Trong tỉnh

Làng Việt kiều nơi vùng cao xứ Nghệ vẫn còn chồng chất khó khăn

Sau khi nghe tiếng gọi của quê hương, hàng trăm hộ dân đang làm ăn, sinh sống trên đất nước Thái Lan đã rủ nhau trở về miền Tây xứ Nghệ trong muôn vàn gian khó để lập nên bản làng mới nơi “rừng thiêng nước độc”.

Gian nan nơi “đất khách quê người”

Một số bà con người Việt sinh sống, làm ăn rải rác trên đất nước Thái Lan đã hồi hương cách đây khá lâu. Họ trở về từ nhiều miền quê cũ khác nhau… nhưng đã cùng nhau đặt chân đến mảnh đất Châu Hội (thuộc huyện miền núi Qùy Châu, Nghệ An) để lập nên bản làng.

Nằm sát QL48, bản làng Việt Hương hay còn gọi là bản “Việt kiều” ngoảnh ra dòng sông Hiếu uốn mình quanh co dữ dằn. Sau lưng toàn núi đá kéo dài, vì thế mùa đông lạnh cắt da thấu thịt. Mùa hè bà con lại phải hứng chịu cái nóng như một chảo lửa của miền Tây xứ Nghệ.

Bản làng Việt Hương gần một trăm phần trăm là bà con Việt Kiều trở về từ đất nước Vương quốc Thái Lan. Bà con ở đây hầu hết đều quê gốc ở tỉnh Quảng Bình.

Một góc làng Việt Hương

Bằng giọng nói đặc sệt của người miền Trung, ông Lương Xuân Thìn một cao niên trong bản (nay đã gần 80 tuổi) kể, hầu hết bà con ở bản làng này đều quê ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Năm 1945, khi nhân dân ta đang nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nạn đói khủng khiếp xảy ra khắp nơi.

Để tránh nạn đói này, bố mẹ của ông Thìn đã cùng một số bà con chạy sang Lào sinh sống. Một đầu con nhỏ, một đầu đồ đạc gia đình, cứ thế ông bà và dân làng ngược rừng sang đất nước Triệu Voi.

Sang đến Lào chưa được bao lâu thì chiến tranh Nhật - Pháp nổ ra. Bố mẹ ông Thìn cùng bà con lại quyết định rời đất nước Triệu Voi đưa nhau di tản sang Thái Lan sống dọc bờ sông Mê Kông.

Do bom đạn chiến tranh, sống bên dòng Mê Kông không bao lâu thì bà con lại phải di tản vào bản Thác Đẹt và bản Tùm thuộc tỉnh Mục Đa Hán, Thái Lan.

Cuộc sống lúc bấy giờ tuy khó khăn nhưng gia đình ông Thìn cũng như bà con người Việt Nam qua đây dần tạm ổn cuộc sống. Cũng trong khoảng thời gian này, một số Việt kiều thành lập Hội cứu quốc ngay trên đất nước Thái Lan.

Ông Thìn cùng một số thanh niên đã tham gia tích cực cùng Hội Việt kiều này. Dần dần bà con người Việt kéo nhau qua Thái Lan ngày một đông hơn, sinh sống rải rác khắp dọc bờ sông Mê Kông.

“Một số bản làng bắt đầu mở lớp dạy tiếng Việt cho đồng bào ta sinh sống bên đó. Tuy nhiên, phía chính quyền Thái Lan cấm đoán rất gắt gao. Để tránh những cuộc truy bắt, mỗi khi xuất hiện mật thám, trong lớp học mọi người không được gọi thầy giáo mà chỉ được gọi bằng anh”, ông Thìn nhớ lại.

Ngày tháng trôi qua, cộng đồng người Việt chỉ lo làm ăn toan lo cuộc sống nghèo khó. Rồi từng làng, từng xóm cộng đồng người Việt cũng hình thành ngay trên đất Thái Lan.

Nhưng chẳng bao lâu, nhà cầm quyền Thái Lan lúc bấy giờ truy quét người Việt gắt gao. Trước tình hình như vậy, Nhà nước đã kêu gọi bà con Việt kiều sớm trở về quê hương. Hưởng ứng lời kêu gọi từ quê nhà, bà con lần lượt trở về đất mẹ.

Khó khăn ngày về đất mẹ

Năm 1964, gia đình ông Lương Văn Thìn cùng 48 hộ dân khác chủ yếu là đồng hương tỉnh Quảng Bình đã từ bỏ đất Thái Lan lên tàu thủy trở về Việt Nam. Sau bảy ngày đêm, bà con đặt chân đến cảng Hải Phòng. Toàn bộ 49 hộ Việt kiều này được cho về tỉnh Nghệ An sinh cơ lập nghiệp.

Ông Lương Văn Thìn - một nhân chứng cao niên trong bản

Khi tới đất Nghệ An, bà con bắt đầu gồng gánh nhau cứ nhằm thẳng hướng tây theo đường mòn của QL48 lúc bấy giờ để lên miền tây xứ Nghệ. Rồi những bước chân rảo bộ cuối cùng của bà con quyết định ở lại bên bờ sông Hiếu, đoạn qua xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu hôm nay để lập nghiệp.

Những tưởng Quỳ Châu là miền đất hứa trong cuộc hành trình trở về quê hương, lòng ai nấy đều khấp khởi vui sướng, nhưng khi đặt chân tới đây thì bao khó khăn bắt đầu trùm lên người dân mang danh Việt kiều.

Bước đầu bà con được dựng cho chín gian nhà lá để ở tạm, sau đó giao cho Lâm trường Quỳ Châu đỡ đầu. Tất cả các hộ gia đình này đều được mượn đất rừng để sản xuất.

Thói quen trồng lúa nước từ những ngày ở bên đất nước Thái Lan, bà con về đây phải canh tác núi đồi khô cằn sỏi đá, kèm theo kỹ thuật lúc bấy giờ ở địa phương này còn quá lạc hậu nên việc sản xuất không có hiệu quả.

Vì thế, cuộc sống khó khăn ngày một chồng chất. Ông Thìn còn nhớ rõ, hồi đó bà con đi phát nương làm rẫy, hổ rừng xuất hiện là chuyện bình thường. Còn nai, hoẵng, lợn rừng... bà con rượt bắt liên tục.

Trước ngày về, một số hộ dân ở đây còn có chút vốn liếng, có gia đình còn mang được cả bát vàng hoặc xe đạp về theo. Nhưng cuộc sống không có công ăn việc làm, sản xuất không mấy hiệu quả, dần rồi bà con phải mang bán đi tất cả những vật dụng quý giá mang về từ Thái Lan.

Riêng nhà ông Thìn, ngày về còn mang theo ba chiếc xe đạp nhưng vì thiếu ăn ông phải bán đi hai chiếc.

Cùng thế hệ với ông Thìn, ông Trần Hữu Ban, ông Nguyễn Văn Thẩm, ông Nguyễn Mạnh Hùng (cũng quê gốc Quảng Bình) tâm sự: "Về đất Châu Hội, Quỳ Châu lập nghiệp, cuộc sống của họ từ ngày đó đến tận bây giờ (thế hệ con cháu họ) vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Làng văn hóa chỉ có người già và trẻ em

Sau nhiều câu chuyện vui buồn của bà con làng Việt kiều này, chúng tôi lang thang quanh bản mới thấy những nếp nhà bà con vẫn còn giữ lại một chút gì đó giống lời kể cái ngày họ về khai sơn. Đó đây lại xuất hiện đôi nếp nhà sàn đơn sơ làm theo kiểu mẫu nhà của người dân tộc Thái của Việt Nam.

Một số cụ cao niên trong bản Việt Hương cho biết, mặc dù về đây đã lâu nhưng bà con vẫn còn lưu giữ một chút gì đó từ Thái Lan hồi xưa.

Văn hóa Thái Lan cũng rất gần gủi với văn hóa đồng bào Thái của Viêt Nam nơi đây. Từ tiếng nói cho đến phong tục, tập quán, nhà cửa, sinh hoạt… gần như là giống nhau.

Vì thế, dù là người dân tộc Kinh, nhưng làng Việt kiều này rất dễ hòa hợp với cuộc sống của đồng bào Thái được mệnh danh là “Thái cổ” ở núi rừng Quỳ Châu, Nghệ An.

Trẻ em làng Việt kiều Thái Lan trên đất Quỳ Châu, Nghệ An

Hằng năm, cứ đến dịp cưới hỏi hay lễ hội, bà con bản làng Việt Hương lại tổ chức nhảy múa lăm vông đúng điệu lăm vông, điệu nhôn, khắc luống... của người Thái.

Ông Nguyễn Đình Hiếu, một gia đình Việt kiều cho biết: "Vì cuộc sống ở đây quá khó khăn nên 5 người con của ông ăn tết xong đã qua Thái Lan lao động kiếm sống. Tuy thu nhập không nhiều, nhưng so với cuộc sống của những gia đình ở lại vùng đất Châu Hội này thì còn có khá hơn".

Bản Việt Hương giờ vẫn còn hơn 50 phần trăm là hộ nghèo. Nghề nghiệp chính không có nên đi khắp bản vẫn không thấy một mô hình kinh tế nào nổi bật. Con em của bản tuy hiền lành nhưng không mấy ai được học hành hành tử tế, hầu hết chưa xong phổ thông đã phải bỏ học đi lao động kiếm sống khắp nơi.

Ông Nguyễn Đình Lời, trưởng bản Việt Hương cho biết, tuy Việt Hương nay đã được công nhận “bản làng văn hóa”, nhưng cuộc sống bà con còn gặp nhiều khó khăn.

“Trước đây, bà con chủ yếu dựa vào rừng nhưng nay rừng không còn, đất sản xuất rất hạn chế. Vì thế, bản làng Việt Hương chỉ còn lại toàn là người già và trẻ em. Thanh niên trong bản ăn tết chưa xong đã rủ nhau vào Nam, số đi sang Lào, sang Thái Lan… để lao động kiếm sống. Cuối năm họ lại rủ nhau về quê ăn tết”, ông Nguyễn Đình Lời tâm sự.

Tác giả: PHAN SÁNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP