Nhà đẹp

Lợi một hại mười khi cố sửa nhà sát Tết

Vừa bị thợ đòi thêm 10% tiền công so với bình thường, anh Tú (TP HCM) còn phải lấy lòng đủ cách để thợ chịu làm kịp đón Tết.

Ngôi nhà hai tầng ở quận 6 của gia đình anh Tú sau 10 năm đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Vì thế, vợ chồng anh vừa quyết định rút hết 200 triệu tiết kiệm để sửa sang, gồm tôn nền nhà, quét lại sơn tường, sơn cửa và thay mới thiết bị nội thất khu vệ sinh.

Hạng mục không nhiều nên anh Tú khá chủ quan, cuối tháng 11 mới đi tìm thợ. Phải đến nhóm thợ thứ ba mới chốt được hợp đồng. Nhóm này là đội thợ gia đình, từng sửa nhà cho mẹ vợ anh hồi tháng 6. Tuy nhiên, họ yêu cầu thù lao cao hơn mức làm cho mẹ vợ anh 10%, anh buộc phải đồng ý vì muốn có nhà đẹp ở trước Tết. Thời gian dự kiến sửa nhà khoảng 40 ngày.

"Dù trong hợp đồng không yêu cầu, gia đình tôi vẫn phải chăm sóc chu đáo thuốc, nước, thậm chí mua cả cơm trưa để thợ vui vẻ làm cho nhanh và làm cả dịp cuối tuần", anh Tú kể.

Hoàn thiện bếp vào những tháng cuối cùng trong năm ngoái, chị Thu (quận 9, TP HCM) vẫn ám ảnh đến mức tuyên bố chỉ xây nhà một lần trong đời, sau này chỉ mua loại nhà xách vali vào ở ngay.

Đầu tháng 11 dương lịch, gia đình chị đặt một công ty của người quen thiết kế và lắp đặt tủ bếp nhưng không làm hợp đồng bằng văn bản vì tin nhau, không ngờ bị anh này "bùng" vì anh ta nhiều khách, chê công trình nhà chị nhỏ. Chị phải tìm đến công ty thứ tư mới giải quyết được việc.

Dù đội thi công không đòi thù lao cao hơn ngày thường nhưng gia đình chị vẫn chủ động trả thêm 10% để họ kịp làm xong trước Tết. Việc thi công gấp gáp đã để lại khá nhiều lỗi, như cánh tủ bị kênh, ngăn tủ hơi lệch... "Sau Tết, chúng tôi phải tìm một đội thợ khác đến sửa, may mắn lúc này thợ nhàn rỗi nên việc tìm thợ rất dễ và việc sửa chữa khá suôn sẻ", chị Thu kể.

Ông Lại Chính Trực, giám đốc một công ty thiết kế nội thất ở quận 3, TP HCM thừa nhận giai đoạn cuối năm, tìm thợ sửa nhà rất khó vì nhu cầu sửa nhà của người dân rất lớn. Rất nhiều gia chủ bị thợ hét giá cao hoặc bị từ chối vì công trình nhỏ. Bản thân công ty ông từ giữa tháng 11 dương lịch đã chốt sổ không nhận thêm các công trình trong năm 2018 nữa, vì không muốn lâm vào tình trạng làm ẩu do chạy show.

Ông Trực cho rằng, các chủ đầu tư nếu muốn hoàn thiện căn hộ thô thì nên làm từ đầu tháng 11, việc thi công sẽ dao động trong hai tháng, đến tháng 1 dương lịch có thể sửa lại một vài khiếm khuyết cho thực sự hoàn hảo. Các căn hộ nếu giữa tháng 12 mới bắt đầu thi công sẽ xảy ra tình trạng thi công trong hai năm.

Từ tháng 8 âm lịch hàng năm, kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải đều từ chối nhận những công trình cải tạo nhà lớn mà gia chủ yêu cầu hoàn thành trước Tết. Ảnh: Huỳnh Xuân Hải

Ông Huỳnh Xuân Hải, giám đốc một công ty thiết kế và xây dựng tại quận 10, TP HCM cũng cho biết, từ tháng 8 âm lịch, công ty của mình đã không nhận thi công xây mới hoặc cải tạo nhà phố mà gia chủ yêu cầu phải hoàn thiện trước Tết, vì thời gian thi công những ngôi nhà này tối thiểu phải 3-4 tháng. Tuy nhiên, với những công trình nhỏ như cải tạo nội thất chung cư (thường là sơn tường, đóng tủ bếp, tủ đứng...) thì công ty vẫn nhận vì thời gian hoàn thành những hạng mục này chỉ kéo dài khoảng 20 ngày.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Phương Nam, chủ một công ty thiết kế nội thất ở quận Đống Đa chia sẻ, dịp Tết lượng khách hàng tăng đột biến, công ty ông cũng đã từ chối nhận công trình từ 20/11 để đảm bảo chất lượng và kịp giao cho khách trước Tết.

Sáu năm trong nghề, ông Nam nhận thấy khách hàng có tâm lý làm lụng cả năm, dồn được tiền sửa nhà ăn Tết. Ai cũng nóng lòng có nhà mới dẫn đến nhu cầu tăng vọt. Tâm lý này gây ra những bất lợi cho chính họ, đó là giá cả vật liệu cuối năm thường tăng 10 - 20% so với trong năm. Lượng thợ phải phân bổ, chạy nhiều công trình dẫn tới chất lượng không đảm bảo.

Ông Nam vẫn nhớ một khách hàng ở quận Đống Đa. Năm 2015, vị này thuê ông sửa nhà 3 tầng trong vòng 45 ngày để kịp ăn Tết. Dù ông đã tư vấn thời gian đó khó đảm bảo chất lượng nhưng chủ nhà khăng khăng muốn làm.

"Công trình đã bỏ qua nhiều yếu tố như chống thấm, thời gian đảm bảo sơn khô, dán tường... Chúng tôi phải bật đèn 1.000 watt để hong khô tường, kịp dán tường. Dù biết hệ quả ẩm không thể tránh khỏi nhưng chúng tôi không thể thuyết phục được tâm lý nóng lòng có nhà mới của chủ".

Sau hai năm cải tạo, bức tường đó đã ẩm mốc, giấy dán tường bong tróc, 4 trong số 6 bộ cửa bị mọt xông, và phải làm lại.

Tác giả: Hoàng Anh - Bảo Nhiên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP