Trong tỉnh

Minh Sơn (Đô Lương, Nghệ An): Bất nhất mô hình chăn nuôi gà thịt lai chọi

Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết: “Minh Sơn (Đô Lương, Nghệ An): Chính quyền xã lập hồ sơ khống với mô hình chăn nuôi gà thịt lai chọi”; phản ánh thực trạng người dân bức xúc về việc lãnh đạo xã sử dụng nguồn tiền chăn nuôi gà thịt lai chọi theo hướng VietGAHP sai mục đích, sai đối tượng thì nhiều người dân lại tiếp tục phản ánh về việc nhiều hộ không đủ điều kiện vẫn được nhận tiền hỗ trợ, thậm chí trong số này có người nhà cán bộ.

Ngày 16/10/2019 UBND xã Minh Sơn (Đô Lương, Nghệ An) có tờ trình số 118/TTr-UBND đề nghị phê duyệt dự toán xây dựng mô hình phát triển sản xuất từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2019. Theo tờ trình mô hình chăn nuôi gà lai thịt theo hướng VietGAHP tại xã Minh Sơn có quy mô 5.000 con, địa điểm xóm Long Minh và xóm Thọ Minh với thời gian thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12/2019. Dự toán kinh phí thực hiện 495.059.000 đồng trong đó kinh phí đề nghị hỗ trợ 258.134.000 đồng thuộc nguồn vốn kinh phí sự nghiệp Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (MTQGXDNTM) năm 2019.

Ông Nguyễn Đình Quyền (Áo xanh, đứng) – Chủ tịch UBND xã Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị Thẩm định xã xây dựng NTM tại xã Minh Sơn (Đô Lương, Nghệ An) sáng 18/6 (Ảnh: Truyền hình Đô Lương).

Ngay sau đó, ngày 30/10/2019 UBND huyện Đô Lương có Quyết định số 2468/QĐ – UBND về việc phê duyệt dự toán kinh phí mô hình chăn nuôi gà thịt lai chọi theo hướng VietGAHP. Quy mô dự án sẽ có khoảng 5.000 gà lai chọi được đầu tư nuôi thả trong các nhà dân, trọng lượng bình quân đạt 2 đến 2,2kg/con.

Hình ảnh bên ngoài, và bên trong trang trại chăn nuôi Gà của anh Nguyễn Công Thức. Trước đó, đây là chỗ nuôi lợn. Sau đó có nuôi gà, nhưng tại thời điểm tháng 6/2020 trang trại nuôi gà này “vắng bóng” gia cầm.

Theo hồ sơ PV tiếp cận được, thể hiện rõ nguồn tiền chuyển về trại giống và bên mua bán vật tư như thuốc men, chất sát trùng, thức ăn… và người dân sẽ không được nhận tiền trực tiếp. Tại hợp đồng kinh tế số 11/HĐ-KN giữa UBND xã Minh Sơn (Bên mua) và Công ty TNHH MTV giống gia cầm Phước Trùng (Bên bán) có địa chỉ tại thôn Hà Lạc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thể hiện rõ việc xã Minh Sơn mua 5.000 con gà lai chọi 1 ngày tuổi, tổng số tiền 85 triệu đồng.

Tại 1 hợp đồng khác mà PV có được, thể hiện mục mua thức ăn hỗn hợp, hóa chất sát trùng, thuốc thú ý, vắc xin phòng bệnh với tổng số tiền 388.850.000 đồng. Trong hợp đồng này cũng thể hiện rõ việc chuyển tiền trực tiếp cho đơn vị bán. Như vậy, theo các hợp đồng trên thì tất cả các nguồn tiền sẽ chuyển trực tiếp cho các đơn vị cung cấp giống và vật tư, các hộ dân thực hiện mô hình chăn nuôi gà lai chọi theo hướng VietGAHP không có cơ sở để nhận tiền mặt.

Tờ trình số 118/TTr-UBND do ông Nguyễn Đình Quyền – Chủ tịch UBND xã Minh Sơn ký, đề nghị phê duyệt dự toán xây dựng mô hình phát triển sản xuất từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2019

Tại buổi làm việc với PV ông Nguyễn Đình Quyền – Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cũng khẳng định: “Tất cả có 2 chứng từ, 1 chứng từ chuyển về trại giống, 1 chứng từ chuyển về vật tư. Dân không được nhận một đồng nào cả”.

Tuy nhiên, trao đổi với ông Nguyễn Văn Hòa 1 trong 5 hộ nuôi gà, ông này lại cho biết: “Diện tích ở nhà tôi không đủ nên tôi đã phải làm chung với anh Thức, tôi có 1 nghìn con gà và tôi nhận được 30 triệu đồng từ anh Thức. Cả 5 hộ mất gần 30 triệu đồng phí hồ sơ, mỗi hộ mất 6 triệu tiền phí. Toàn bộ do anh Thức đi làm hồ sơ hết”.

Anh Nguyễn Công Nguyên cũng cho biết: “Diện tích của tôi cũng chưa đủ theo tiêu chuẩn với 250m2. Trong xóm có nhiều người họ không làm vì họ không nắm bắt được thông tin. Tôi nhận được hỗ trợ bằng tiền mặt 10 triệu trước. Vì tôi nuôi ít nên nhận được 10 triệu. Nghe bảo sắp tới, tôi sẽ nhận được 20 triệu còn lại”.

Quyết định số 2468/QĐ – UBND của UBND huyện Đô Lương về việc phê duyệt dự toán kinh phí mô hình chăn nuôi gà thịt lai chọi theo hướng VietGAHP.

Anh Cao Đức M., một công dân xóm Long Hội cho biết: “Anh Thức có nuôi gà hay không thì tôi không rõ, nhưng anh Hòa và anh Nguyên, anh Quý không có trang trại và gộp nuôi vào anh Thức là có. Số tiền anh Hòa, anh Nguyên, anh Quý nhận được nghe đâu 30 triệu đồng tiền mặt. Theo tính toán số tiền nếu chia đều có thể nhận được xấp xỉ 47 triệu. Tại sao lại không có sự minh bạch như vậy? Đề nghị chính quyền xã giải trình rõ”.

Trong buổi làm việc với đại diện các ngành, tổ chức của xã Minh Sơn với sự tham gia của ông Nguyễn Đình Quyền (Chủ tịch UBND xã Minh Sơn), Ông Phùng Văn Nhuận (Cán bộ Mặt trận) và Ông Nguyễn Bá Thành (Công chức phụ trách nông nghiệp) đều cho rằng: “Do xã chưa đạt nông thôn mới, nên không được nhận 50% số tiền phân bổ theo hợp đồng mua gà và vật tư. Như vậy chia ra mỗi hộ gia đình tham gia nuôi gà chọi nhận được số tiền 47.385.000 đồng”.

Hợp đồng kinh tế số 11/HĐ-KN giữa UBND xã Minh Sơn (Bên mua) và Công ty TNHH MTV giống gia cầm Phước Trùng (Bên bán)

Như vậy một khúc mắc lớn cần phải làm sáng tỏ ở đây là số tiền người dân thực nhận và tiền trên giấy tờ đã và đang nằm trong túi những ai? Chính quyền xã nói dân không được nhận tiền nhưng trên thực tế dân lại được nhận tiền mặt. Tại sao lại có sự “sai số” giữa chủ trương và thực tế đã thực hiện trong thực hiện việc chăn nuôi gà thịt lai chọi theo hướng VietGAHP như vậy?

Bản cam kết tham gia mô hình chăn nuôi gà chọi lai thịt của hộ ông Nguyễn Công Quý, Nguyễn Đình Hải, Nguyễn Công Nguyên, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Công Thức và hình ảnh chuồng trại bỏ trống của ông Nguyễn Công Thức

Để mô hình chăn nuôi gà lai chọi theo hướng VietGAHP ở Minh Sơn không đi chệch hướng có lẽ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nhanh chóng vào cuộc làm rõ những khuất tất trên.

Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tác giả: Cẩm Tú

Nguồn tin: khoe365.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP