Du lịch

"Lộc trời" ở Việt Nam ai cũng nghĩ không ăn được, ngờ đâu là đặc sản nổi tiếng 1,4 triệu/kg

Trên nhiều chợ mạng, loại thằn lằn này còn được mang đi phơi để làm khô và rao bán với giá lên đến 1,4 triệu đồng/kg.

Thằn lằn vốn không phải là loài bò sát xa lạ với nhiều người, bởi chúng thường dễ được tìm thấy ở trần nhà, kẹt cửa… với hình thù có phần “đáng sợ" và thường ăn côn trùng như kiến, mối. Tuy vậy, ít ai biết rằng ở núi Bà Đen (Tây Ninh), chúng có thể chế biến thành món ăn đặc sản, thậm chí được bán với giá vô cùng đắt đỏ.

Thằn lằn núi là đặc sản vô cùng đắt đỏ

Loại thằn lằn đặc sản này phải là thằn lằn núi, thuộc họ tắc kè và được phân biệt với loài khác bởi những vạch trắng ở lưng, đuôi có màu nâu nhạt. Thằn lằn núi chỉ ăn sung chín, chuối và lá thuốc Nam nên thịt dai, thơm, bổ dưỡng. Chính vì vậy mà thịt thằn lằn núi rất thơm, ngon, chứa nhiều dinh dưỡng và trở thành món khoái khẩu của nhiều người.

Thằn lằn núi thường được tìm thấy ở vùng núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh và lần đầu tiên được mô tả vào năm 2006. Chúng không được nuôi như các loại bò sát lấy thịt khác mà quá trình bắt chúng cũng vất vả không kém. Thằn lằn sống trong các hốc núi cheo leo với độ cao 100 - 500m và người bắt phải khéo léo để trèo lên những mỏm núi cao. Sau đó, người ta dùng mối hoặc trái sung, kiên nhẫn chờ để nhử thằn lằn ra khỏi hang rồi dùng những dụng cụ chuyên biệt để bắt chúng.

Thằn lằn núi chế biến thành nhiều món ngon.

Sau khi bắt được một giỏ đầy thằn lằn núi béo ú, anh Minh Tiến (37 tuổi, Tây Ninh) vừa chuẩn bị công đoạn sơ chế vừa chia sẻ với chúng tôi: “Nếu may mắn, mỗi người có thể kiếm được 2-3kg/ngày. Nếu không may thì chỉ được vài lạng. Thằn lằn bắt được sẽ được thương lái đặt mua ngay lập tức để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu hoặc người dân địa phương yêu thích loại đặc sản này”.

Ngoài ra, loài vật này còn được chế biến thành nhiều món ăn như chiên giòn, xào… với hương vị độc đáo mang đậm nét đặc trưng của vùng đất này. Hôm nay, anh Tiến đãi khách món thằn lằn xào lá lốt ăn cùng bánh tráng Tây Ninh. Thằn lằn núi phải mổ bụng, lấy sạch ruột rồi mang băm nhuyễn, tẩm thêm chút tiêu, nước mắm, muối rồi xào chung với lá lốt đến khi dậy mùi.

Khi thưởng thức, người ăn dùng miếng bánh tráng thơm phức mùi gạo xúc từng miếng thịt thằn lằn để cảm nhận vị ngọt thịt quyện cùng độ giòn tan của bánh tráng. Tất cả tạo nên một cảm giác rất kích thích. Với đặc tính này, thằn lằn núi không chỉ là món ăn chơi mà còn là món ăn bồi bổ.

Tìm đến một quán ăn đặc sản tại chân núi Bà Đen Tây Ninh, ông Minh Vỹ (chủ nhà hàng) cho biết thực khách đến quán rất ưa chuộng món thằn lằn chiên xù làm món nhậu cùng ốc núi Tây Ninh. Cách chế biến thằn lằn núi chiên xù khá đơn giản, thằn lằn sẽ được để nguyên con, tẩm bột rồi chiên trên chảo dầu nóng. Từng miếng thịt giòn tan cứ thế tan trong miệng khiến thực khách nhớ mãi không quên.

Thằn lằn khô được bán với giá đắt đỏ.

“Cháo đậu xanh thằn lằn cũng là một món ăn bổ dưỡng không thể bỏ qua. Món đặc sản Tây Ninh này vừa thơm ngon, bổ dưỡng có thể khiến bao tử của nhiều người “biểu tình”. Vừa húp miếng cháo nóng hổi, vừa nhâm nhi vài cốc bia thì thật ấm bụng biết bao”, ông Minh Vỹ cho biết thêm.

Từ một món ăn đặc sản ít người biết đến, giờ đây có thể tìm thấy thằn lằn núi ở nhiều nơi trên thị trường. Để tìm mua thằn lằn núi Tây Ninh, du khách có thể đến chợ địa phương hoặc lượn lờ trên các trang mạng. Giá thằn lằn Tây Ninh phơi khô có thể lên đến 1.400.000 VNĐ/kg.

“Khô thằn lằn núi giá 1,4 triệu đồng/kg nếu mua cả cân, 200.000 đồng/100gr nếu mua lẻ. Ngoài ra còn có hàng VIP, size to giá 2 triệu đồng/kg. Giá cao vì từ 5-6kg thằn lằn sống mới được 1kg khô" - chị Huỳnh Thị Thuý Nhi (Gò Vấp, 40 tuổi) chuyên nhận đặt hàng thằn lằn núi sấy khô bộc bạch. Chị cho biết, dù đắt đỏ nhưng món này luôn trong tình trạng “cháy hàng", khách phải đặt lâu mới có.

Theo lời của những người dân nơi đây, thịt thằn lằn có tác dụng tốt cho sức khỏe với những người cơ thể hay mệt mỏi, chán ăn, có công dụng giúp cơ thể giải nhiệt và hết mệt mỏi. Ngoài ra, một số tài liệu còn cho thấy món ăn đặc sản này còn có công dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, tuy nhiên chưa có chứng cứ y học.

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP