Thế giới

Một dòng phụ của Omicron phát triển nhanh, lan tới 40 quốc gia

Cơ quan y tế Anh đang theo dõi một dòng phụ của biến chủng Omicron, cho rằng nó có thể phát triển nhanh.

Làn sóng Omicron vẫn đang bùng phát tại nhiều quốc gia (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Chủng BA.2, một dòng phụ của biến chủng Omicron, đang được nghiên cứu nhưng chưa được chỉ định là một biến chủng đáng lo ngại.

"Bản chất của virus là tiến hóa và đột biến, vì vậy chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến các biến chủng mới xuất hiện", tiến sĩ Meera Chand, giám đốc phụ trách đối phó sự cố tại Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), cho biết.

"Việc giám sát bộ gene liên tục cho phép chúng ta phát hiện chúng và đánh giá xem chúng có đáng quan tâm hay không", tiến sĩ Chand cho biết thêm.

Anh Quốc đã xác định trình tự gene của 426 trường hợp nhiễm BA.2. UKHSA cho biết mặc dù còn chưa chắc chắn về tầm quan trọng của những thay đổi đối với bộ gene của virus, nhưng phân tích ban đầu cho thấy tốc độ phát triển tăng lên so với dòng Omicron ban đầu là BA.1.

UKHSA cho biết 40 quốc gia đã báo cáo ca nhiễm BA.2, trong đó nhiều nhất ở Đan Mạch, tiếp theo là Ấn Độ, Anh, Thụy Điển và Singapore.

Ở Đan Mạch, BA.2 đã phát triển nhanh chóng, chiếm 20% tổng số ca Covid-19 trong tuần cuối cùng của năm 2021, sau đó tăng lên 45% vào tuần thứ hai của năm 2022.

Anders Fomsgaard, nhà nghiên cứu tại Viện huyết thanh Statens (SSI), cho biết ông vẫn chưa có lời giải thích chính xác về sự phát triển nhanh chóng của dòng phụ này.

"Có thể chủng này đang kháng lại khả năng miễn dịch cộng đồng, cho phép nó lây nhiễm nhiều hơn. Chúng tôi vẫn chưa biết rõ", Anders nói, đồng thời lưu ý rằng có khả năng những người nhiễm BA.1 không được miễn dịch và nhiễm BA.2 ngay sau đó.

"Đó là một khả năng. Trong trường hợp đó, chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống đó. Trên thực tế, chúng ta có thể thấy hai đỉnh của dịch bệnh này", chuyên gia Anders nói thêm.

Phân tích ban đầu do viện SSI của Đan Mạch thực hiện cho thấy, không có sự khác biệt về tỷ lệ nhập viện vì BA.2 so với BA.1.

Nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding cho biết các biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Mức độ nguy hiểm của biến chủng mới sẽ được xác định sau khi các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của nó.

Nhiều biến chủng SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong 2 năm qua với khả năng lây nhiễm và độc lực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số biến chủng được cho là gây nguy hiểm nhiều hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc dễ lây lan hơn.

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 11 năm ngoái và hiện đã lan ra hơn 150 quốc gia trên thế giới. Biến chủng này gây lo ngại bởi có chứa hơn 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trên protein gai, cấu trúc có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc né miễn dịch của virus.

Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 18/1 cho biết Omicron không phải là biến chủng cuối cùng mà thế giới phải đối mặt. Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết: "Đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc".

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP