Trong nước

Lá thư gửi TT Obama của người phụ nữ Việt Nam nguyện hiến xác cho nhà khoa học Mỹ

"Đã là đau đớn và nước mắt, dù đó là đau đớn và nước mắt của một Tổng thống hay của một dân thường, thì cũng đều giống nhau".

Lời tòa soạn:

Kính thưa quý độc giả,

Mỗi ngày, chúng tôi đều nhận được khá nhiều thư từ, tài liệu từ bạn đọc trong và ngoài nước. Mọi thông tin đều được chúng tôi xử lý một cách nâng niu và cẩn trọng. Nhưng một vài ngày trước, tòa soạn đã nhận được một bức thư, mà khi đọc xong, tất cả chúng tôi đều lặng người đi, và khóc.

Đó là thư của chị Phạm Thị Nhí, một nạn nhân chất độc da cam ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Nhí gửi riêng lá thư này cho báo điện tử Trí Thức Trẻ, với hy vọng, bằng cách nào đó, nội dung của nó đến được với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Sau khi trao đổi, chúng tôi quyết định dịch lá thư ra hai thứ tiếng Anh, Pháp và đăng trên trang. Chúng tôi mong, như vậy, những tâm sự đầy đau đớn của chị Nhí có thể đến gần hơn với Ngài Tổng thống, hay ít nhất là với những người đồng cảm, sẻ chia, ở Việt Nam cũng như trên thế giới.


Chị Phạm Thị Nhí (ngồi xe lăn, bên trái)

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 5 năm 2016

Kính gửi Ngài Barack Obama!

Mấy hôm nay người dân Việt Nam đều hướng đến chuyến viếng thăm của Ngài với nhiều cung bậc cảm xúc. Người háo hức, người hy vọng, người trăn trở, người ám ảnh về cả quá khứ và tương lai.

Chắc chắn tôi không có vinh dự như những người con gái Việt Nam xinh đẹp trong chiếc áo dài thướt tha cùng những bó hoa tươi thắm, tặng Ngài khi Ngài bước xuống sân bay, nhưng trong hàng triệu ánh mắt, nụ cười xinh thân thiện của người Việt, sẽ có một người phụ nữ lặng lẽ dõi theo từ xa và trân trọng gửi đến Ngài cùng phái đoàn lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.

Thưa Ngài, tôi tên là Phạm Thị Nhí, sinh năm 1966 – sinh ra tại Quảng Nam, từ một làng quê, nơi có rất nhiều trẻ tật nguyền do di chứng chiến tranh Việt Nam. Gần 50 năm qua, kể từ lúc biết nhận thức, không lúc nào thân thể và tinh thần tôi hết đau đớn vì di chứng chất độc Dioxin.

Tôi chính là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai ở Việt Nam. Những người lĩnh Mỹ thì đã rút đi từ rất lâu rồi, nhưng nỗi đau mà họ để lại thì sẽ còn kéo dài nhiều năm tháng nữa.

Thưa Ngài, qua tivi, tôi đã thấy nhiều lần Ngài khóc. Gần đây nhất, Ngài đã rơi nước mắt khi phát biểu về những số phận của những dân thường bị tước đoạt vì súng đạn ở Mỹ.

Giọt nước mắt của một Tổng thống quyền lực như Ngài, có thể làm rung chuyển thế giới và làm thay đổi nhiều điều.
Đã là đau đớn và nước mắt, thì dù đó là đau đớn và nước mắt của một Tổng thống hay của một dân thường, thì cũng đều giống nhau và đáng được quan tâm như nhau.

Chúng tôi, những nạn nhân chất độc màu da cam, đã khóc nhiều chục năm nay, thậm chí khóc mỗi ngày mỗi tháng vì những cơn đau bị hành hạ, vì nhìn thấy tương lai tuyệt vọng bởi di chứng quái ác của nó.

Nhưng, chúng tôi không thay đổi được điều gì. Những giọt nước mắt của chúng tôi không hề làm cho những công ty sản xuất Dioxin rải xuống Việt Nam phải nghĩ lại. Những giọt nước mắt của chúng tôi không hề làm cho những người có trách nhiệm của Chính phủ Mỹ phải xem xét để có trách nhiệm với hậu họa mà họ góp phần gây ra cho dân lành.

Dù chưa gặp, nhưng tôi luôn thấy được ở Ngài một sự thân thiện tuyệt vời, có tình cảm ấp áp; một người sống có trách nhiệm, giàu tình cảm với gia đình và xã hội. Ngài luôn đề cao hòa bình, hữu nghị và công bằng.

Chính vì vậy, tôi luôn ước rằng, có dịp nào đó Ngài đến Quảng Nam quê tôi, đến Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và bao tỉnh thành khác, không chỉ để ngắm phong cảnh tươi đẹp, tiếp xúc với những người dân lam lũ hiền hòa, mà còn để bắt những bàn tay co quắp, những đôi chân teo tóp, nhưng gương mặt biến dạng vì chất độc màu da cam người Mỹ đã rải xuống đất nước hình chữ S nhiều chục năm trước.

Chắc chắn, nhìn những cảnh ấy, Ngài sẽ lại rơi nước mắt. Nạn nhân súng đạn Mỹ hay nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam, đều là con người, đều có gia đình bạn bè, đều có quyền sống và hy vọng, trước khi bị tước đoạt sự sống hay bị đày đọa thể xác và tinh thần.

Dù tôi là một nạn nhân chất độc màu da cam thế hệ thứ hai, thì tôi cũng không thể nào kể tả hết nỗi đau nửa thế kỷ ấy. Chỉ có gặp trực tiếp và cảm nhận, Ngài mới thấy siêu cường của Ngài cần có trách nhiệm trước những số phận bé mọn của mỗi nạn nhân.

3.000.000 nạn nhân ở Việt Nam (trong đó thế hệ thứ hai như tôi là khoảng 200.000 người, thế hệ thứ 3 là 80.000 người, nhiều địa phương có thế hệ thứ 4 bị phơi nhiễm) đã chờ người Mỹ đến chia sẻ, và có trách nhiệm, từ rất lâu rồi.

Đất nước xinh đẹp này đã chịu đựng quá đủ nỗi đau chiến tranh. Người Việt rất quan tâm đến nhau và quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh, nhưng chúng tôi còn nghèo, nên quan tâm thế nào đi chăng nữa vẫn còn chưa đủ để xoa dịu nỗi đau cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam vẫn đang cố gắng vươn lên, vượt qua số phận để tiếp tục sống có ích cho cộng đồng xã hội.

Nhưng nói thì nói để tự an ủi, xoa dịu nỗi đau cho nhau chứ thật ra làm sao quên được, khi nhìn thấy những ông bố bà mẹ bên những đứa con dị tật, dị dạng, người chẳng ra người? Khi phải suốt năm cùng tháng tận sống trong bệnh tật triền miên cùng những tủi hờn và mặc cảm?

Mặc dù vậy, tôi và những nạn nhân khác lúc nào cũng tâm niệm: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Chúng tôi đều vui mừng khi Ngài đến Việt Nam để hai bên kiến tạo những chiếc cầu tốt đẹp nối gần thêm hai đất nước.

Tôi biết lịch trình của một Tổng thống Mỹ rất sít sao. Chúng tôi không có trong hành trình viếng thăm của Ngài. Dù vậy, tôi rất mong Ngài những người bạn Mỹ có thiện chí, hãy lắng nghe, chia sẻ, quan tâm và thấu hiểu nỗi đau da cam để có những hành động lương tâm thực sự.

Khi Tòa án Mỹ đã phán quyết bác đơn đòi bằng chứng sự thật của chúng tôi, hàng triệu nạn nhân da cam đã đau thêm một lần nữa. Nhưng chúng tôi không nản chí: Cái sự thật là chính là số phận của những con người trong cuộc, những người phải gánh chịu bao bất hạnh thiệt thòi. Sự thật ở lương tâm lương tri của con người.

Những phụ nữ khao khát yêu thương như chúng tôi không có được thiên chức làm mẹ, những sinh linh nhỏ bé chưa kịp mở mắt chào đời đã bị tước đi quyền sống – đó là sự thật cay đắng và đau đớn nhất.

Khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, nếu có thể xin Ngài dành chút thời gian ghé thăm Làng Hòa Bình bệnh viện Từ Dũ. Ngài sẽ không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy những ống nghiệm cùng nhiều bào thai chết lưu còn lưu giữ. Rồi Ngài sẽ nghe các cháu nhỏ bình thường bi bô những ước mơ bình dị.

Chứng kiến sự đối lập ấy tôi tin chắc những người có trái tin nhân ái như Ngài sẽ không cầm được nước mắt…

Tôi đã rời quê xa bố mẹ già yếu và bệnh tật để đi theo tiếng gọi của con tim, tôi cất công đi tìm hạnh phúc mà hai mươi năm nay chỉ nhận lại nỗi đau đáu một câu hỏi: Tại sao người Mỹ không dám chịu trách nhiệm?

Mòn mỏi nhiều năm nay, những nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam đã có những cuộc hành trình công lý và họ đã đến đất Mỹ với mục đích không phải để cầu xin sự bố thí ban ơn mà là muốn được phía Mỹ đừng quên trách nhiệm khi họ đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đến môi trường và cơ thể con người Việt Nam.


Nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Thu An

Thưa Ngài, tôi là một người phụ nữ "3 không".

Tôi không có nhà, phải đi ở nhờ.

Tôi không dám có một mối tình vì nghèo và mặc cảm tật nguyền.

Tôi không chồng, nhưng tôi cũng không thể làm mẹ. Tôi không thể có một đứa con khi nghĩ rằng ra đời nó sẽ không lành lặn. Dù có khoa học hiện đại tầm soát, nhưng người mẹ nào đành lòng rũ bỏ con mình khi còn trong trứng nước?

Những sự thật đó là quá rõ ràng, nhiều nhà khoa học đã kết luận về hậu họa của Dioxin rồi, thế thì tại sao người Mỹ lại cố tình không rõ.

Khi ta còn một trái tim thì ta phải còn biết đau, biết chia sẻ chứ, có phải không thưa Ngài Tổng thống Mỹ?

Tôi đã trăn trở rất nhiều và cuối cùng mong được tìm sự công bằng cho những nạn nhân da cam và những người bất hạnh nói chung nên tôi đã quyết định: Hiến thân thể của mình cho Y học.

Các nhà khoa học Mỹ và thế giới có thể dùng cơ thể tôi, để nói với người Mỹ rằng hậu quả của Dioxin mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam vô cùng tàn khốc. Khi ấy tôi cũng sẽ mãn nguyện nơi chín suối.

Thưa Ngài Tổng thống Barack Obama!

Tôi mong muốn lá thư này sẽ tới được đôi tai biết lắng nghe của Ngài và những người Mỹ có trách nhiệm. Tôi cũng mong muốn báo chí Việt Nam và thế giới lắng nghe tâm sự của một phụ nữ tật nguyền, cùng vào cuộc để công lý, công bằng và trách nhiệm lương tâm, lòng bác ái cùng lên tiếng. Đừng để chúng tôi tiếp tục phải kêu lên những tiếng trong vô vọng nữa.

Một lần nữa, kính chúc Ngài cùng gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc.
Trân trọng kính chào Ngài!
Phạm Thị Nhí
Email: [email protected]
331 Trần Hưng Đạo, P10, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
---
Ho Chi Minh City, May 22, 2016

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP