Kinh tế

Lý do cửa hàng trà sữa nhượng quyền vẫn được săn đón

Nhu cầu thị trường lớn, lợi nhuận cao khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng cho một cửa hàng trà sữa theo hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Tại một khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bắc Ninh, quán trà sữa của anh Nguyễn Quang Dũng phục vụ khoảng 150-200 khách hàng mỗi ngày. Với doanh thu khoảng 180 triệu đồng mỗi tháng, anh ước tính có thể thu hồi lại khoản đầu tư 700 triệu đồng sau nửa năm hoạt động.

Theo anh Dũng, kinh doanh mặt hàng trà sữa đem lại cho anh lợi nhuận khá cao bởi nhu cầu của giới trẻ hiện tại. "Tôi mới mở cửa hàng trà sữa được 4 tháng, nhưng số lượng khách hàng ngày càng đông. Nhiều khi tôi cũng phải xắn tay phục vụ lúc cao điểm", anh Dũng cho biết.

Trà sữa là đố uống khoái khẩu của đại đa số giới trẻ.

Khảo sát gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thấy, thế hệ Z của Việt Nam (những bạn trẻ có năm sinh từ 1996 đến 2000) thường có thói quen tụ tập bạn bè tại các cửa hàng trà sữa.

Một khảo sát khác của đơn vị này trên 210 bạn trẻ thế hệ Z tại Hà Nội và TP HCM cũng chỉ ra, 81% số người được hỏi cho biết cửa hàng trà sữa cũng là địa điểm quen thuộc của họ vào những ngày rảnh rỗi.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, hầu hết các cô gái 15 tuổi hiện không có thói quen uống café, nhưng sẵn sàng trả tiền cho một cốc trà sữa. Thanh thiếu niên là nhóm khách hàng rộng mở đối với mặt hàng đồ uống làm từ trà, đặc biệt là trà sữa trân châu.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu và nguồn lợi nhuận cao là lý do thu hút đông đảo doanh nhân trẻ tích cực đầu tư vào thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B).

Hoạt động phổ biến khi rảnh rỗi của giới trẻ. Nguồn: Nielsen Vietnam

Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia cho biết, một nhà đầu tư có thể kiếm được 40% lợi nhuận trong một cốc trà sữa được bán với giá 25.000 - 60.000 đồng.

Vì vậy, các doanh nhân sẵn sàng bỏ số vốn đầu tư lên đến một tỷ đồng cho một cửa hàng bao gồm phí trang trí nội thất và nhượng quyền thương hiệu. "Chỉ mất chưa đầy một năm để một nhà đầu tư có thể thu hồi vốn của mình, đó là lý do hình thức kinh doanh này thu hút rất nhiều nhà đầu tư", bà Vân cho biết.

4 ngày có một cửa hàng khai trương

Năm 2018, Việt Nam có khoảng 2.000 cửa hàng trà sữa, trung bình cứ 4 ngày có một cửa hàng mới mở, theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dù đã du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, số lượng cửa hàng trà sữa mới chỉ tăng lên trong những năm gần đây. Thị trường trà sữa Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu Đài Loan cũng như các thương hiệu thuần Việt được đầu tư bài bản.

Thay vì bỏ công xây dựng một thương hiệu mới, nhiều doanh nhân trẻ lựa chọn mở quán trà sữa nhượng quyền bởi các thương hiệu này đã có chỗ đứng nhất định với khách hàng. Theo các công ty nghiên cứu thị trường, hơn 50% cửa hàng trà sữa đang được xây dựng theo mô hình nhượng quyền thương mại.

Thông tin thêm về cửa hàng trà sữa nhượng quyền, tham khảo tại đây.

Bà Hoàng Thị Hiền, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng trà sữa Đài Loan Pozaa Tea và YoTea đã có mặt trên toàn quốc, thương hiệu phát triển nhanh chuỗi cửa hàng nhờ hình thức nhượng quyền thương hiệu.

"Năm 2017, Pozaa Tea chỉ có 8 cửa hàng trên toàn quốc, song hiện nay con số đó đã tăng lên đến 80 cửa hàng. Trong năm 2019, số lượng cửa hàng dự kiến sẽ tăng lên lên khoảng 200", bà Hiền nói.

Hiện nay, khoảng hơn 30 thương hiệu trà sữa đang hoạt động trên thị trường Việt Nam nhằm cạnh tranh trong thị phần khoảng 282 triệu USD, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International. Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng với sự tham gia của hàng loạt thương hiệu lớn.

Để gia tăng lợi thế các chủ cửa hàng trà sữa cho biết đang tập trung đầu tư, nâng cấp không gian cửa hàng thay vì sử dụng những kiốt nhỏ. Ngoài ra, họ cũng tung ra nhiều chiến dịch quảng cáo với hàng loạt ưu đãi nhằm đảm bảo khả năng sinh lời.

Tác giả: Đạt Nguyễn

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Trà sữa ,chuyển nhượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP