Xã hội

Lần đầu tiên ghi nhận mang lớn ở Quảng Nam

Từ bẫy ảnh, lần đầu tiên các chuyên gia thu được hình ảnh hai con mang - loài vật quý hiếm của khu vực Đông Nam Á tại Quảng Nam.

Ngày 23/5, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) cho biết, quá trình điều tra và đánh giá sinh học do WWF cùng cơ quan chức năng Quảng Nam phối hợp vào tháng 11/2017, các bên đã phát hiện rừng Quảng Nam có một con đực và một con cái mang lớn.

"Hình ảnh cho thấy hai mang lớn đang độ tuổi trưởng thành và sinh sản. Không chỉ minh chứng cho sự tồn tại của loài tại Quảng Nam, phát hiện này còn cho chúng ta hy vọng về một quần thể thú quý hiếm có khả năng sinh sản", ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Nam, chia sẻ.

Con mang cái được ghi nhận nhờ máy bẫy ảnh. Ảnh: Leibniz-IZW, WWF-Việt Nam, USAID & Khu Bảo tồn Sông Thanh

Mang lớn (Muntiacus vuquangensis) là một trong các loài thú quý hiếm và nguy cơ tuyệt chủng cao nhất tại Đông Nam Á. Nó được giới khoa học biết đến kể từ năm 1994 và chỉ được tìm thấy trong dãy núi Trường Sơn, nơi giáp ranh giữa Lào và Việt Nam.

Kể từ năm 2000 đến nay, chúng mới được ghi nhận thông qua máy bẫy ảnh tại ba khu rừng Việt Nam. Săn bắt bất hợp pháp, chủ yếu dùng bẫy làm bằng các sợi dây thép đơn giản, đã khiến quần thể loài bị suy giảm nghiêm trọng.

Năm 2016, tình trạng của mang lớn chuyển từ bị đe dọa (Endangered) thành bị đe dọa nghiêm trọng (Critically endangered) trong sách Đỏ của IUCN. Các khu rừng của miền Trung đang phải đối mặt với nạn đặt bẫy phổ biến và tinh vi.

Để bảo vệ mang lớn trong tự nhiên, giới bảo tồn đã đặt ra kế hoạch nhân giống loài như với Sao la trong điều kiện nuôi nhốt hoang dã.

Mang đực. Ảnh: Leibniz-IZW, WWF-Việt Nam, USAID & Khu Bảo tồn Sông Thanh

Phát hiện nhiều loài quý hiếm khác

Cùng với mang lớn, trong đợt giám sát đa dạng sinh học lần này, máy bẫy ảnh cũng ghi nhận 64 loài động vật khác, trong đó có nhiều loài ưu tiên bảo tồn như cầy vằn (Chrotogale owstoni), gấu ngựa (Ursus thibetanus), thỏ vằn (Nesolagus timminsi) và tê tê (Manis spp).

Anh Nguyễn Văn Thành, trưởng nhóm hiện trường điều tra đa dạng sinh học cho biết, việc tìm thấy các loài đẹp, quý mở ra hy vọng lớn hơn về đa dạng sinh học của Việt Nam. Mặc dù quần thể các loài thú và chim sống trên mặt đất đang bị suy giảm do nạn đặt bẫy, nhưng kết quả nghiên cứu nhóm cho thấy Quảng Nam là nơi có tầm quan trọng toàn cầu về đa dạng sinh học.

Theo WWF, các đội nghiên cứu của họ cùng nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế đang mở khu vực khảo sát đa dạng sinh học bằng máy bẫy ảnh, nhất là nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao tại Thừa Thiên Huế, phía Bắc của Quảng Nam. Họ hy vọng sẽ thu được nhiều kết quả hơn nữa.

Tác giả: Phạm Hương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP