Giáo dục

Một ngày làm việc của giáo sư Việt tại Đại học Harvard

Giáo sư Ngô Như Bình cho biết hàng ngày, ông rời khỏi nhà vào lúc 7h20 để đón xe đến trường. Thời gian trên xe, ông tranh thủ học thêm tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Đức.


Giáo sư Ngô Như Bình kể chuyện học hành thời khói lửa "Đến bây giờ, chúng tôi vẫn rất biết ơn những người nông dân đã đùm bọc trong những năm tháng hết sức khó khăn", giáo sư bồi hồi nhớ lại quãng thời gian đi sơ tán.
Chia sẻ với Zing.vn, giáo sư Ngô Như Bình, chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại Đại học Harvard, Mỹ cho biết sáng nào cũng vậy, ông rời khỏi nhà vào lúc 7h20 để bắt xe bus đến trường. "Khoảng 8h15, xe đến nơi và tôi có khoảng hơn 30 phút xem lại kế hoạch đã chuẩn bị cho buổi học", ông nói.
Tiết học bắt đầu vào lúc 9h. Trong vòng một tiếng, giáo sư cùng các học sinh thảo luận về ngữ pháp tiếng Việt cũng như các lĩnh vực văn học và xã hội Việt Nam. Sau đó, giáo sư Ngô Như Bình dành thời gian để luyện tập thể thao.
"Nếu cách đây hơn nửa thế kỷ, mùa hè năm 1966, người Mỹ không ném bom Hà Nội thì biết đâu tôi đã theo con đường thể thao. Khi ấy, tôi ở trong đội tuyển bơi trẻ của thủ đô. Thế nhưng, chiến tranh làm gián đoạn tất cả và tôi quay lại con đường học hành. Nhưng khi có điều kiện, tôi vẫn bơi", ông nhớ lại.
Giáo sư thông tin: "Sức bền có thể không bằng hồi trẻ nhưng kỹ thuật vẫn còn đấy. Khi xuống nước, tôi lại trở về với những năm tháng thiếu thời, trở lại với cuộc đời trên mặt nước". Ông cho hay bơi cũng là phương pháp giúp mình quên đi áp lực của công việc, cũng như cuộc sống thường ngày, để nhớ lại những năm tháng Hà Nội bình yên và êm ả.
Sau khi đi bơi về, giáo sư ăn uống và nghỉ ngơi ít phút để chuẩn bị cho lớp buổi chiều. "Một tuần, tôi có hai buổi chiều - thứ ba và thứ năm - không có tiết. Trừ một chiều thứ ba trong tháng họp bộ môn, tôi dành toàn bộ thời gian để chấm bài cho sinh viên, soạn bài cho cả tuần sau, học thêm và viết sách", ông chia sẻ.
Khoảng 18h30, giáo sư Bình đón xe về nhà. "Thời gian trên xe, tôi tranh thủ học thêm tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Đức", ông nói.
Sau bữa tối, ông ngồi vào máy và đọc thư của sinh viên, giải đáp thắc mắc của họ cũng như trả lời thư của đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới. Tiếp đến, ông dành 30 phút để cập nhật tin tức trước khi quay lại máy tính và tiếp tục làm việc đến 23h. "Tôi cố gắng đảm bảo một ngày ngủ 7 tiếng", thầy giáo già chia sẻ.
"Công việc bên này rất bận rộn. Muốn viết sách, tôi phải làm việc vào cuối tuần, những ngày lễ và các kỳ nghỉ", giáo sư thông tin. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng dành thời gian cho gia đình. Vì con gái ở xa, hai cha con ông thường nói chuyện qua điện thoại. Những câu chuyện của họ xoay quanh công việc, cuộc sống và niềm vui.
Tiết lộ về tác phẩm sắp tới, giáo sư Ngô Như Bình cho biết ông đang viết cuốn sách đối chiếu ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó tập trung ngữ pháp và ngữ âm. Dự kiến, cuốn sách sẽ hoàn thành trong vòng 4-5 năm nữa. "Khi còn ở Liên Xô, tôi rất muốn có một cuốn sách đối chiếu ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, khi ấy, tôi quá bận biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt cho người Nga cũng như giảng dạy. Sau 25 năm sống tại Mỹ, tôi mới có thể thực hiện ý định đó", ông nói.
Thomas Jacqueline, nghiên cứu sinh tại Học viện Công nghệ Massachusetts, cảm thấy may mắn khi có cơ hội tham gia lớp học tiếng Việt của giáo sư Ngô Như Bình. Anh học tiếng Việt để có thể giao tiếp với bạn bè người Việt, người Mỹ gốc Việt cũng như gia đình của họ. Jacqueline hy vọng mình không chỉ sử dụng ngôn ngữ này tại bang California mà còn ở Việt Nam trong tương lai.
Trong khi đó, Trần Cao Vinh, sinh viên năm 2 tại Đại học Harvard, nhận xét giáo sư Bình là người thầy thực sự say mê trong việc truyền đạt ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho các sinh viên. Nam sinh cho biết hàng năm, giáo sư thường mời các học sinh đến đón Tết tại nhà thầy.

Tác giả bài viết: Kim Ngân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP