Giáo dục

Nam Định: Nghị lực phi thường của cô giáo xương thủy tinh

Cô gái Nguyễn Thị Ngọc Tâm từ lúc vừa lọt lòng đã mắc bệnh xương thủy tinh, suốt 26 năm qua số lần gãy xương không đếm hết, nhưng vượt lên số phận Tâm đã và đang cống hiến cho đời với ước mơ làm cô giáo.

Gắn với bệnh tật từ khi lọt lòng

“Cô giáo Tâm” là cách những người dân tại thôn Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và những học trò nhỏ dành cho Nguyễn Thị Ngọc Tâm – cô gái 26 tuổi, nặng 15kg. Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, chị Tâm không may mắc chứng bệnh xương thủy tinh, từ đó quãng đời tuổi thơ của chị luôn gắn liền với bệnh tật và nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn.

Cô giáo xương thủy tinh - Nguyễn Thị Ngọc Tâm.

Tìm đến nhà Tâm vào một ngày đầu đông, trong căn phòng rộng khoảng 10m2, tôi nhìn thấy có một dãy bàn dài hai bên có khoảng mươi em nhỏ đang chăm chú làm bài tập, ngồi chính giữa đầu hai dãy bàn là một cô gái nhỏ ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế gỗ có lưng tựa – tôi đoán đó là Tâm.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Tâm đó chính là vẻ ngoài xinh xắn, hiền hậu với làn da trắng, mái tóc dài đen mượt, đôi mắt sáng, nụ cười đầy sức sống, giọng nói ôn tồn đang chăm chú giảng bài cho các em nhỏ.

Do mắc bệnh bẩm sinh, cộng với nhiều lần bị gãy xương và các chứng bệnh khác như tim, phổi, dạ dày, phế quản nên sức khỏe của Tâm rất yếu và hoàn toàn không đi lại được. Với cơ thể nhỏ bé chưa đầy 15kg, các chân bị teo nhỏ, ngồi lọt lỏm trong chiếc ghế gỗ, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ gia đình trợ giúp nhưng ít ai có được nghị lực và sự lạc quan trong cuộc sống như Tâm. Tính đến nay đã là hơn 10 năm Tâm thực hiện công việc thắp sáng ước mơ tri thức cho các em nhỏ trong vùng.

Chia sẻ với PV Phapluatplus.vn, cụ Nguyễn Thị Lịch (82 tuổi), bà ngoại của Tâm cho biết: “Từ lúc mới sinh ra đã phát hiện cháu Tâm bị bệnh xương thủy tinh, một chân bị quặt ngược lên bụng không thể duỗi thẳng. Khi Tâm được 2 tuổi, gia đình đưa Tâm đến Bệnh viện Nhi Thụy Điển tại Hà Nội để phẫu thuật. Sau lần phẫu thuật đó, chân cháu Tâm có thể duỗi được nhưng vẫn không thể đi lại.

Tâm được tặng một chiếc xe lăn nhưng vì sức khỏe quá yếu nên không đủ sức để điều khiển và di chuyển. Mọi sinh hoạt cá nhân đều cần đến sự giúp đỡ của mọi người trong nhà. Có những lần Tâm cố gắng tập đứng, tập đi nhưng đều không thành công, nhìn thấy Tâm như vậy cũng xót nên gia đình động viên bảo Tâm thôi không cần tập nữa”.

Cụ Nguyễn Thị Lịch (bà ngoại của Tâm) kể về tuổi thơ của Tâm cho PV.

Khi đến tuổi đi học, Tâm cũng có nguyện vọng được đến trường như các bạn cùng trang lứa nên ông bà ngoại và bố mẹ Tâm luôn cố gắng đưa đón Tâm đến trường hàng ngày. Không phụ lòng ông bà, bố mẹ và thầy cô 9 năm đi học Tâm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Dù rất ham học và thông minh nhưng việc học tập của Tâm cùng bạn bè cùng trang lứa cũng phải dừng lại khi Tâm bắt đầu vào cấp 3. Phần vì đoạn đường từ nhà đến trường cấp 3 quá xa (khoảng 15km) gia đình không có phương tiện để đưa đón, phần vì sức khỏe của Tâm cũng yếu, chưa kể chỉ cần ngồi lệch tư thế hoặc va chạm nhẹ cũng có thể khiến Tâm bị gãy xương.

“Với những người bình thường đi học là một chuyện đơn giản nhưng đối với mình là cả một sự cố gắng. Ngoài xương thủy tinh mình còn bị các chứng bệnh khác như tim, phổi, phế quản, dạ dày. Số lượng thuốc mình uống còn nhiều hơn cả ăn cơm. Có những lần bị ốm mình còn phải ngủ ngồi trong suốt hàng tháng trời vì nằm xuống xương lại rất đau.

Còn về số lần gãy xương thì không thể nhớ hết, chỉ cần ngồi lệch tư thế thì xương cũng có thể bị gãy. Có khi vừa đến bệnh viện bó bột xong, trên đường về nhà được nửa đường lại gãy chỗ khác nên lại quay lại bệnh viện để băng bó. Vì vậy nên giờ mình cũng chỉ cố gắng bảo toàn để xương không bị gãy nữa thôi” – Tâm chia sẻ.

Vượt lên số phận



Lớp học nhỏ của cô giáo xương thủy tinh - Nguyễn Thị Ngọc Tâm.

Đến với lớp học của cô giáo Tâm, chúng tôi mới cảm nhận được hết nghị lực phi thường của Tâm. Tính đến nay đã là hơn 10 năm Tâm dạy học miễn phí cho các em nhỏ.

Lớp học của Tâm được Tâm gón gọn trong bài thơ do chính cô tự sáng tác với tựa đề “Lớp học của tôi”.

"Không phấn, không bảng, không bục giảng.

Giáo án không, chỉ có một tấm lòng.

Tri thức mang theo, hành trang ta tích lũy.

Bước ngoặt đầu đời, nhờ công sức thầy cô.

Em bé tật nguyền ước mớ làm cô giáo

Gian khó cũng nhiều, nhưng rồi cũng vượt qua.

Mỗi buổi học, mang theo bao hạnh phúc.

Cô với trò tíu tít bên nhau.

Trao tri thức, cùng bao nhiệt huyết.

Bao khát khao, được cống hiến cho đời.

Cho đất nước, cho sự nghiệp trồng người.

Cho hôm nay, và cho cả mai sau".


Mùa hè là thời gian Tâm bận bịu nhất, vì số lượng học sinh đông nên Tâm không chỉ dạy 2 ca sáng, chiều mà còn phải tách dạy thêm cả ca tối. Các học sinh đến học không chỉ ở trong xã Yên Quang mà còn đến từ các xã khác như Yên Hồng hay tỉnh Ninh Bình, Thái Bình. Nhiều em nhà xa còn ở lại nhà cô ăn cơm, đến tối bố mẹ mới đến đón về.

Vì chỉ học hết lớp 9 nên Tâm quyết định chỉ kèm cặp cho các em đang học tập từ lớp 1 đến lớp 8. Tâm chia sẻ: “Mình thì trình độ không cao những biết đến đâu mình sẽ hướng dẫn đến đó. Mình không biết nhiều nhưng cũng cố gắng tìm thông tin làm đề cương cho các em theo đề cương mà cô giáo bộ môn đưa cho các em học tập tại lớp. Sao cho sát với kiến thức thực tế nhất, củng cố lại kiến thức môn học cho các em và mở rộng ra những dạng bài khác”.

Nói về cơ duyên khiến tâm mở lớp dạy học miễn phí Tâm cho biết, ngay từ khi còn học lớp 6 thì Tâm chỉ gọi là kèm thêm cho các em ở lớp nhỏ hơn gần nhà, cho đến khi phải nghỉ học. Ở nhà cũng không biết làm gì mà sức khỏe yếu không phụ giúp được gì nên mình quyết định sẽ kèm thêm cho những em học sinh cấp 1, cấp 2. Tùy vào nhu cầu học của các em mà mình kèm nhiều môn khác nhau.

Bài thơ đầu tiên mà Tâm sáng tác khi đang là học sinh lớp 7.

Do mắc phải căn bệnh xương thủy tinh nên Tâm chỉ ngồi một chỗ để giảng bài. Nhờ phương pháp giảng dạy dễ hiểu nên các em đều nhanh chóng tiến bộ. Trong những học sinh Tâm từng kèm cặp theo từ cấp 1 đến hết cấp 2, có những em đã đậu vào các trường Đại học danh tiếng.

Ngoài ra, còn rất nhiều những em nhỏ khác đã và đang theo học Tâm cũng được tuyển chọn vào các đội thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh. Đây là nguồn động lực khiến Tâm cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì đã góp được chút sức lực nhỏ bé của mình cho xã hội.

Điều ước giản đơn

Mang trong mình căn bệnh xương thuỷ tinh với thời gian sống ngắn ngủi, nhưng cô gái nhỏ Nguyễn Thị Ngọc Tâm lại chứa đựng trong mình một năng lượng sống đặc biệt.

Ban ngày Tâm cố gắng giảng dạy cho các em học sinh một cách tận tình, nhưng đến ban đêm Tâm lại phải chịu đựng nỗi đau về thể xác do bệnh tật hành hạ, nhưng Tâm không hề kêu than. Không những vậy Tâm còn làm thơ, viết văn dự thi các cuộc thi lớn nhỏ trên báo, đài tổ chức và gặt hái được những giải thưởng nhất định.

Bài dự thi đạt giải khuyến khích của cô giáo Tâm trong cuộc thi Tôi có một ước mơ do VTV6 tổ chức vào năm 2011.

Số tiền nhuận bút, phần thưởng Tâm nhận được khi tham gia viết thơ, bài dự thi Tâm đều dành để mua sách, mua vở tặng lại các em học sinh vào các dịp như kết thúc học kỳ 1, kết thúc học kỳ 2 để động viên khích lệ tinh thần cho các em.

Hỏi về ước mơ của mình, Tâm chia sẻ: “Mình ước mình có sức khỏe, để có thể kèm thêm cho các em học tập, làm nhiều bài thơ, viết nhiều bài dự thi để có thêm tiền mua sách cho các em và phần nào phụ giúp cha mẹ tiền thuốc của mình.

Mình cũng muốn truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh như mình có thêm niềm tin vào cuộc sống. Không quan trọng bạn sống lâu quan trọng là phải sống ý nghĩa. Vì sống không có nghĩa là tồn tại”.

Sau khi nói chuyện với Tâm, chúng tôi bước chân ra về, tiếng Tâm giảng bài cho các em vẫn văng vẳng, với tôi Tâm giống như một bông hoa hướng dương, luôn hướng về ánh mặt trời dẫu bản thân phải đối mặt với nghịch cảnh...

Nguyễn Thị Ngọc Tâm - Cô giáo xương thuỷ tinh cũng là minh chứng sống chứng minh rằng dù bất cứ ai, người lành lặn hay khuyết tật, đều có thể làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa, nếu chúng ta có đủ niềm tin vào cuộc sống.

Tác giả bài viết: Minh Trang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP