Trong nước

"Kỷ lục" vụ đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ làm nóng nghị trường

ĐBQH cho rằng vụ đánh bạc trực tuyến ở Phú Thọ lập kỷ lục cả về số tiền chiếm đoạt cũng như số người bị thiệt hại.

ĐB Nguyễn Thị Thuỷ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp

Chiều 13/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2018; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Ủy viên thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy khi thảo luận về các báo cáo của các cơ quan tư pháp đã nhấn mạnh đến diễn biến của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo bà Thuỷ, nếu như 5 -10 năm trước đây, khi các tổ chức quốc tế khuyến cáo chúng ta về sự gia tăng nhanh chóng cũng như tác hại của tội phạm này đối với nền kinh tế và người dân, chúng ta chưa thể hình dung hết thì đến nay, sau hàng loạt các vụ án, vụ việc thấy rằng khi công nghệ cao đã trở thành phương tiện đa năng, hữu ích, không thể thiếu của cuộc sống con người thì các đối tượng phạm tội cũng đã lợi dụng triệt để thành tựu này vào hoạt động phạm tội.

Thường trực Uỷ ban Tư pháp dẫn số liệu thống kê của tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol rằng trên thế giới cứ 12 giây trôi qua có một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng việc sử dụng công nghệ cao được thực hiện trót lọt. Ở Việt Nam, theo bà Thuỷ, tần suất của tội phạm này chưa đến mức độ như vậy, nhưng hiện cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm tội mới và xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực.

Ngân hàng tưởng chừng như là nơi gửi, giữ tiền một cách an toàn nhất, song theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, từ năm 2011 đến nay đã xảy ra 772 vụ trộm tiền tại các máy ATM và 1.967 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao. Hay như vụ sửa kết quả về kỳ thi phổ thông trung học quốc gia vừa qua. Khi thao tác lại hành vi phạm tội với các tiện ích của máy tính, đối tượng chỉ mất 6 giây để sửa một bài thi.

"Với mạng internet chưa bao giờ tội phạm đánh bạc lại hoạt động một cách dễ dàng và thuận lợi như hiện nay. Các đối tượng có thể đánh bạc ở mọi nơi, mọi lúc, nhiều lần trong ngày và với số tiền không giới hạn" - bà Thuỷ nói.

Nhắc đến hậu quả, bà Thuỷ cho rằng hậu quả của tội phạm này gây ra thường trên một diện rộng và rất nghiêm trọng.

Nhắc đến vụ đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ xảy ra ở Phú Thọ, bà Thuỷ nhấn mạnh vụ án này đã "lập kỷ lục" cả về số tiền chiếm đoạt cũng như số người bị thiệt hại. Vụ án đã thu hút hơn 42 triệu tài khoản của người chơi tham gia với tổng số tiền đưa vào đánh bạc trên 9.800 tỷ đồng, tổng số tiền phải trả thưởng cho những người tham gia đánh bạc chỉ hơn 2.600 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy số tiền các đối tượng trong đường dây này thu lợi bất chính rất lớn.

Đối với các vụ tiền ảo, các đối tượng đã lập ra rất nhiều sàn giao dịch, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền thu được của người tham gia trước để trả cho người tham gia sau. Khi đã thu được một lượng lớn tiền thì đánh sập mạng và biến mất khỏi Việt Nam. Bà Thuỷ nhắc lại vụ Nguyễn Hữu Tiến và các đồng phạm vừa qua đã lập ra các trang web để kêu gọi đầu tư tiền ảo với mức lợi nhuận là 2,5%/ngày, đã chiếm đoạt tiền của hơn 6.000 người.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, cho đến nay mới chỉ có 23% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao thu hồi lại được tiền.

"Như vậy, có thể thấy với tội phạm công nghệ cao, hậu quả của tội phạm là rất lớn nhưng việc thu hồi hiện đang hết sức khó khăn" - bà Thuỷ nói.

Về khó khăn, bà Thuỷ đánh giá tính ẩn danh của tội phạm rất lớn nên rất khó khăn với các cơ quan tố tụng trong quá trình phát hiện. Khác với tội phạm truyền thống phải đến tận hiện trường để gây án, với tội phạm sử dụng công nghệ cao đối tượng có thể ngồi ở nước ngoài hay bất kỳ đâu vẫn có thể thực hiện hành vi phạm tội.

"Cuộc đấu tranh chống tội phạm công cao gồm 3 không: Không biên giới, không tiếng súng và không có sự đối thoại trực tiếp giữa kẻ phạm tội và nạn nhân. Nhưng khi xảy ra thì hậu quả nghiêm trọng, đấu tranh khó khăn", bà Thuỷ nói.

Bà Thuỷ đề nghị Bộ Công an cần thông tin đầy đủ tới người dân để phòng tránh; đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ tố tụng; Toà án nhân dân cần tổng kết vụ án xét xử thời gian qua để ban hành án lệ.

ĐB Triệu Thị Thu Phương cũng nêu quan ngại về thực trạng tội phạm công nghệ cao đang diễn ra tràn lan và chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Nhắc tới vụ án sửa kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, nghi can chỉ mất 6 giây để sửa bài thi... bà Phương đặt câu hỏi, "có hay không đã xảy ra loại tội phạm này ở những năm trước đây nhưng chưa được phát hiện; lỗ hổng này do cơ quan quản lý hay kẽ hở pháp luật, bộ máy?".

"Loại tội phạm này đã được nhận diện song báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm lại chưa đưa ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả", bà Phương nêu quan điểm.

Tác giả: Hoài Vũ

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP