Du lịch

Lễ tế Tổ Rằm tháng Giêng - Nét đẹp văn hóa truyền thống

Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt, chính vì thế dòng họ nào, chi tộc nào cũng xây dựng nhà thờ làm nơi để cho con cháu tưởng nhớ, tri ân tổ tiên. Ở Nghệ An, sau Tết Nguyên Đán, Rằm tháng Giêng được xem là ngày lễ trọng để cháu con tụ hội, tìm về để cùng dự lễ tế tổ đầu năm.

Đã trở thành thông lệ, cứ vào ngày 14 tháng Giêng, nhà thờ Đại tôn dòng họ Trần Võ ở xóm 1 xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương lại tề tựu đông đủ con cháu. Không chỉ người ở gần mà hầu hết con cháu trong dòng họ trên mọi miền đất nước đều ghi nhớ truyền thống này. Đây còn là dịp để tôn vinh các gia đình đã có những đóng góp, làm rạng danh dòng họ. Lễ tế tổ được tổ chức trang nghiêm, tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tổ tiên.
1images1345721 20170210 ram toan canh ho
Đông đảo con cháu tề tựu tại lễ tế Tổ dịp Rằm tháng Giêng của một dòng họ ở huyện Thanh Chương.

Anh Trần Võ Sơn – một người con của dòng họ hiện đang công tác ở Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi tâm niệm, lễ tế tỗ đầu năm là dịp để con chấu tìm về cội nguồn, tri ân tổ tiên, nên năm nào gia đình tôi cũng về.”

Đối với ông Trần Võ Dũng ở khối 22, phường Hưng Bình, thành phố Vinh thì: “Lễ tế Tổ đầu năm là dịp để nhớ về cội nguồn, qua đó giáo dục bản thân và con cháu. “

2images1345724 20170210 ram te to
Tế tổ - nghi thức được các dòng họ thực hiện dịp Rằm tháng Giêng - nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.

Cũng như họ Trần Võ ở Thanh Chương, nhiều dòng họ khác ở Nghệ An vẫn giữ truyền thống tế tổ dịp đầu năm như một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm. Toàn huyện Diễn Châu có trên 900 chi, nhánh dòng họ, trong đó có trên 600 dòng họ đã xây dựng được nhà thờ họ khang trang và đã có 350 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ Văn hóa. Vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm, tất cả các dòng họ ở Diễn Châu đều tổ chức lễ tế Tổ đầu năm.
3images1345722 20170210 ram gia pha
Con cháu tìm hiểu dòng họ qua gia phả.

Ông Vũ Hào - Hội đồng Gia tộc dòng họ Vũ, xã Diễn Kỷ cho rằng: “Nét đẹp của việc tế Tổ đầu năm, theo tôi thì các cụ đưa lên thành một truyền thống, ăn sâu vào tâm khảm và trí óc của mỗi người, mỗi tộc viên, cái đó thể hiện lòng nhớ ơn sinh thành của các cụ tổ tiên, đồng thời nhớ đến dòng họ của mình. Qua việc này, chúng tôi tổ chức khen thưởng các cháu học giỏi, đỗ đạt, nhắc nhở các cháu thực hiện nghiêm túc luật pháp của Nhà nước để xây dựng quê hương, xây dựng dòng họ ngày càng phát triển.”

Từ đời này sang đời khác, thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng, một nét đẹp văn hoá của dân tộc. Hai yếu tố đạo lý và tín ngưỡng đã xây dựng nền tảng cho việc thờ cúng tổ tiên.

Quan điểm của ông Hoàng Minh Đạo - Nguyên Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh: “Người dân lấy ngày Rằm tháng Giêng (ngày Rằm đầu tiên của năm) gắn với lễ tế Tổ tức là gắn truyền thống của dân tộc để khởi đầu năm mới. Con cháu nhớ đến Rằn tháng Giêng là nhớ đến cội nguồn cha ông đã xây dựng nên đất nước.”

Lễ tế tổ đầu năm ở Việt Nam nói chung và ở Nghệ An đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, thay đổi của cuộc sống, lễ tế Tổ Rằm tháng Giêng vẫn được các họ tộc lưu giữ. Đó là cách để con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội của mình để từ đó phấn đấu tốt hơn trong công việc, học hành.

Tác giả bài viết: Bùi Thọ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP