Kinh tế

Masan chính thức thâu tóm chuỗi Phúc Long với định giá hơn 8.000 tỷ đồng

Masan rót thêm 110 triệu USD (gần 2.500 tỷ đồng) vào Phúc Long để nâng tỷ lệ sở hữu thương hiệu trà, cà phê lâu đời Phúc Long lên 51% cổ phần.

Tập đoàn Masan vừa thông báo đã mua thêm 31% cổ phần của chuỗi cà phê, trà sữa Phúc Long với giá 110 triệu USD trong tháng 1 vừa qua. Sau giao dịch này, Masan sở hữu 51% cổ phần Phúc Long, chính thức trở thành công ty mẹ của thương hiệu trà sữa lâu đời tại Việt Nam và sẽ hợp nhất kết quả kinh doanh của hệ thống này vào báo cáo tài chính của tập đoàn.

Với mức giá 110 triệu USD để đổi lấy 31% cổ phần, Masan định giá Phúc Long 355 triệu USD, tương đương hơn 8.000 tỷ đồng. Tập đoàn này chia sẻ thêm hệ số định giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần (P/E) với Phúc Long khoảng 15 lần dựa trên lợi nhuận ước tính sơ bộ 2022.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2021, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 15 triệu USD để mua 20% cổ phần Phúc Long, tương đương mức định giá chuỗi cà phê, trà sữa này ở mức 75 triệu USD. Như vậy, chỉ sau chưa đầy một năm, giá trị của Phúc Long đã tăng gần 5 lần.

Sau đợt rót vốn đầu tiên, Masan thí điểm mô hình ki-ốt bán cà phê, trà sữa bên trong hệ thống 50 cửa hàng VinMart+, nay đã đổi tên thành Winmart+. Mục tiêu của tập đoàn này là đưa mô hình ki-ốt trà sữa vào 1.000 cửa hàng bán lẻ trong vòng 12 tháng.

Trong năm 2022, Masan dự báo doanh thu của Phúc Long có thể đạt 2.000 - 3.000 tỷ đồng sau khi mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và các ki-ốt bên trong những điểm siêu thị mini WinMart+ cùng với việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm.

Phúc Long chính thức trở thành công ty con của Masan (Ảnh: MSN).

Phúc Long là một trong những thương hiệu trà, cà phê lâu đời trên thị trường khi ra đời vào năm 1968 dưới bàn tay của nhà sáng lập Lâm Bội Minh. Nhưng phải hơn 40 năm sau, thương hiệu này mới mở cửa hàng cà phê đầu tiên tại TPHCM, đánh dấu bước chuyển dịch từ vai trò nhà sản xuất sang bán lẻ trong ngành đồ uống.

Với Masan, thương vụ mua thêm cổ phần để chi phối Phúc Long đánh dấu hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) đầu tiên trong năm 2022. Năm ngoái, chính tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là một trong những doanh nghiệp hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường M&A.

Năm 2021, Masan lần lượt mua cổ phần Phúc Long, công ty viễn thông Mobicast và nhận đầu tư từ các quỹ lớn trên thế giới vào công ty con TheCrownX. Từ khi thành lập vào năm 2020, nền tảng bán lẻ - tiêu dùng này đã huy động tổng cộng 1,5 tỷ USD.

Trong năm nay, tập đoàn này cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình mini-mall, tích hợp các dịch vụ mua sắm dược phẩm, sản phẩm tài chính cá nhân, dịch vụ giải trí, viễn thông vào bên trong các siêu thị mini WinMart+.

Năm ngoái, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 88.629 tỷ đồng, tăng 14% so với 2020. Đặc biệt, lợi nhuận của doanh nghiệp đạt 10.101 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP