thuần phong, mỹ tục nên không tránh khỏi việc dư luận xã hội lên án. Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài nào để xử lý học sinh này phải dựa trên các căn cứ pháp luật, các chứng cứ, tình tiết trong quá trình điều tra, xác minh của cơ quan công an có thẩm quyền, đảm bảo xử lý đúng người đúng tội, vừa có tính giáo dục vừa có tính răn đe phòng ngừa chung.

Xin cảm ơn Luật sư!

Ngày 30/10, Ông Đặng Văn Hóa – Trưởng phòng GD - ĐT huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết, tại trường THCS Thị trấn Thanh Chương xảy ra vụ việc học sinh Nguyễn Trọng M. (14 tuổi, học sinh lớp 8B) mang dao tới trường đuổi chém thầy giáo bị thương.

Nạn nhân là thầy Nguyễn Hữu Hiếu – Giáo viện bộ môn Hóa học, kiêm trưởng ban an ninh trường THCS Thị trấn Thanh Chương.

Theo đó, vào sáng 27/10, Ban giám hiệu trường THCS thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, Nghệ An đã mời phụ huynh em M. đến để bàn bạc, phối hợp trong việc giáo dục học sinh này.

Khi thầy Hiếu đang nói chuyện với phụ huynh em M., bất ngờ M. cầm dao xông vào chém thầy Hiếu. Do quá bất ngờ, thầy Hiếu dùng tay đỡ thì bị chém trọng thương ở phần tay. Ngay sau đó, nhà trường đã báo với công an thị trấn Thanh Chương.

Thầy Hiếu được các đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương cấp cứu. Tại cơ quan điều tra, M. đã khai nhận về hành vi của mình.

Tác giả bài viết: TƯỜNG VY

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP