Kinh tế

Làng bún miến Quy Chính nhộn nhịp vào vụ Tết

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán 2017, những người dân làng nghề bún miến nghề miến gạo Quy Chính nức tiếng xứ Nghệ đang tất bật hơn bao giờ hết để kịp vụ Tết.

Mùa này về làng Quy Chính (Vân Diên, Nam Đàn), những sạp miến gạo trắng muốt rải tràn khắp nẻo đường, ngõ xóm.


Làng Quy Chính - xã Vân Diên - huyện Nam Đàn có nghề làm bún bánh từ lâu đời và đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề từ năm 2006. Cả làng có hơn 240 hộ tham gia sản xuất bún bánh, phân bố đều ở 2 xóm Quy Chính 1 và Quy Chính 2.

Điều đặc biệt là khi đến làng nghề này là không có mùi chua như nhiều làng nghề bún bánh khác bởi người dân đã tự xây cống thoát nước gắn nắp đậy kín đáo, gom nước thải phục vụ chăn nuôi. Chính vì thế, trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang báo động như hiện nay thì những sản phẩm sạch được làm từ gạo quê không sử dụng chất bảo quản hay các phụ phẩm khác như miến gạo lại được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Nhờ sản phẩm miến sạch, ngon nổi tiếng ở đây mà bà con đã có thu nhập khá hơn, góp phần đem lại cuộc sống no ấm, khá giả và diện mạo nông thôn mới khang trang cho làng.

Quy trình làm nên miến gạo làng Quy Chính:

Gạo để làm nên miến phải là gạo Khang Dân. Gạo được ngâm khoảng 1 tiếng, sau đó xay ra và ép, đùn, cắt khuôn...

Gạo sau khi xay thành hỗn hợp bột loãng sẽ được cho vào bao vải để ép khô bằng những dàn đá nặng. Bột đã được ép khô chuẩn bị vào máy

Sau khi bột được ép khô sẽ được đổ vào máy để tạo sợi. Ngày xưa, khi chưa có máy, làm miến thủ công phải qua khâu bánh tráng, rồi dùng dao để cắt. Người ngồi dưới sẽ chờ cho miến chảy ra, cắt theo kích cỡ mong muốn và xếp ngay ngắn vào bì để ủ.

Khi miến đã se (ủ hơn 5 tiếng đồng hồ) sẽ được nhúng qua nước, vò tách sợi. Ngày cận Tết, tất cả người trong gia đình đều tập trung làm miến để kịp bán. Ông Nguyễn Văn Hứa (xóm Quy Chính 2) cho biết, mỗi ngày, nhà ông sử dụng hơn 2 tạ gạo để làm miến, trừ chi phí mỗi tháng thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng. Nhờ nguồn nguyên liệu gạo ngon, sạch mà làm ra sợi miến, bún săn dẻo được khách hàng ưa thích.

Miến sau khi vò được đưa lên phơi trên những phên nứa. Người phơi miến thỉnh thoảng phải lật, trở cho miến nhanh khô.

Miến phải phơi cho được nắng mới ngon, để được lâu, không hề dùng thêm chất bảo quản gì hết. Bà Phan Thị Chín, xóm Quy Chính 2 cho biết: Miến Quy Chính được làm từ những hạt gạo quê đậm đà, gạo đem xay ép bột nước xong cho vào hấp cán, không đập bột khô rồi chế nước vào trộn cán như nơi khác, nên sợi miến săn dai. Miến là sản phẩm để được lâu, vận chuyển tiêu thụ đi khắp các huyện trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại bà con vẫn mong mỏi có công ty lớn đứng ra thu mua và tiêu thụ sản phẩm, đỡ phải mất công đi rao hàng nhiều nơi.

Sau mỗi buổi chiều, khi miến đã khô sẽ được sắp xếp, bó lại...

...và cất vào bì để nơi khô ráo. 1 tạ gạo thường làm được khoảng 95kg miến khô, giá miến hiện có giá là 15 000 đồng/kg. Các hộ dân có thể trực tiếp đưa miến đi nhập, hoặc thương lái sẽ đến lấy tận nhà. Trừ chi phí, mỗi năm cả làng nghề cũng thu về từ 12 – 15 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Minh Quý

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP