Xã hội

Mùa xây dựng, lại nóng tình trạng khai thác đất trái phép

Cứ đến thời điểm này hàng năm, tình trạng khai thác đất phục vụ nhu cầu san lấp xây dựng lại nóng lên ở hầu hết các địa phương. Có cầu ắt có cung, tuy vậy, với số lượng mỏ đất hợp pháp ít ỏi trên địa bàn tỉnh nên việc sử dụng đất lậu, đất khai thác trái phép diễn ra khá phổ biến tại các công trình.

Bước vào mùa xây dựng, việc quản lý tình trạng khai thác đất trái phép trong thời điểm này luôn là bài toán làm đau đầu các địa phương. Đặc biệt, đối với địa bàn các huyện chưa có mỏ và doanh nghiệp được cấp phép khai thác.
khai thac dat
Mặc dù huyện Yên Thành chưa có mỏ và chưa có doanh nghiệp được cấp phép khai thác

Mặc dù huyện Yên Thành chưa có mỏ và chưa có doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất nhưng những chiếc xe tải cứ nối đuôi nhau khai thác đất mỗi ngày

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành nói: Chúng tôi cũng đi kiểm tra, rồi cũng xử phạt nhưng nhu cầu lớn nên vẫn diễn ra tình trạng khai thác trái phép. Không có các doanh nghiệp khai thác hợp pháp thì dù làm nhà, xây dựng các công trình cũng không biết lấy đất đâu để san lấp.

Không chỉ các công trình dân sinh, thậm chí nhiều công trình phục vụ lợi ích công cộng mang tính trọng điểm cũng phải dùng nguồn đất khai thác bất hợp pháp. Đơn cử, do huyện Thanh Chương chưa có bất kỳ mỏ đất nào được cấp phép nên để có hơn 10 ngàn m3 đất nâng cấp tuyến đê Cẩm Thái có chiều dài 7km, kéo dài từ xã Thanh Đồng đến xã Thanh Văn, chủ đầu tư và nhà thầu đã phải mua 100% nguồn đất khai thác trái phép.

khai thac dat 1
Để có hơn 10 ngàn m3 đất nâng cấp tuyến đê Cẩm Thái (Thanh Chương), chủ đầu tư và nhà thầu đã phải mua 100% nguồn đất khai thác trái phép

Theo ông Trần Văn Hiền - Công ty CP Tây An – đơn vị thi công đê Cảm Thái: Liên quan đến đất, mặc dù không có mỏ nhưng bọn tôi vẫn phải lấy để đắp để kịp tiến độ phòng mùa lụt tới. Chúng tôi tạm lấy theo hồ sơ thầu. Chính quyền địa phương cũng hiểu chúng tôi làm đắp đê nên cũng tạo điều kiện.

Một khu mỏ thuộc địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc được cấp phép để khai thác đá nhưng các xe tải chạy ra từ đây phần lớn đều chở đất. Việc làm lách luật này của chủ mỏ xuất phát từ nhu cầu thị trường. Hiện trường nham nhở của các khu đồi mang danh nghĩa cải tạo hiện trạng để sản xuất ở huyện Thanh Chương và một số địa phương khác đều có lý do tương tự. Điều đáng nói là việc vi phạm xuất phát từ sự quản lý lỏng lẻo của các địa phương, thậm chí có những biểu hiện làm ngơ từ phía chính quyền các cấp.

khai thac dat 2
Khu mỏ thuộc địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc được cấp phép để khai thác đá...
khai thac dat 3
...nhưng các xe tải chạy ra từ đây phần lớn đều chở đất

Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Các công trình từ dân dụng cho đến các dự án nhà nước thực hiện trên địa bàn đều có phương án lấy đất san lấp và được các cơ quan chức năng phê duyệt. Tuy vậy, do chưa có mỏ đất nên đất san lấp chủ yếu vẫn lấy từ các hộ cải tạo vườn tược.
khai thac dat 5
Những hình ảnh này dễ dàng bắt gặp trong mùa xây dựng

Trên thực tế, thủ tục để được cấp mỏ đất nhằm khai thác dùng làm vật liệu san lấp vẫn quá rườm rà, cộng với quy định nhiều loại phí trong khi đó giá thành một mét khối đất sau khai thác không lời lãi bao nhiêu nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà để xin cấp mỏ.

Tác giả bài viết: Xuân Hướng – Duy Thanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP