Nhà đẹp

Một phút sửa thiết kế, gia chủ gặp phiền phức cả đời với toilet

Tự ý đổi hướng cửa, đổi vị trí khu ướt khu khô... là lỗi rất nhiều gia chủ mắc phải khi thi công nhà vệ sinh.

Trong kinh nghiệm làm việc của các kiến trúc sư, việc chủ nhà tự ý thay đổi bản vẽ, dẫn đến phiền toái khi sử dụng là chuyện tương đối quen thuộc. Thường trước khi thiết kế chi tiết, các KTS đều tư vấn cụ thể ưu khuyết điểm của từng trường hợp, nhưng lúc đó, gia chủ không để ý. Đến khi thi công, họ mới thấy có một số điều không như ý mình. Tuy nhiên, họ không biết rằng, việc thay đổi dù chỉ một chi tiết nhỏ như hướng mở cửa phòng toilet cũng có thể khiến họ gặp rắc rối lâu dài về sau.

Nhà vệ sinh có vách ngăn bằng kính trong phòng ngủ là mẫu hiện được nhiều người yêu thích.

KTS Phạm Thanh Truyền vẫn còn nhớ một khách hàng tên Lâm ở Gò Vấp, TP HCM có căn hộ 96m2. Nhà có một phòng vệ sinh cạnh khu bếp, đã được KTS tư vấn nên mở hướng cửa từ trái sang phải để dễ dàng giấu các thiết bị vệ sinh bên trong. Cụ thể hơn, cánh cửa nhà vệ sinh có tác dụng che cái bồn cầu, cho dù cửa đang mở thì vẫn không thấy.

Trong quá trình thi công, anh Lâm cảm thấy bản vẽ của KTS... bị ngược hướng mở cửa, nên quyết định cho thợ thay đổi lại hướng, ngược lại với bản vẽ ban đầu. Kết quả là anh đã vô tình "khoe" cái bồn cầu ra ngoài mỗi khi mở cửa.

Sau khi công trình hoàn thiện, anh Lâm ngay lập tức thấy phòng vệ sinh lộ nhiều quá. Ngồi ở bàn ăn bên ngoài, anh thấy ngay cái bồn cầu trong phòng vệ sinh, khiến cảm giác khó chịu và ăn mất ngon.

Trường hợp thứ hai là một gia chủ ở Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) tự thay đổi khu vực tắm và vị trí bồn cầu. Do đọc bản vẽ không rành, nên mãi đến khi thi công phần hoàn thiện, anh Thanh mới nhận thấy thiết kế không giống như hình dung của mình: là muốn đặt bồn cầu vào nơi sâu nhất của nhà vệ sinh. Vì vậy anh yêu cầu thợ đi lại toàn bộ đường ống để dời vị trí bồn cầu vào trong cùng, hoán đổi khu vực ướt và khô.

Khi đi vào thực tế sử dụng, gia đình anh Thanh gặp bất tiện do khi tắm, nước văng khắp nơi trong phòng vệ sinh. Sau khi một người vừa tắm xong, người khác bước vào chỉ để rửa mặt cũng thấy ướt át rất khó chịu.

KTS Truyền nhận xét, trường hợp thay đổi khu vực tắm và vị trí bồn cầu là thường gặp nhất trong hạng mục nhà vệ sinh. Trong thiết kế, các KTS thường đưa khu vực ướt (khu tắm) vào bên trong cùng và thấp nhất, các khu vực còn lại thuộc về khu khô. Khi tắm, có vách kính ngăn lại không cho nước văng ra các khu vực lân cận, giúp nhà vệ sinh luôn khô ráo và sạch sẽ.

Một trường hợp hay gặp nữa là thay đổi vật liệu làm vách ngăn nhà vệ sinh như anh Bình, quận Tân Phú, TP HCM. Trong bản vẽ thiết kế hoàn thiện, anh Bình rất thích ý tưởng của KTS: phòng ngủ riêng của hai vợ chồng sử dụng nhà vệ sinh có vách kính trong suốt. KTS tư vấn sử dụng vách kính cho phòng vệ sinh sẽ giúp không gian thông thoáng hơn, ánh sáng vào phòng vệ sinh nhiều hơn, tải trọng của vách sẽ nhẹ hơn nếu so với xây bằng gạch. Khi cần kín đáo, anh có thể thả rèm bên trong.

Tuy nhiên, do vợ anh không quen và cảm thấy ngại ngùng khi sử dụng nhà vệ sinh dùng vách kính nên sau đó, anh chị đã tự ý bảo thợ xây tường gạch, dán gạch men thay thế. Thiệt hại đầu tiên là các bộ cửa và vách kính đã được gởi đi cường lực phải bỏ hết khiến anh chị phí một khoản tiền không nhỏ.

Đáng nói hơn, vật liệu thay đổi đã dẫn đến cảm giác phòng vệ sinh bị bưng bít, ngột ngạt. Sau một thời gian sử dụng, vách gạch có dấu hiệu nứt do gia cố thép sàn nơi vị trí tường xây không phù hợp, bởi nó vốn được thiết kế chỉ dành cho vách kính.

KTS Phạm Thanh Truyền cho biết, trong hầu hết các thiết kế, các KTS đã tính toán và cân nhắc để có được bản vẽ hợp lý, đúng nguyên lý. Một số khách hàng do không đọc được bản vẽ và có cái nhìn cục bộ nên chỉ khi xây lên mới cho ý kiến sửa đổi và tự ý sửa đổi manh mún. Một số trường hợp do chưa thích nghi với vài ý tưởng mới do KTS đề xuất nên đã thay đổi, trong khi những đề xuất của các KTS thường mang tính đồng bộ, tổng quan. Khi thay đổi một chi tiết nào đó, họ đã vô tình làm sự đồng bộ đó bị chông chênh, mất hiệu quả. Bởi vì thực tế, mỗi chi tiết trong thiết kế của KTS đều có những mối liên quan nhất định với các chi tiết xung quanh, thay đổi một chi tiết có thể phải kéo theo thay đổi các chi tiết khác.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc như vậy, KTS Truyền khuyên các chủ đầu tư nên mạnh dạn đề xuất những "văn hóa cá nhân", những cái thích và không thích trước khi thiết kế. Trong trường hợp đọc không được bản vẽ thì cũng nên đề xuất KTS cho xem bản vẽ 3D để hình dung một cách trực quan hơn. Chi phí để xem được các bản vẽ 3D lúc nào cũng rẻ hơn so với chi phí đập đi sửa lại


Ảnh: Cát Mộc

Tác giả: Hoàng Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP