Trong tỉnh

Lãng phí dự án tái định cư cho dân vùng ngập lụt ở Nghệ An

Khu tái định cư (TĐC) cho 54 hộ dân bị ngập lụt ở xã Quỳnh Thắng (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) xây dựng từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn đang bị bỏ hoang vì không có người dân nào dám đến ở.

Nhà văn hóa tại khu tái định cư chưa 1 lần sử dụng nhưng đã hoang tàn (ảnh: Thành Nhu)

Khu TĐC trên do UBND H.Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư, xây dựng từ năm 2010, trên diện tích gần 5 ha ở địa bàn xã Quỳnh Thắng, gồm 54 lô đất, mỗi lô 600 m2. Tổng kinh phí đầu tư cho khu TĐC là hơn 10 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng: đường, lưới điện, mương thoát nước, nhà văn hóa cộng đồng.

Mục tiêu của dự án nhằm bố trí nơi ở mới cho 54 hộ dân thuộc các xóm 4, 5, 12… của xã Quỳnh Thắng, vốn đang sống cạnh hồ thủy lợi Vực Mấu thường xuyên bị ngập lụt khi hồ tích nước. Sau khi hạ tầng khu TĐC này hoàn thành, UBND H.Quỳnh Lưu đã quyết định hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng (sau đó nâng lên 20 triệu đồng) để người dân di dời nhà cửa đến nơi ở mới và trả lại đất tại nơi ở cũ cho nhà nước.

Thế nhưng, đã nhiều năm nay, khu TĐC này vẫn đang bị bỏ hoang, không có người dân nào đến ở và hiện đang bị biến thành nơi chăn thả gia súc. Hệ thống đường bê tông, mương thoát nước lâu ngày không sử dụng đã xuống cấp. Nhà văn hóa cộng đồng có khuôn viên rộng 600 m2 bỏ hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, cửa kính, bóng đèn bị vỡ vương vãi dưới sàn nhà. Cán bộ xã phải dùng dây thép, thanh gỗ để nẹp, buộc chặt các cửa chính, cửa sổ để tránh kẻ xấu khuân đi vì không có ai trông coi.

Chấp nhận sống chung với lũ!

Anh Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ xóm 4) cho biết, hàng năm, cứ từ tháng 8 - 11 là nước lũ dâng lên ít nhất 1 lần. Nước ngập làm chết hết cây cối trong vườn. Năm 2017, gia đình anh Tuấn bị nước cuốn mất 1 con lợn to, cây cối trong vườn bị hư hại.

Theo anh Tuấn, năm 2013 là năm lũ lên đỉnh điểm, nhiều nhà trong xóm bị nước ngập, gây hư hỏng nhà cửa, đồ dùng, nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục kiên trì bám trụ, không chuyển đến khu TĐC. “Gia đình tôi có hơn 4 sào đất vườn, phải mất 4 năm để đổ đất tôn vườn lên cao thêm 0,5 m, với chi phí lên tới gần 200 triệu đồng. Nhưng mỗi khi lũ lụt, vườn tược vẫn bị ngập, nước giếng bị nhiễm bẩn không dùng được… Chúng tôi cũng sợ bệnh tật lắm, nhưng vẫn phải ở lại đây thôi, không thể ra khu TĐC được vì ngoài đó chật hẹp lắm, lấy đất mô mà tăng gia, sản xuất”, ông Tuấn nói.

Chị Văn Thị Vân, hàng xóm của anh Tuấn, cũng không mặn mà khi chính quyền địa phương vận động dời đến khu TĐC.

“Gia đình tôi có 6 người, khu vườn rộng trên 2.000 m2, trồng cây ngắn ngày và thuận tiện chăn nuôi. Nay, nhà nước vận động TĐC cấp cho lô đất 600 m2 thì biết sản xuất và sống bằng cái gì, nên chúng tôi không dám đến”, chị Vân nói.

Ông Trịnh Xuân Giang (cùng ngụ tại xóm 4), cũng than thở: “Diện tích đất của gia đình khoảng 3.000 m2, nhà có 5 khẩu, quanh năm nuôi gà và đánh cá cũng đủ trang trải phần nào cuộc sống. Nếu lên khu tái định cư, diện tích đất ở đó chỉ đủ làm nhà, xây xong các công trình phụ sẽ hết, không còn đất để canh tác. Chưa nói việc hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng để di dời nhà cửa là quá ít ỏi. Số tiền này chắc chắn không đủ để tháo dỡ nhà, vận chuyển vật liệu thôi. Còn tiền xây nhà mới thì làm sao chúng tôi xoay xở được”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng, thừa nhận việc vận động người dân lên nơi ở mới rất khó, vì người dân sợ chi phí xây dựng lại nhà cửa quá cao, đất sản xuất ít. Trong khi đó, ngân sách xã quá eo hẹp, không thể hỗ trợ, giúp được dân, vì thế người dân chưa thật an tâm để đến khu TĐC. Sau thời gian dài khu TĐC bỏ hoang rất lãng phí, xã đã đề xuất huyện cho chủ trương bán đấu giá khu đất, tạo nguồn thu để xây dựng hạ tầng cho xã, nhưng không được huyện chấp nhận.

“Một số hộ trước đây viết đơn tình nguyện xin lên nơi TĐC thì bây giờ họ đã xin rút đơn, xã cũng chưa thể sử dụng đất này vào mục đích khác nên vẫn phải để không”, ông Nga nói.

Tác giả: Thanh Nhu

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP