Kinh tế

Loài 'cây rồng' chống hạn cho thu nhập cao ở Anh Sơn

Nhiều hộ dân vùng cao xứ Nghệ vẫn cho rằng, thanh long ruột đỏ là "loài cây rồng" vì khả năng chống chọi với nắng hạn và điều kiện thời tiết ở miền Tây Nghệ An.

a1
Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn 1, xã Hoa Sơn. Ảnh: Huyền Trang

Vì khả năng chịu đựng, thích nghi với môi trường và địa hình miền núi nên những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Anh Sơn đã tiến hành trồng thử nghiệm giống thanh long ruột đỏ. So với các giống thanh long khác, thanh long ruột đỏ có trọng lượng, chất lượng và giá cả cao hơn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn 1 là một trong những hộ đầu tiên ở Hoa Sơn trồng cây thanh long ruột đỏ theo quy mô lớn. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn ông Bình cho biết: Năm 2007, vợ chồng ông đã vào tận tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để tham quan, học hỏi những mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao.

Qua tìm hiểu, ông được biết giống thanh long ruột đỏ xuất xứ Thái Lan có năng suất và chất lượng cao hơn giống thanh long ruột trắng, mỗi năm cho thu 7-8 lứa quả. Ông Bình đã đưa 40 hom giống thanh long ruột đỏ về trồng trên 3 sào vườn nhà mình. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên chỉ sau 2 năm, thanh long cho thu hoạch, quả to, sai và rất ngọt…

a2
Vườn thanh long năm thứ 2 của gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, xã Hoa Sơn đã bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Huyền Trang

Hiện nay ông Bình đã nhân giống lên 200 trụ thanh long ruột đỏ cho thu nhập bình quân mỗi vụ 30 triệu đồng. Ông Bình chia sẻ kinh nghiệm: Thanh long là loại cây dễ trồng tuy nhiên nên để ý khơi thông nước, tránh tù đọng khi xảy ra mưa to, mưa nhiều; vào mùa nóng, hạn cần tưới nước phù hợp, dùng cỏ hoặc rơm để ủ giữ ẩm gốc cây. Nên tỉa cành sao cho tán cây tỏa đều, thanh long mới mang lại năng suất chất lượng cao.

Cách đó không xa là vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Thủy ở thôn 5, xã Hoa Sơn cũng đang đơm hoa, đậu quả sai trĩu.

Trò chuyện với chúng tôi ông Thủy cho hay: Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả ông đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ đậu quả kém, Không nản lòng, ông tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long. Cây đã không phụ công người, hơn 70 trụ thanh long bắt đầu “đẻ” ra tiền. Ngoài trồng thanh long, ông còn cải tạo một phần vườn tạp để duy trì các loại cây truyền thống như: bưởi, táo, vũ sữa... để tăng thêm thu nhập của gia đình.

a3
Chất đất và khí hậu phù hợp do đó năng suất chất lượng của thanh long đỏ trồng ở Anh Sơn không thua kém những nơi khác. Ảnh: Huyền Trang

Theo kinh nghiệm của những người trồng thanh long nơi đây cho hay: Ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ là dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, muốn thanh long năng suất cao cũng đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật, nhất là về giống, phân bón, tưới nước cũng như cách xử lý cho cây ra hoa quanh năm. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán.

Thanh long được chăm bón bằng phân hữu cơ thì chất lượng quả cũng đậm đà hơn. Để cây có chỗ bám và phát triển tốt cần xây hoặc đổ trụ bê tông cao khoảng 2m, khoảng cách giữa các trụ từ 1,5 - 2m. Khi trồng, đắp mô đất cao 20 cm, dùng dây buộc giữ gốc để cây không bị đổ.

Cây thanh long càng lâu năm tuổi thì khả năng cho năng suất quả càng cao. Thanh long ruột đỏ là cây trồng lâu năm, khoảng 10 - 15 năm sau mới phải trồng lại, là giống cây không kén đất, không đòi hỏi nhiều nước. Trung bình mỗi năm, một sào thanh long cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng.

Hiện nay, toàn xã Hoa Sơn có 3 ha diện tích trồng thanh long đỏ với trên 15 hộ tham gia chủ yếu trồng trong đất vườn. Thanh long ruột đỏ đã và đang khẳng định là loại cây chịu hạn cho hiệu quả kinh tế cao, chính quyền và địa phương nơi đât đang tập trung nhân rộng mô hình./.

Tác giả: Huyền Trang
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP