Trong nước

Luật ngầm chia “vàng thổ phỉ” và chuyện của người có tài “ngửi vàng” đất Bắc

Theo tìm hiểu của PV, bảo kê hoạt động khai thác vàng trái phép ở khe Rùi Rúi là một người có biệt danh Bi. Người này cung cấp mọi chi phí ăn ở, máy móc, “lo lót” các vấn đề phát sinh khác. Và khi đào được vàng, họ sẽ ăn chia theo tỉ lệ 60 - 40.

Thót tim màn đột kích

Được người dẫn đường tên T. đưa đi, chúng tôi đã có dịp "mục sở thị" một bãi khai thác vàng trái phép ở khe Rùi Rúi, thuộc địa phận xã Dương Hoà, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế). Thời điểm chúng tôi có mặt ở đây cũng là lúc đám thợ đào vàng đang nghỉ trưa. Những chiếc võng nhè nhẹ đung đưa trong lán trại. Một không gian yên tĩnh đến rợn người. Nó yên tĩnh đến nỗi, tiếng dây võng cứa vào cột nghe kèn kẹt như đang hoà cùng nhịp tim hồi hộp của tôi và đồng nghiệp vậy.

Nhẹ nhàng núp vào lùm cây quan sát, chúng tôi phát hiện, cách lán trại của đám thợ khoảng 20 bước chân, là một khu vực đất đồi đã bị đào xới. Liều mình tiến sát đến khu vực này, đập vào mắt chúng tôi là những đường hào dẫn vào một chiếc hầm sâu khoảng 2m. Xung quanh la liệt các dụng cụ như cuốc xẻng, xe rùa... và thêm một chiếc máy phát điện được phủ bạt kèm dây rợ và bóng đèn tròn sợi đốt. Một chiếc hố lót bạt đổ đầy nước được thiết kế ngay gần miệng hầm. Khả năng hố nước này là nơi đám thợ dùng để đãi đất lọc vàng. Ghi nhận xong hình ảnh, tôi định ra hiệu cho đồng nghiệp rút khẩn trương nhưng nhìn quanh không thấy. Sau hồi tìm kiếm, hoá ra anh ấy đã leo lên gần đỉnh, tại đây cũng có một chiếc hố hình vuông đã được đám thợ đào trước đó.


Lán trại của đám thợ đang nghỉ trưa.

Theo kinh nghiệm từng xâm nhập bãi khai thác vàng thổ phỉ ở Nam Giang (Quảng Nam), Vĩnh Linh (Quảng Trị), tôi thì thầm giải thích với đồng nghiệp, từ cái hố này các thợ đào vàng sẽ dùng khoan đâm thẳng xuống một góc 90 độ và lấy mẫu đất để dò tìm mạch, tia vàng. Trúng tia thì sẽ đào hầm cắt ngang lấy đất ra đãi để lọc vàng. Thế nhưng, người dẫn đường lại tiết lộ, vàng ở khe Rùi Rúi không phải vàng cám hạt li ti mà là vàng vảy dạng như móng tay nhưng nhỏ hơn. Loại vàng này thường theo cụm nên các tay “săn” vàng rất ưa thích. Đang lúc say sưa giải thích với đồng nghiệp về kỹ thuật thăm dò thì bất ngờ, chúng tôi nghe tiếng cành cây gãy sau lưng. Hoảng hồn quay lại, trước mắt tôi là một người đàn ông đang hằm hằm bước đến và quát lớn: "Làm gì đấy?"...

Người đàn ông ấy dong dỏng cao, mặc quần đùi, áo phông màu trắng đã chuyển vàng úa và nói giọng Huế. Lấy bình tĩnh, chúng tôi nhanh chóng bí mật cất mọi thiết bị điện thoại đang ghi hình. Tôi giả vờ bảo là kỹ sư lâm nghiệp dưới Huế lên khảo sát việc trồng rừng tràm. Người đàn ông kia tỏ vẻ nghi ngờ: "Đây thì có chi mà khảo sát, ai đưa mấy người đến đây?". "Thuê người chạy thuyền vòng vòng khảo sát quanh lòng hồ thôi", tôi nói cố không cho giọng run.

Cách đó không xa, đám thợ trong lán đã bật dậy khỏi võng tự lúc nào. Thấy người lạ, đám người này vọng lên hỏi: "Có chuyện gì đấy? Xuống đây xem nào”. Cố gắng tự nhiên nhất có thể, tôi và đồng nghiệp leo xuống khu lán trại. Tại đây, có 4 người. Một người đàn ông mặc áo bộ đội tuổi trung niên tiến sát chúng tôi dò hỏi, một người khác trông còn khá trẻ trở dậy khỏi võng bước ra ngoài lán hút thuốc, ánh mắt dò xét, trông điệu bộ lấm la lấm lét. Hai người đàn ông còn lại vẫn nằm trên võng, ngó đầu ra hóng chuyện.

Sau khi nghe tôi nói về việc đang khảo sát trồng rừng ở lòng hồ Tả Trạch, nghĩ chúng tôi vô hại, người đàn ông mặc áo bộ đội nhã nhặn mời ngồi. Qua câu chuyện, họ đúng là người đến từ tỉnh Thái Nguyên. "Đãi vàng hả bác? Có chi chưa?", nhìn về phía bãi đất bị đào xới tôi hỏi vu vơ. "Mới thăm dò thôi. Chưa có gì hết. Đang chán đây. Mưa với gió!", người đàn ông mặc áo bộ đội trả lời với chất giọng người miền Bắc đặc trưng.


Xung quanh la liệt các dụng cụ cuốc xẻng, xe rùa.

Theo quan sát của PV, lán trại được dựng lên bởi một tấm bạt lớn, móc vào những cành cây đã có sẵn. Bên trong không có gì ngoài 5 chiếc võng, đôi ba chiếc nồi nấu ăn và chén bát. Trong suốt cuộc nói chuyện, gã đàn ông mặc áo phông chuyển màu, nói giọng địa phương không ngừng dò hỏi đủ thứ: Quê ở đâu, sao giống người bên lâm trường vậy? Khảo sát để làm gì? Có mấy người cùng đi?... “Có lẽ đây chính là người tiếp tế lương thực và là con trai của lão nông ngày xưa đào được vàng”, tôi thầm đoán.

Nói chuyện khoảng 5 phút, biết là không nên ngồi lại lâu nên chúng tôi xin phép rời khỏi trại. Dường như vẫn còn nghi ngờ, đoạn chia tay, gã người địa phương vẫn không quên bóng gió kiểu dằn mặt: "Chỗ này của anh Bi đấy, mấy anh chắc biết anh ấy". Chúng tôi cười trừ lắc đầu rồi nhanh chóng xuống chân đồi. Gặp lại chúng tôi, người dẫn đường tên T. vẫn trốn trong mái thuyền. Khi tôi và đồng nghiệp đã bước hẳn lên thuyền và máy bắt đầu khởi động. T. mới ló đầu ra hỏi thăm.

Con thuyền tiếp tục xé nước rời khỏi khe Rùi Rúi. Khi đã cách khá xa và không ai bám đuổi, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Tiết lộ tay “anh chị” bảo kê và luật ngầm chia chác

Trên đường về, tôi hỏi T. có biết người tên Bi không? T. cho hay, chỉ biết người ấy sống dưới thị xã Hương Thủy, nhiều tiền và cũng nhiều mối quan hệ. Bằng các kênh thông tin, chúng tôi có được số điện thoại của Bi, khi nghe chúng tôi giới thiệu là phóng viên và vừa ghi nhận chỗ bãi vàng ở khe Rùi Rúi. Người đàn ông tên Bi thản nhiên thừa nhận chỗ ấy mình đang cùng “chung chi” để khai thác vàng và hẹn chúng tôi về thành phố Huế gặp mặt "uống nước".

Đến chiều, sau khi chia tay T. chúng tôi chạy xe về thành phố và được Bi hẹn gặp ở một quán cà phê nằm trên đường Lê Quý Đôn. Hoá ra, Bi chỉ là biệt danh của người đàn ông này. Anh ta tên thật là Nguyễn T., tuổi chừng 35-40 nhưng trông khá đứng tuổi bởi nước da đen cùng bộ râu xồm xoàm không được tỉa tót. Qua câu chuyện, T. cho hay, chỗ ở khe Rùi Rúi anh ta hợp tác với nhóm 4 người Thái Nguyên để thăm dò, khai thác vàng và nếu “trúng” vàng thì ăn chia theo tỉ lệ: T. 60, nhóm người 40.

Trong phần của T. có cả phần của người đàn ông nói giọng địa phương, con trai lão nông ở thôn Bến Ván. Người này chuyên làm nhiệm vụ tiếp tế thức ăn và cũng là "tai mắt" để canh chừng, tránh việc đám thợ người Thái Nguyên "thó" vàng. Bốn người thợ ở Thái Nguyên như đã nói ở trên, với kinh nghiệm đào vàng “bẩm sinh” sẽ tiến hành thăm dò bước đầu xem trữ lượng vàng bao nhiêu. Trước mắt, T. sẽ cung cấp mọi chi phí ăn ở, máy phát điện, "bảo kê" các vấn đề phát sinh khác. Sau, nếu trữ lượng vàng nhiều sẽ điều thêm các máy móc chuyên dụng khác.

T. cũng cho biết, đám thợ người Thái Nguyên này "đeo bám" anh ta từ lâu và năn nỉ hợp tác nhiều lần. Trước ở trên A Lưới, T. không đồng ý vì xa xôi, nay thấy ở lòng hồ Tả Trạch cách thành phố cũng không xa nên T. mới chấp nhận hợp tác. Chia tay chúng tôi, T. không quên hứa hẹn, các chú để anh làm, trúng được mánh thì anh có cơm còn các chú cũng có tí cháo(?!).

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy cho biết, đơn vị chưa nắm được việc có khai thác vàng ở khe Rùi Rúi, bởi khu vực này khá xa và hiểm trở nên chính quyền không kiểm soát hết được. Ông Lộc cũng khẳng định, hiện trên địa bàn không cấp phép điểm khai thác vàng và cũng chưa có thông báo việc 4 người Thái Nguyên vào tạm trú tại địa bàn. Cuối buổi nói chuyện, ông Lộc cho biết sẽ cho người kiểm tra xác minh ngay, nếu có sẽ xử lý kịp thời và thông báo kết quả lại với PV.

Còn nữa...

Tác giả bài viết: Lê Công Thành

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP