Trong nước

Mưa lớn, thủy điện trên sông Ba ồ ạt xả lũ: Nỗi khổ của người dân vùng hạ du

Bốn ngày sau trận lũ dữ, bên lưu vực sông Ba (tỉnh Phú Yên) là những khuôn mặt vẫn chưa hết thất thần, những gọt nước mắt đang rơi... Nhiều người bảo, đây là lần đầu tiên trong đời họ chứng kiến dòng nước lũ lên nhanh như vậy.

Người dân thôn Phú Nông, xã Hòa Bình I, huyện Tây Hòa, Phú Yên thiệt hại nặng nề vì bò chết hàng loạt sau lũ dữ. Ảnh NHIỆT BĂNG
Đứt ruột nhìn bò chìm trong xoáy lũ sông Ba
“Sông Ba chảy xuống Đà Rằng/ Ai thương Đắc Lắc cho bằng Phú Yên” - câu ca ấy càng thấm đẫm khi lưu vực con sông này hứng trận lũ kinh hoàng mấy ngày qua. Thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa có gần 50 con bò chết vì ngạt nước nằm phơi bụng trắng trên cồn nổi Sôi Mới (sông Ba) sáng 4.11. Các hộ dân có bò chết khi trò chuyện với chúng tôi như không còn hồn vía, nói trước quên sau. Đã là ngày thứ 3 kể từ buổi sáng chứng kiến đàn bò nằm chết la liệt trên cồn nổi, anh Lương Tấn Tự (thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, Phú Yên) vẫn bần thần. Chỉ trong một đêm trắng lũ về, gia đình anh thành cùng kiệt.

Không kìm được nước mắt trước chuồng bò trống trơ mới sửa để chuẩn bị đưa 4 con bò lớn về vỗ béo bán trả nợ, anh Tự kể: “1 giờ sáng 3.11, thấy nước vào nhà, 2 anh em bật dậy chạy ra bờ sông tìm cách sang soi. Anh Tự cùng 10 người trong thôn Phú Nông kéo thuyền ra rồi lại vào. Nước sông Ba lên cuồn cuộn, trời mưa to, gió lớn và tối nên không ai dám chèo thuyền qua. Chờ đến 4 giờ trời sáng thì tôi liều mình chạy thuyền qua thu dọn đồ, tìm cách chuyển bò đi” .
Theo anh Tự, từ 13-14 giờ, ở cồn nổi sông Ba, nước dâng lên từng phút. Chỉ hơn 1 tiếng sau, cồn này đã bị cô lập. “Chúng tôi và gần 100 con bò, trâu bất lực nhìn nước và chờ người đến cứu… Đến 15 giờ cùng ngày thì có ca nô đội cứu hộ bên huyện Đông Hòa sang nhưng chỉ có thể cứu người chứ không cứu bò được. Nhìn biển nước xoáy, 4 con bò lớn gần 150 triệu đồng gia sản cả nhà chắt chiu đổ sức 3 năm nay tôi không cầm lòng đi cho đặng. Nhưng không đi thì chết, nên phải quệt mắt mà lên ca nô”.
Cồn Sôi Mới trên sông Ba là nơi người dân 3 xã: Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), Hòa Thành (huyện Đông Hòa), Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) khai phá nhiều đời nay. Những nương lúa, nương bắp... và con bò đã trở thành đầu cơ nghiệp của hàng trăm hộ gia đình sống nhờ bãi bồi giữa sông.
Một ngôi nhà ở thôn Ngọc Lâm, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên bị sập hoàn toàn sau lũ dữ.

Riêng xã Hòa Bình 1 trước lũ đã có 330 con bò đang được thả nuôi trên cồn. Chỉ trong một ngày 3.11, nước dâng cao, cả cồn ngập chìm, 33 con bò trong thôn Phú Nông chết trắng, người dân bán đổ bán tháo trên cồn. Ông Trần Văn Tiên (thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) bảo, 10 năm nay ngày nào cũng như ngày nào, 5 giờ sáng vợ chồng ông khăn gói ra cồn đến 17 giờ tối mới về nhà lo cho con cái. Nuôi con nhờ tiền bán bò, nhà cháy bán bò để xây, vợ bệnh… cũng bán bò để chữa trị, tất tật mọi thứ đều trông vào con bò, nhưng lần đầu tiên lũ cuốn có một đêm mà ông mất đứng 5 con bò, trong đó có 2 con bò sắp đẻ. “Nó đau gấp nhiều lần khi 4 năm trước tui đi về nhìn thấy nhà mình cháy”- ông Tiên quệt nước mắt nói.
Bao nhiêu năm nay không ai xa lạ gì với lũ, thậm chí còn mong lũ về cho phù sa tươi tốt. Nhưng “nước lên nhanh như thế này thì gần 60 năm sống ở đây đến nay lần đầu tôi thấy”- bà Lê Thị Mơ, mẹ anh Tự khẳng định. Bà cùng chồng mưu sinh trên cồn giữa sông Ba gần 20 năm. 6 năm nay chồng bà đổ bệnh tim nên chỉ quanh quẩn ở nhà, mình bà và 2 con trai quần quật ngoài cồn kiếm tiền chữa bệnh cho ông.
Ba năm trước, bà vay vốn Ngân hàng Chính sách 50 triệu đồng, vay nóng thêm ngoài 10 triệu để ráng mua cho được 4 con bê gầy đàn vừa lấy sức vừa nuôi bán thịt. 3 năm nay, bà xoay xở vay mượn nóng, trả, rồi lại vay để duy trì đàn bê từ từ lớn dần giờ đã có thể bán được 30 - 40 triệu đồng/con. “Bò chết người ta trả được con 3 triệu đồng, con 7 triệu đồng, cộng cả được 30 triệu đồng hôm qua tui đưa luôn lên trả ngân hàng. Giờ thì tay trắng, tiền vay không trả hết, bò không còn, còn nợ chồng thêm. Thằng út nhìn những con bò ngày ngày nó chăm sóc nâng niu chết trắng nó đau quá ôm đồ đi vào Sài Gòn làm phụ hồ ngay hôm sau”- bà Mơ nức nở.
Người dân thôn Phú Nông, xã Hòa Bình I, huyện Tây Hòa thiệt hại nặng nề vì bò chết hàng loạt sau lũ dữ. Ảnh: NHIỆT BĂNG

Ông Cao Văn Khoa - Trưởng thôn Phú Nông nói thêm: “Bà Mơ mới cắt một lá lách, nhà vay bên hợp tác xã 10 triệu đồng. 6 - 7 năm nay mới trả được 3 triệu đồng, hợp tác xã đòi mãi không có trả đang làm thủ tục khởi kiện. Tôi nghe bà nói chờ mấy hôm nữa bán được bò trả giờ thì mất luôn cả kế mưu sinh”.
Dân đề nghị được đền bù

Bà Nguyễn Thị Nông (56 tuổi, thôn Phú Nông, xã Hòa Bình I) chỉ tay ra bụi tre đầu làng, bức xúc: “Sách vở của con em chúng tôi không nằm trong hộc bàn mà trôi ra mắc ở đó khi lũ về đấy. Nước lũ gì mà hút nửa thuốc, nước lên 0,5m, hút hết điếu thuốc lên 1m. Chưa bao giờ lũ xả lên nhanh như vậy, bà con ai cũng hoảng hốt, thậm chí không đưa kịp bàn thờ đi. Nhiều người phải bỏ hết tất cả để đưa người ra đi, cuối cùng tối đấy cũng không ngủ được lũ quá nhanh. Bà con ai cũng hoảng hốt”.

Cũng như nhiều hộ dân khác, vận dụng bà Nông kịp bưng đưa lên cao khi lũ xuống là chiếc lò trấu và ít gạo, còn quần áo, sách vở con cái “ngâm” theo dòng nước. Bà đề nghị các thủy điện phải xả lũ cho đàng hoàng, vì đây là vùng hạ du, dân chịu thiệt lắm.

“Thiệt hại nặng nề khắp nơi, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể... cứu trợ sau nổi. Tôi đề xuất đập thủy điện phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Chẳng hạn như tài sản, gạo thóc, quần áo, sách vở... để cầm cự cuộc sống qua trận lũ này, chứ giờ có người ăn mì tôm, mua nợ luôn sao người ta chịu cho nổi. Lần này còn lần sau, trước khi xả, các thủy điện trên sông Ba, nhất là thủy điện An Khê - Ka Nak (tỉnh Gia Lai) phải báo cho tất cả địa phương nằm ở thượng lưu, trung lưu và hạ du. Còn trận lũ vừa qua, “ông” An Khê - Ka Nak xả lũ không báo. Thủy điện sông Ba Hạ không có hồ chứa riêng nên họ xả bật xuống sông Ba đây. Họ quá thiếu trách nhiệm với dân, quá xem thường tính mạng của dân” - bà Nông nói.
“Các thủy điện trên lưu vực sông Ba khi xả lũ cần phải nhịp nhàng và có sự phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt là phải thông báo cho dân sớm hơn để chủ động phòng tránh. Nếu có diễn đàn ngồi cùng các thủy điện trên lưu vực sông Ba, tôi sẽ kiến nghị họ phải có trách nhiệm với người dân hạ du. Họ xả lũ ồ ạt, hạ du lãnh đủ, rồi im lặng, không bồi thường cho dân là không được” - ông Nguyễn Văn Giảng - Phó Chủ tịch xã Hòa Bình I (huyện Tây Hòa) nói.

Phó Chủ tịch huyện Tây Hòa Trần Công Chính cho biết, thông báo xả lũ của thủy điện sông Ba Hạ vừa qua hơi muộn. “Họ thông báo ban đêm, sáng ra lực lượng chức năng huyện rất khó hỗ trợ đưa bò từ bãi bồi sông Ba về nhà kịp. Còn “ông” thủy điện An Khê - Ka Nak xả trước báo sau, thì Chủ tịch tỉnh Gia Lai đã nói rồi, quá sai. “Ổng” xả xuống sông Ba, thủy điện sông Ba Hạ hứng thêm, phải điều tiết, nên xả hơi nhiều tí. Còn việc kiến nghị thủy điện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho dân hạ du thuộc thẩm quyền của tỉnh nên tôi không có ý kiến”.
Về vấn đề này, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên cho rằng: “Chuyện xả lũ của thủy điện An Khê - Ka Nak về sông Ba, chúng tôi sẽ bàn luận kỹ để đưa ra vấn đề có kiến nghị bồi thường cho dân hay không, còn bây giờ chúng tôi chưa thể vội vàng đưa ra ý kiến”.

Tác giả bài viết: Nhiệt Băng - Thanh Thuý

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP