Pháp luật

Mục Viết tiếp bài: “TP Vinh: Tranh chấp hợp đồng xây dựng về thanh quyết toán”

Tạp chí Quê Hương Ngày Nay số 72+73/2016 đăng bài: “TP Vinh: Tranh chấp hợp đồng xây dựng về thanh quyết toán, tòa sơ thẩm tuyên có thuyết phục” nói về những nội dung chưa thuyết phục của bản án sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST trong vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa nhà thầu Tổng công ty 36 (nguyên đơn) và chủ đầu tư Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An (bị đơn). Nhận được kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Nghệ An và kháng cáo của bị đơn, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm từ ngày 09/9/2016 đến ngày 12/9/2016.

Có hay không việc tạo điều kiện cho nhà thầu!?

Tuy nhiên bản án số 14/2016/KDTM-PT của TAND tỉnh Nghệ An vẫn giữ nguyên y án với nhiều nội dung theo phía bị đơn là “không bình thường” và cố tình tạo điều kiện cho nhà thầu hưởng lợi hàng chục tỷ đồng. Sau khi làm đơn kháng cáo lên VKSND tối cao đề nghị TAND tối cao xét xử lại vụ án thì Công ty CP Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An (Tổng Công ty PTNL Nghệ An) còn làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu vào cuộc điều tra Thẩm phán Nguyễn Thị Hường là chủ tọa phiên tòa đã có nhiều vi phạm trong quá trình xét xử.
Đơn tố cáo của Tổng Công ty Phát triển Năng lượng Nghệ An gửi lãnh đạo và các cơ quan chức năng ở tỉnh Nghệ An.

Tòa án “quyết toán” tiền dự án thay cho chủ đầu tư?

Theo đơn tố cáo của Tổng công ty PTNL Nghệ An gửi các cơ quan chức năng có nêu rõ: công trình thủy điện Nậm Mô đến thời điểm này vẫn chưa được quyết toán, chưa có biên bản thống nhất về khối lượng và giá trị quyết toán giữa nhà thầu, Tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát và chủ đầu tư.

Tuy nhiên Thẩm phán Nguyễn Thị Hường đã chấp nhận toàn bộ số liệu và tự quyết toán số tiền 207.214.184.000 đồng của nhà thầu là Tổng công ty 36 đơn phương đưa ra mà không cần tham vấn, kiểm chứng, xác minh làm rõ số liệu của bất cứ cơ quan chuyên môn nào. Rõ ràng ở đây Thẩm phán và Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tự mình xác nhận số tiền quyết toán dự án mà không qua bất cứ một quá trình xác minh hay không có một cơ quan chuyên môn nào đứng ra chứng minh số tiền này là hợp lý.

Trong khi đó, phía bị đơn đã mời Công ty kiểm toán quốc tế PNT – Chi nhánh Hà Nội tiến hành kiểm toán, đưa ra số liệu và có đơn kiến nghị gửi tòa mời đơn vị kiểm toán này tham gia đối chất tại tòa nhưng không được HĐXX và thẩm phán Nguyễn Thị Hường đồng ý. Theo ông Nguyễn Tám – Tổng giám đốc Tổng Công ty PTNL Nghệ An cho biết: “Đây là một trong nhiều tình tiết của vụ án cho thấy Thẩm phán phiên tòa có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình xét xử vụ án và chính vì thế mà phía công ty đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu điều tra làm rõ những uẩn khúc trong bản án phúc thẩm này”.
Theo quy định giá trị quyết toán chỉ có tính pháp lý khi được cơ quan kiểm toán xác nhận và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, để quyết toán được một công trình thủy điện là hết sức phức tạp, để tính toán ra khối lượng cần phải có các kỹ sư sử dụng các phần mềm và thuật toán chuyên nghiệp làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, số tiền quyết toán tại phiên tòa được Thẩm phán xác nhận dựa trên số liệu của chỉ duy nhất nhà thầu tự đưa ra mà theo bị đơn là có nhiều sai sót, sơ sài và thiếu chính xác, cụ thể theo tính toán của chủ đầu tư và công ty kiểm toán thì số tiền quyết toán cho công trình đã tăng lên đến 29 tỷ đồng so với số liệu thực tế.

Tòa án là nơi công dân tìm đến khi cần sự công bằng, để có được sự công bằng đó thì cần những người cầm cân, nảy mực phải thực sự công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật. Nhưng trong hoàn cảnh này, tại sao chủ tọa chỉ dựa vào số liệu từ một phía mà đã đưa ra quyết định nhanh chóng như vậy (!?). Cũng hoàn toàn dễ hiểu khi bị đơn cảm thấy bất bình và cho rằng phán quyết của tòa và cách xử án của thẩm phán Nguyễn Thị Hường có dấu hiệu “không bình thường”.

Bỏ qua nhiều tình tiết, chứng cứ gây bất lợi cho bị đơn

Có một điểm chung khó hiểu giữa phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm trong vụ án này đó là việc HĐXX và chủ tọa phiên tòa đã không cho phép Công ty Thủy điện Bản Vẽ tham gia phiên tòa với tư cách là người có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi liên quan vì đây chính là đơn vị tư vấn quản lý, tư vấn giám sát dự án.

Lý do mà tòa cấp phúc thẩm đưa ra đó là vụ án chỉ liên quan đến việc vướng mắc trong vấn đề quyết toán giữa Tổng Công ty 36 và Tổng Công ty PTNL Nghệ An. Còn quyền và nghĩa vụ của Công ty thủy điện Bản Vẽ nếu có theo hợp đồng 04 là với Tổng Công ty PTNL Nghệ An chứ không phải với Tổng công ty 36 nên không cần thiết phải đưa Công ty thủy điện Bản Vẽ vào tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, việc đưa đơn vị tư vấn, giám sát dự án vào tham gia tố tụng tại tòa đã được quy định rõ tại Điều 45 và 90 Luật Xây dựng năm 2003. Như vậy việc HĐXX và thẩm phán Nguyễn Thị Hường không đưa đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án vào tố tụng là vi phạm quy định về Luật Xây dựng và gây bất lợi cho bị đơn trong quá trình xét xử.

Tổng giá trị hai gói thầu mà Tổng Công ty 36 thực hiện là 160 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân công là 39 tỷ chiếm tỉ lệ 24%. Sau đó, nhà thầu tự quyết toán tiền nhân công tăng thêm 31 tỷ đồng khiến tỉ lệ nhân công chiếm tới 43%. Mà thời gian thi công là hơn 1 năm 8 tháng.

Như vậy trong vòng chưa đến 2 năm mà tiền lương đã tăng 81% là điều hết sức phi lý, đó là chưa nói đến tỉ lệ nhân công cho một công trình xây dựng thủy điện mà chiếm đến 43% cũng là một điều mà bất cứ một chủ đầu tư nào cũng khó có thể chấp nhận được. Cả phía nguyên đơn là Tổng Công ty 36 và TAND tỉnh Nghệ An đều lấy lý do là yêu cầu thanh toán khoản tiền bù giá nhân công hơn 31 tỷ đồng là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên khi bị đơn là Tổng Công ty PTNL Nghệ An yêu cầu nguyên đơn cung cấp bảng lương của người lao động thì nhà thầu không cung cấp được.

Theo quy định tại Điểm B, Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình nêu rõ: Giá nhân công xây dựng được xác định trên cơ sở tính đúng, tính đủ tiền lương nhân công và phù hợp với mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, tỉnh theo từng ngành nghề cần sử dụng. Câu hỏi đặt ra ở đây là dựa vào cơ sở nào để HĐXX và thẩm phán phiên tòa chấp nhận những số liệu bất hợp lý về giá nhân công của nguyên đơn đưa ra tại phiên tòa?

Một tình tiết đáng chú ý trong phiên tòa là việc Thẩm phán Nguyễn Thị Hường đã chấp nhận lời khai mà theo phía bị đơn là không trung thực của nhà thầu để đưa vào bản án đó là: Dự án đã đưa vào vận hành đạt hiệu quả cao, doanh thu mỗi năm trên 60 tỷ đồng, tổng doanh thu 3 năm hơn 200 tỷ đồng.

Trong khi đó phía chủ đầu tư cho biết: sau 3 năm vận hành doanh thu thực tế chỉ đạt 152 tỷ đồng và công ty phải bù lỗ gần 25 tỷ đồng. Như vậy giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã đưa ra những số liệu khác nhau về doanh thu trong 3 năm qua của dự án, để biết được con số thực tế là bao nhiêu thì cần phải có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền như sở Tài chính, cơ quan thuế…

Tuy nhiên, tại phiên tòa số liệu này chưa được cơ quan có thẩm quyền nào chứng thực nhưng vẫn được đưa vào sử dụng làm lời khai là điều chưa thuyết phục.

Có thể nói bản án 14/2016/KDTM-PT của TAND tỉnh Nghệ An có nhiều điểm chưa thật sự thuyết phục, với nhiều tình tiết nội dung gây bất lợi cho bị đơn và có lợi cho nguyên đơn. “Với những dấu hiệu vi phạm pháp luật, lợi dụng chức quyền của Thẩm phán Nguyễn Thị Hường, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra những sai phạm tại bản án không bình thường, có dấu hiệu tiêu cực này. Đồng thời đề nghị cho một cơ quan giám định có chuyên môn thực hiện kiểm toán lại số liệu nhà thầu đưa ra để xem xét tính chính xác số tiền mà Thẩm phán Nguyễn Thị Hường đã tuyên buộc chúng tôi phải trả cho nhà thầu”, ông Nguyễn Tám – Tổng giám đốc Tổng Công ty PTNL Nghệ An kiến nghị trong đơn tố cáo.

Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 75 + 76 / 2016

Tác giả bài viết: Bài & ảnh: Quốc Cường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP