Pháp luật

Lĩnh án tử hình vì ma túy, người đàn bà xin hiến xác

Bà Thanh kêu oan về cáo buộc vận chuyển hơn 3 kg heroin, song nếu tiếp tục bị tuyên tử hình bà xin được hiến xác cho y học.

Ngày 9/10, TAND Cấp cao tại TP HCM xem xét đơn kháng cáo kêu oan của Nguyễn Thị Thanh (55 tuổi) về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy.

Liên quan vụ án, Đinh Thị Mai Thuy (26 tuổi, quê Bến Tre) thoát án tử hình vì có con nhỏ nhưng vẫn xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo án sơ thẩm, Thanh bị Công an TP HCM bắt quả tang vận chuyển 3 kg heroin ngày 27/10/2012. Bà ta nói chuyển thuê cho Thuy để lấy tiền công 250 USD.

Thuy khai trong thời gian sống tại Campuchia quen Thanh khi bà này qua du lịch. Chị ta được một người không rõ lai lịch nhờ chuyển các túi đồ từ Việt Nam qua biên giới Campuchia với tiền công hậu hĩnh. Thuy nhận lời nhưng vì bận con nhỏ nên sau đó nhờ Thanh làm để hưởng tiền chênh lệch.

Sáng hôm đó Thanh ra Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) nhận "hàng" từ một phụ nữ, đang mua vé xe đi Campuchia thì bị công an bắt.

Bà Thanh bình tĩnh khi nhận bản án tử hình. Hải Duyên.

Bốn năm trước, TAND TP HCM xử sơ thẩm lần đầu, tuyên phạt Thanh mức án tử hình, Thuy tù chung thân do đang nuôi con nhỏ.

Thanh kháng cáo kêu oan, cho rằng không biết hàng cấm mà Thuy nhờ vận chuyển là ma túy. Do hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi ba con, chồng mất sớm nên bà mới nhận lời chuyển hàng thuê cho Thuy.

Sau hai lần bị TAND Tối cao tại TP HCM hủy án để điều tra, giám định lại hàm lượng ma túy, hồi tháng 3 TAND TP HCM xử sơ thẩm lần ba, vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu.

Thanh tiếp tục kháng cáo kêu oan, còn Thuy xin được giảm nhẹ hình phạt để sớm về với hai con nhỏ.

Tại tòa hôm nay, Thanh vẫn giữ nguyên lý do kêu oan. Tuy nhiên, bà này nói thêm rằng: "Nếu vẫn bị tòa tuyên y án tử hình, bị cáo xin được thi hành án sớm và hiến xác cho y học".

Theo HĐXX, bị cáo Thanh vận chuyển lượng ma túy đặc biệt lớn, cần áp dụng mức án nghiêm khắc. Thuy có con nhỏ, song cấp sơ thẩm đã xem xét đúng quy định của pháp luật. Từ đó, tòa giữ nguyên mức án với hai bị cáo.

Bản án tuyên tử hình có hiệu lực, song bà Thanh trông khá bình tĩnh. Vừa theo chân cảnh sát ra xe về trại, bà vừa dặn dò các con chăm sóc nhau thật tốt.

Từng có nhiều tử từ bày tỏ mong muốn hiến tạng cho y học để phần nào chuộc lại lỗi lầm nhưng chưa có trường hợp nào được chấp nhận.

Theo đại tá Trần Mười (Trưởng phòng, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội), Luật về hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người quy định "tất cả công dân đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền hiến tạng".

Tuy nhiên, với phạm nhân thì có quy định riêng, vì khi bị kết án và ngồi tù, họ đã bị tước đi một số quyền công dân. Mặt khác, khi tử tù, người phạm tội muốn hiến tạng nhưng người cần tạng và người thân của họ có muốn chấp nhận hay không, họ sẽ có những hành xử như thế nào. Việc làm này đang được các nhà làm luật nghiên cứu và cần có sự ủng hộ và đồng tình của xã hội.

Tác giả: Hải Duyên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP