Kinh tế

Năm 2021, miền Nam có thể thiếu 3,7 tỉ kWh điện

Đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao, kéo dài tới 2011-2023, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh "tình hình đang rất cấp bách, không thể chậm trễ hơn".

Chiều 11-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập một cuộc họp khẩn để đánh giá nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2019-2020. Từ đó, các đơn vị liên qua đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện trọng điểm hiện nay.

Trước nguy cơ không có điện dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong năm 2019-2020, kéo dài tới 2011-2023, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh "tình hình đang rất cấp bách, không thể chậm trễ hơn"

Miền Nam có nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới. Ảnh PLO.

Trong đó, nguyên nhân thiếu điện theo Bộ Công Thương trình là do điều kiện thời tiết bất lợi, thuỷ điện không đủ tích nước. Điều này khiến Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp, dự báo phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và 35 triệu tấn than vào 2035.

Giai đoạn 2019-2020 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, song không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện.

Các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Cụ thể, năm 2021 mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh; năm 2022 tăng lên gần 10 tỉ kWh; năm 2023 mức thiếu hụt cao nhất khoảng 12 tỉ kWh, năm 2024 thiếu 7 tỉ kWh và 3,5 tỉ kWh năm 2025.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối về năng lượng, tham mưu cho Chính phủ xây dựng tổng sơ đồ. Bộ đã có nhiều hoạt động cụ thể để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua còn nhiều dự án chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tác động đến đời sống người dân.

Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu các các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lý, báo cáo, có biện pháp cụ thể xử lý ngay các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần đánh giá cụ thể từng dự án, vướng mắc ở đâu, khó khăn chỗ nào, khả năng đáp ứng được tiến độ đến đâu. Trong trường hợp không đáp ứng được về mặt tiến độ thì giải pháp thay thế là gì, nếu nhập khẩu điện thì nhập khẩu ở nguồn nào, giá cả ra sao, khả năng đấu nối ra sao? Trường hợp sử dụng năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió để thay thế thì khả năng đáp ứng được đến đâu, có những vướng mắc khó khăn hay cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách gì...

Tác giả: THÁI NGUYÊN

Nguồn tin: Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP