Thể thao

Màn kì kèo "từng triệu" của bầu Kiên & mức lương gây chấn động V.League của vị HLV dị biệt

Người ta vẫn nhớ đến HLV Lê Thụy Hải với những phát biểu thẳng, thật và đầy cá tính. Nhưng cuộc đời làm nghề của ông trên thực tế còn nhiều câu chuyện khác thú vị không kém.

Lời tòa soạn: Đối với những ai thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam, cái tên Lê Thụy Hải đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Ngoài việc là một trong những HLV nội giàu thành tích bậc nhất V.League, người ta còn nhớ đến ông bởi những phát ngôn đầy cá tính và điều này không ít lần tạo ra tranh cãi trong dư luận.

Nhưng chuyện về những phát ngôn của ông có lẽ cũng được nhắc đến nhiều và chẳng còn mấy xa lạ. Ở loạt bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến một góc nhìn khác về HLV Lê Thụy Hải trong cuộc đời làm nghề, mà theo ông mô tả là "rất phức tạp".

Lắng nghe những chia sẻ của ông, ta càng hiểu được rõ hơn vì sao lại có một Lê Thụy Hải như thế và vì sao một Lê Thụy Hải như thế lại tồn tại và đạt được thành tích ấn tượng đến vậy trong nghiệp HLV. Dẫu cho khi lần đầu tiên cầm quân ở V.League, ông đã chuẩn bị bước sang tuổi lục tuần.

"TÔI CÓ NGẠI GÌ TRUYỀN THÔNG"

"Thực tình giờ tôi cũng đâu có nhu cầu lên báo. Bây giờ già rồi, mình có cần đòi hỏi gì nữa đâu. Có người vẫn mời tôi lên truyền hình nhưng mà giờ mình cũng không thích và không muốn nữa. Chẳng qua với một số phóng viên quen, họ cần thì tôi giúp thôi", vẫn với phong cách nói chuyện quen thuộc của mình, HLV Lê Thụy Hải đã mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi như thế.

Nghỉ công tác huấn luyện cũng đã được vài năm, nhưng ông Hải vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, với những bình luận, đánh giá chuyên môn về các sự kiện liên quan đến bóng đá Việt Nam.

Đó cũng là điều không quá khó hiểu bởi theo như ông nói: "Phóng viên người ta thích hỏi tôi vì tôi hay nói thẳng, nói thật". Cũng bởi cái sự thẳng và thật đó mà ngày còn làm việc tại V.League, không ít lần HLV Lê Thụy Hải trở thành tâm điểm với truyền thông bởi những phát ngôn của mình.

Việc ông đi đi về về, dẫn dắt khá nhiều đội bóng khác nhau ở V.League khiến cho mỗi lần có sự biến, người ta lại đặt câu hỏi rằng vì sao ông Hải ra đi, rồi ông đến với mức lương như thế liệu có xứng hay không? Điều này khiến người viết phải đặt câu hỏi rằng trong thời gian làm nghề, liệu có bao giờ những bài viết, câu chuyện của truyền thông làm công việc của ông bị ảnh hưởng?

Đáp lại câu hỏi đó, ông Hải cười và bảo: "Với tôi, ông Lê Thụy Hải ngày xưa giờ đã là quá khứ rồi, mọi chuyện đã ở lại phía sau. Giờ mình về hưu, sống cùng con cái, gia đình và những ngày tháng đã qua.

Còn bóng đá cũng có sự phát triển theo xã hội. Có thể làm chỗ này không hợp, nhưng sang chỗ khác tôi lại làm tốt. Đó là chuyện rất bình thường.

Truyền thông có thể nói thế này thế kia về tôi, nhưng tôi thấy cũng không cần bàn đến. Vì báo chí thì vô cùng lắm. Đôi khi có một mà suy thành hai, thành ba. Nhưng đấy là chuyện của người ta, mỗi người có một công việc riêng mà.

Ngày vẫn còn làm nghề, tôi đối với truyền thông lúc nào cũng rất thoải mái và thẳng thừng. Anh nói sai về tôi là tôi nói lại ngay. Tôi có ngại gì truyền thông. Chứ còn làm gì đến mức làm ảnh hưởng tới công việc của tôi.

Ai đó nói tôi thì cùng lắm là tôi nghỉ. Nghỉ thì lại đi làm cho đội khác. Tôi có một tự hào rằng cứ nghỉ ở đây thì lại có việc ở chỗ khác, chẳng lúc nào mất việc cả. Và không có ai dám cương lại người thuê mình bằng tôi được.

Chúng ta phải nói thật với nhau rằng đó là đặc thù công việc, chẳng có vấn đề gì cả. Đừng nên để trong lòng. Anh cố làm gì cho mệt mỏi thêm ra. Quan điểm của tôi cũng lại rất "dở hơi" vì tôi không thấy mặc cảm trong chuyện đó mà thấy nó rất bình thường".

GẦN 60 TUỔI MỚI LÀM V.LEAGUE VÀ NHỮNG CÁI THÚ KHI DẪN ĐỘI BÓNG NHỎ

Tiếp đà câu chuyện, HLV Lê Thụy Hải đưa ra giải thích cặn kẽ hơn vì sao mình lại mang tính cách như vậy khi làm việc, cái cá tính mà người ta vẫn cho rằng chính nhờ nó mà ông thành công.

"Tôi ít khi giữ việc lắm, nếu ông chủ đuổi thì mình về. Để trong lòng làm gì cho nó bực bội ra. Hận thù, ghét bỏ nhau làm gì. Tôi có quan điểm nó hơi buồn cười thế. Nếu không thích thì không gặp lại nhau nữa, còn nếu họ mời lại mình thì tức là người ta hiểu mình, chứ về sau này tôi đi làm đâu có phải vì tiền nữa.

Bạn hỏi tại sao tôi lại làm được điều đó? Không phải vì cao siêu gì đâu mà do cái tuổi làm nghề của mình thôi. Mãi đến năm 2004 tôi về làm cho Hà Nội ACB thì mới là lần đầu tiên cầm quân ở V.League. Khi đó tôi đã gần 60 tuổi rồi (HLV Lê Thụy Hải sinh năm 1946 - PV), cái tuổi đủ để nhận biết được về cuộc đời, xã hội và mọi thứ khác. Chứ nếu làm sớm có khi tôi cũng giống như các HLV bây giờ thôi, cũng phải thế này thế kia.

Thực lòng mà nói thì mình cũng hay đọc sách và vận dụng được. Bản thân mình cũng có nhiều người bạn, người thân lớn tuổi đưa ra lời khuyên răn để giúp đỡ, chứ không phải tôi hay ho gì đâu. Nếu như mà tuổi trẻ thì có khi mình lại không chịu được. Cái gì cũng cần thời gian để vận dụng lý thuyết vào cuộc sống thực tiễn mà".

Nói đến đây, những dòng cảm xúc của quá khứ như chợt ùa về với ông Hải. Theo lời ông kể, trước ngày về Hà Nội ACB, ông chỉ dẫn những đội bóng nhỏ ở hạng dưới và thậm chí làm cả bóng đá nữ.

Nhưng trên thực tế đây lại là quãng thời gian vô cùng đáng nhớ với HLV Lê Thụy Hải. Theo ông, ngoài cái "máu" nghề nghiệp ra, việc cầm đội mạnh mà vô địch thì vui đấy nhưng cũng "bình thường thôi", còn cầm đội nhỏ mà giúp họ trở thành một tập thể mạnh, giúp các cầu thủ ít tên tuổi nổi lên nó lại có cái khoái riêng.

"Ngày xưa tôi làm những đội có khi chả ai biết đến đâu. Bình Thuận, Quảng Ngãi, An Giang rồi cả bóng đá nữ nữa. Đội cũng chỉ ở hạng dưới, mấy ai biết đâu nhưng tôi làm hết, chẳng nề hà xa gần gì cả, cứ đâu cần là ta đi.

Năm 1996 tôi làm cho Quảng Ngãi thì chế độ cũng có gì cao mấy đâu. So với mặt bằng xã hội thì cũng chỉ tạm ổn thôi, lương tháng triệu rưỡi. Chủ yếu là mình thích thôi.

Rồi Bình Dương năm 2002 tôi làm cũng đang đá hạng Nhất, chẳng mấy ai nhắc đến mình nhưng thích lắm, thích được đi làm. Hay như An Giang, Quảng Ninh hồi xưa đã có cầu đâu, toàn phải đi phà, mệt lắm. Nhưng tôi cũng chả ngại gì cả.

Xong rồi tôi làm cho Thanh Hóa năm 2003, đội không có ngoại binh nào nhưng cũng suýt lên được hạng. Thấy cũng vui lắm. Tôi đi rất nhiều đội, xa xôi hẻo lánh tôi cũng đi. Tôi yêu nghề lắm và thích được làm lắm chứ không thích ở nhà. Đến tận năm 72 tuổi thì mình mới nghỉ, chứ thực ra tầm đó là cũng quá muộn rồi".

"Tôi trải qua nhiều đội bóng, cũng gặp gỡ nhiều ông chủ có cá tính khác nhau, đặc thù mỗi địa phương làm bóng đá cũng khác nhau. Có khi ông chủ không hiểu nhiều về bóng đá nhưng lại nghĩ rằng mình có quyền. Người ta mời mình về, trả lương cho mình rồi lại nói nhiều câu không được hay lắm. Tôi cũng thấy không thích thì nghỉ.

Mỗi người một tính, mỗi địa phương một cách sống khác nhau. Nhưng điều tôi thích là việc đi làm ở mỗi đội lại có một cái riêng của nó. Mình áp dụng những chiến thuật của mình vào để đội bóng đó đi lên. Thấy thích lắm.

Ví dụ như về sau này, năm 2011 làm cho Thanh Hóa đến giờ tôi vẫn thấy thích và nhớ. Trước đó họ bị xuống hạng, rồi lấy suất của Thể Công chuyển giao về đá tiếp V.League, nhưng đến năm ấy thì những người Thể Công cũ họ cũng đi cả rồi. Lúc tôi đến thì đội toàn người Thanh Hóa thôi.

Mình về làm và bắt đầu đưa được những tên tuổi như Đình Tùng, Lê Văn Thắng, Quốc Phương hay một loạt các em trẻ khác bật lên, mà ban đầu không ai biết họ là ai cả. Năm đó tôi thích lắm. Mình đến tìm người rồi đưa vào dạy chiến thuật, rèn thể lực và rồi các em ấy lên được. Mà ban đầu đội nhìn thì dễ xuống hạng lắm nhưng rồi vượt lên ngon lành. Sau đó bầu Đệ có nói tôi, tôi thấy không thích nên quyết định nghỉ, không làm nữa. Tôi là như thế đấy. Nhưng đến giờ nhớ lại vẫn thích mãi năm đó, khi họ yếu mà mình vực lên được. Đấy là một kỷ niệm mà mình không bao giờ quên.

Còn ví dụ làm cho Bình Dương vô địch thì tôi thấy nó dễ vì đội đó vốn đã nhiều cầu thủ hay rồi, lại được nguồn lực kinh tế mạnh thúc đẩy phía sau. Tất nhiên đội mạnh cũng có cái khó riêng, cái gì người ta không làm được mà mình thành công thì cũng thích chứ. Mỗi cái có một kiểu khoái riêng. Chính vì suy nghĩ đó luôn nung nấu trong đầu mà tôi cứ đi, chả nghĩ gì cả, cứ đi thôi miễn là được đi làm".

HLV HÀNG ĐẦU, NHẬN LƯƠNG 100 TRIỆU NHƯNG KHÔNG CÓ BẰNG HLV

Nói chính xác hơn thì HLV Lê Thụy Hải vẫn có một số bằng huấn luyện, nhưng cái ông thiếu là bằng A HLV của AFC. Điều này về sau khiến các đội bóng trên danh nghĩa phải đăng ký chức danh của ông là Giám đốc kỹ thuật để lách luật, dù thực tế ông nắm vai trò của một HLV trưởng ở đội.

Cũng bởi thế mà HLV Lê Thụy Hải lại càng trở thành một cái tên đặc biệt trong làng bóng đá Việt Nam. Nói về chuyện bằng cấp của mình, ông giãi bày:

"Theo tôi nghĩ, bằng cấp cũng là một phần, lúc đi làm tôi không có bằng cấp thì cũng nhiều vấn đề lắm chứ không phải không đâu.

Có những bạn có điều kiện để đi học thì nhiều bằng cấp, còn tôi trong lúc mọi người đi học được thì tôi lại phải đi làm kiếm tiền. Mà khi đi làm thuê thì chẳng ai muốn tôi đi học cả, phải tận dụng thời gian để làm việc cho họ. Nó cũng có cái oái oăm riêng, không phải mình giả tạo mà đó là sự thật.

Vì thế đôi khi tôi cũng phải mong người ta thông cảm cho. Thời xưa tôi khó khăn. Lúc ý còn bao cấp, hai con học đại học thì mình phải đi lao động chứ. Đi làm vì yêu nghề nhưng thật lòng cũng là làm kinh tế để giúp cho con cái học hành, rất nhiều áp lực. Hồi ấy mà nói không cần tiền là tôi nói phét.

Về sau các cháu trưởng thành, đi làm rồi thì thực lòng đến lúc ấy thì tôi lại không cần tiền nữa. Mình đi làm chỉ vì yêu nghề thôi. Tôi quan điểm không giống người ta, biết đủ là đủ, chứ chả biết thế nào là giàu. Tôi là như thế, nói ra có thể người ta không thích nhưng sự thật nó vậy".

Đi làm mà không quá bận tâm đến chuyện tiền bạc, bằng cấp nhưng ông Lê Thụy Hải lại chính là người "phá trần" mức lương dành cho HLV nội, khi trở thành người đầu tiên được đội bóng trả lương 100 triệu/tháng vào năm 2010.

Thậm chí vào thời điểm ấy, khi những thông tin về việc Ninh Bình mời HLV Lê Thụy Hải về, truyền thông còn có phần bán tín bán nghi vì trước đó chưa một HLV người Việt nào được trả lương cao đến vậy. Người ta bàn luận, đặt câu hỏi rằng có lẽ con số 100 triệu chỉ là giá ảo. Nhưng rồi cuối cùng tất cả đều phải "ngã ngửa" khi đúng là bầu Trường trả cho HLV Lê Thụy Hải mức đãi ngộ như thế thật.

Sẽ càng bất ngờ hơn khi biết rằng trước đó chỉ 6 năm, bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên) lúc mời HLV Lê Thụy Hải về làm ở Hà Nội ACB còn "mặc cả từng triệu, từng trăm nghìn tiền lương". Vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt lớn đến vậy chỉ trong một quãng thời gian không quá dài?

"Lúc ấy tôi ấy tôi có nói với bầu Trường, cũng vui thôi nhưng ý rõ ràng rằng tôi không phải con người để mặc cả, trả lương 100 triệu thì tôi về Ninh Bình.

Vì sao tôi lại đòi hỏi như thế? Đơn giản vì tôi nghĩ giá trị bản thân mình nó phải ở mức như vậy. Lúc ấy đồng lương là giá trị con người", HLV Lê Thụy Hải kể lại câu chuyện về mức lương "gây sốc" một thời của mình.

Ông nói tiếp: "Như lúc tôi về Hà Nội ACB năm 2004, anh Kiên mặc cả với tôi từng triệu, từng trăm nghìn một, nhưng mà tôi vẫn làm. Lúc ấy tôi có nói với anh Kiên rằng tôi yêu công việc và cũng chưa được làm ở V.League bao giờ, trước đó chỉ dẫn các đội hạng dưới thôi. Tôi nói rất thật rằng nếu anh ấy có trả thấp hơn thì mình vẫn làm. Tại vì sao? Bởi mình thèm khát, mình thích, mong muốn vươn lên thể hiện bản thân.

Bởi thế mà mỗi giai đoạn nó lại khác nhau. Đến khi về Ninh Bình là tôi đã có thành tích, có thương hiệu rồi. Mà nói thật lúc ấy tôi rất yêu nghề nhưng không phụ thuộc vào kinh tế. Vì sao tôi phải nhắc đến chi tiết này bởi nếu mình đòi cao quá, họ không mời nữa thì mình làm gì? Nghề này nó cũng bạc bẽo ở chỗ đó. Mà lúc ấy nhiều HLV không có việc lắm. Có phải do mình kiêu kì mà đòi được đâu, mình cũng đâu phải quá đặc biệt. Nhưng sự thật là lúc ấy họ cần mình.

Tôi về Ninh Bình cũng một phần vì anh Đại ( "cò" Trần Tiến Đại – PV). Anh ấy nói với tôi về bầu Trường, về chế độ, tiền lương, cũng mang hướng nhờ vả mình một chút. Anh em cũng chơi với nhau, quý mến nhau nên tôi nhận lời. Nhưng tất nhiên người ta đánh giá cao khả năng của mình thì cũng phải cân đối sao cho phù hợp nữa chứ. Đâu phải mình cứ đòi là được".

Và thế là ở tuổi 64, ông Hải tạo ra một dấu mốc mới cho các HLV Việt Nam, khi mức lương không tưởng đã trở thành hiện thực, để rồi sau này việc các CLB V.League và cả ĐTQG trả lương 9 con số cho các HLV nội đã không còn là điều gì quá ngỡ ngàng.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Bởi sau đó hơn 3 năm, ông lại tạo nên một dấu mốc khác còn đặc biệt và mang giá trị kinh tế lớn cho nghề HLV ở V.League.

Tác giả: Linh Đan (T/H) - Thiết kế: Đỗ Linh

Nguồn tin: toquoc.vn

  Từ khóa: V.League ,Bầu Kiên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP