Thế giới

Nadia Murad: Từ nô lệ tình dục tới người đoạt giải Nobel Hòa bình

Murad phải trải qua thời gian tồi tệ trong tay IS, trước khi trở thành nhà hoạt động chống bạo lực tình dục được vinh danh toàn cầu.

Nadia Murad phát biểu tại Hanover, Đức vào ngày 31/5/2016. Ảnh: AFP.

Nadia Murad, nhà hoạt động nhân quyền người dân tộc thiểu số Yazidi ở Iraq, và Denis Mukwege, bác sĩ phụ khoa người Congo, hôm 5/10 được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ trong việc chấm dứt nạn bạo lực tình dục, theo AFP.

Murad, 25 tuổi, trở thành người đoạt giải Nobel Hòa bình trẻ thứ hai và là người Iraq đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này. Trước khi được vinh danh, người phụ nữ gầy gò với mái tóc nâu dài từng sống một cuộc đời yên bình trong ngôi làng Kocho ở miền núi phía bắc Iraq, gần biên giới với Syria.

Tuy nhiên, cơn ác mộng bắt đầu khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy và mở các cuộc tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ hai nước vào năm 2014, khiến số phận của cô thay đổi mãi mãi.

Một ngày tháng 8/2014, những chiếc xe bán tải mang cờ đen của IS xông vào làng của cô. Chúng tàn sát đàn ông, bắt trẻ em để huấn luyện thành phiến quân và biến hàng nghìn phụ nữ thành nô lệ lao động và tình dục.

Murad từng nói rằng phiến quân IS muốn "cướp đi tự trọng của người khác, nhưng chúng lại đánh mất danh dự của mình". Chính cô cũng chịu đựng tội ác này trong ba tháng.

Sau khi bị bắt, Murad bị đưa tới Mosul, thành trì của IS tại thời điểm đó. Suốt thời gian này, cô liên tục bị cưỡng bức tập thể, tra tấn và đánh đập. Chúng còn buôn bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ, ép người Yazidi cải sang đạo Hồi bởi chúng coi Yazidi là dị giáo.

Giống như hàng nghìn người Yazidi khác, Murad bị ép kết hôn với một tay súng IS, chịu hành hạ, bị bắt trang điểm và mặc quần áo bó. "Điều đầu tiên chúng làm là ép chúng tôi cải sang đạo Hồi", Murad cho biết trong cuộc phỏng vấn năm 2016.

Nadia Murad bắt tay các dân quân người Kurd ở Iraq chào mừng cô trở về làng Kocho vào ngày 1/6/2017. Ảnh: Reuters.


Trước cú sốc do bạo lực, Murad lên kế hoạch chạy trốn với sự giúp đỡ của một gia đình Hồi giáo ở Mosul. Nhờ giấy tờ giả, cô đã tới được vùng đất của người Kurd ở Iraq và gia nhập các nhóm người Yazidi tại những khu trại tị nạn.

Tại đây, Murad biết được 6 người anh và mẹ của mình đã bị IS giết hại. Với sự giúp đỡ của một tổ chức hỗ trợ người Yazidi, cô đoàn tụ với chị gái mình ở Đức, nơi cô sinh sống hiện nay.

Từ đó, Murad đã cống hiến hết mình cho điều mà cô gọi là "cuộc chiến của dân tộc", trở thành người phát ngôn nổi tiếng trước cả khi phong trào #MeToo nhằm chống quấy rối và bạo hành tình dục lan tỏa khắp thế giới.

"Một thế giới hòa bình hơn chỉ có thể đạt được nếu phụ nữ và các quyền cơ bản của họ được thừa nhận và bảo vệ trong chiến tranh", Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình, phát biểu khi công bố giải thưởng năm nay. "Murad đã cho thấy lòng can đảm vô tận khi kể lại nỗi đau của chính mình và lên tiếng thay các nạn nhân khác".

Murad và Lamia Haji Bashar, người bạn từng cùng cô nhận giải thưởng nhân quyền Sakharov của Liên minh châu Âu vào năm 2016, đến nay vẫn tiếp tục đấu tranh cho 3.000 người Yazidi được cho là vẫn bị IS giam giữ. Murad hiện là đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc, đại diện cho những người sống sót qua nạn buôn người.

Tiếng nói của Murad giờ đây có sức ảnh hưởng toàn cầu, giúp đòi công lý cho dân tộc của cô và khiến quốc tế công nhận những hành vi của phiến quân IS là diệt chủng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2017 đã cam kết giúp Iraq thu thập những bằng chứng tội ác của IS.

Sau những bi kịch từng chịu đựng, hình ảnh gần đây trên Twitter của Murad cho thấy cô đang có khoảng thời gian hạnh phúc. Hồi tháng 8, Murad tuyên bố đính hôn với nhà hoạt động Abid Shamdeen, cũng là một người Yazidi.

"Cuộc đấu tranh của dân tộc đã mang chúng tôi đến với nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này cùng nhau", Murad viết trên mạng xã hội, kèm theo bức ảnh cô đứng bên hôn phu và nở nụ cười.

Tác giả: Ánh Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP