Thế giới

Lý do Tổng thống Putin không dùng mạng xã hội

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân và giao cho một phụ tá quản lý là "điều sai lầm".

Tổng thống Nga Vladimir Putin không sử dụng điện thoại thông minh và cũng không lập tài khoản mạng xã hội cá nhân (Ảnh minh họa: Getty).

Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS ngày 4/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin không theo dõi bất cứ kênh Telegram nào mặc dù thi thoảng các báo cáo tình báo hàng ngày mà ông nhận được có đề cập đến một số nội dung đáng chú ý trên Telegram, đặc biệt từ các phóng viên quân sự.

"Tổng thống Putin không đọc bất cứ kênh Telegram nào, nhưng vẫn có thể nhận báo cáo đánh giá (về những nội dung đáng chú ý)", ông Peskov nói.

Không giống hầu hết lãnh đạo trên thế giới ngày nay, Tổng thống Putin hầu như không sử dụng các nền tảng trực tuyến ngoài những tài khoản chính thức của Điện Kremlin, trong đó có kênh Telegram. Ông Peskov giải thích, điều này một phần là vì nhà lãnh đạo Nga không có thời gian rảnh rỗi để đăng và đọc thông tin từ đó.

Năm 2017, ông Putin từng chia sẻ: "Ngày làm việc của tôi rất bận rộn và kết thúc rất muộn nên tôi không có hứng với mạng xã hội. Tôi chỉ nghĩ đến việc đi ngủ". Ông cũng cảnh báo, có nhiều tài khoản giả mạo lập ra với tên của ông. "Tôi không liên quan gì đến bất kỳ ai trong số họ. Hãy cẩn thận với điều đó. Vì vậy, mọi thứ được viết thay cho tôi không phải là tôi", chủ nhân Điện Kremlin cho biết.

Năm ngoái, ông Peskov cho hay, Tổng thống Putin chưa bao giờ lập một tài khoản mạng xã hội cá nhân và giao cho phụ tá quản lý, bởi ông cho rằng đó là "điều sai lầm" nếu để ai đó quản lý hồ sơ thông tin công khai của mình. "Tổng thống không muốn bất cứ ai làm điều đó cho mình, coi đây là việc làm sai lầm", ông Peskov nói.

Thực tế, ông Putin thậm chí không có điện thoại thông minh để đăng tải thông tin hay theo dõi bất cứ ai bởi vì như ông Peskov nói, "sử dụng điện thoại thông minh đồng nghĩa tự nguyện phô trương" và "minh bạch toàn bộ thông tin", điều không tưởng với bất cứ nguyên thủ nào trên thế giới.

Tổng thống Putin từng cho biết, mặc dù ông có thể mượn điện thoại của trợ lý nếu cần, nhưng ông thích sử dụng điện thoại kiểu cũ của chính phủ hơn để có thể liên lạc ngay lập tức với bất kỳ ai.

Tại Mỹ, cựu Tổng thống Barack Obama được coi là "tổng thống truyền thông xã hội đầu tiên", trong khi người kế nhiệm ông, cựu Tổng thống Donald Trump, thậm chí coi mạng xã hội là một công cụ phát ngôn hiệu quả. Mạng xã hội góp phần không nhỏ vào chiến dịch vận động tranh cử thành công năm 2016 của ông Trump. Trong thời gian đương chức, ông Trump ước tính đã đăng tải hơn 25.000 đoạn tweet trước khi bị cấm sử dụng Twitter do cáo buộc kích động vụ bạo loạn ở quốc hội hôm 6/1/2021 nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP