Trong nước

Kiến nghị Bộ Chính trị xét một số 'trường hợp đặc biệt' tái cử ĐBQH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội có văn bản đề xuất Ban Tổ chức Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị xem xét một số “trường hợp đặc biệt” tái cử đại biểu Quốc hội.

Vấn đề lựa chọn nhân sự để bầu đại biểu Quốc hội khóa XV được đề cập tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, diễn ra sáng 23/3.

Không có chuyện chú ý "con ông cháu cha"

Đề cập đến mong muốn có thêm nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách trong khóa mới, trong khi một số đại biểu có kinh nghiệm xuất hiện nhiều trên nghị trường như ông Lưu Bình Nhưỡng, Bùi Sỹ Lợi không còn tuổi tái cử, Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết đơn vị này đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng giải quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã có văn bản đề xuất Ban Tổ chức Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị xem xét vài “trường hợp đặc biệt”, trường hợp chuyên gia nhưng chưa có kết quả cụ thể.

“Bộ Chính trị và Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản quy định tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XV nên việc những trường hợp chuyên gia, trường hợp đặc biệt tái cử phải thông qua ý kiến của các cơ quan chỉ đạo trên”, ông Tuấn Anh giải thích.

Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh khẳng định không chú trọng người ứng cử đại biểu Quốc hội là "con ông cháu cha". Ảnh: X.Đ.

Cũng liên quan đến việc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai vừa kết thúc đã thống nhất danh sách sơ bộ 205 ứng viên được Trung ương giới thiệu. Song, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc trong khi Quốc hội chủ trương tăng chuyên trách, tăng chuyên gia thì không thấy những tên tuổi đó, mà có hiện tượng “con ông cháu cha” hoặc người ở chỗ khác về theo mối quan hệ, không đủ tiêu chuẩn.

Giải đáp băn khoăn này, Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết hai nhiệm kỳ gần đây có chủ trương tăng cường chuyên viên, cán bộ công chức có năng lực tham gia vào cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khóa này cũng vậy.

“Số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng từ 35% lên 40% nên hiện nay vẫn thiếu người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách của các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Tuấn Anh nói.

Về danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội khóa mới “chú ý” đến “con ông cháu cha” hay người bên ngoài được giới thiệu ứng cử, thiếu ứng viên cho đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó ban Công tác đại biểu nhấn mạnh việc này phải căn cứ vào tiêu chuẩn.

“Sau Hội nghị hiệp thương lần 3 mới công bố chính thức danh sách những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Nhưng chúng tôi khẳng định không chú trọng người nào cụ thể, kể cả con ông cháu cha”, lãnh đạo Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Điều đáng tiếc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

Trả lời câu hỏi về hạn chế của Quốc hội khóa XIV là có nhiều đại biểu vi phạm và không làm tròn trách nhiệm trước cử tri, Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng đây là điều đáng tiếc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Theo ông, nhiệm kỳ khóa XIV là một trong những nhiệm kỳ có nhiều đại biểu Quốc hội giữ cương vị cao trong bộ máy Nhà nước, gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương bị đưa ra xem xét.

Ông Tuấn Anh khẳng định 494 đại biểu Quốc hội khóa XIV đều đủ tư cách khi bước vào kỳ họp thứ nhất. Nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu đã xuất hiện một số sai phạm mà trong quá trình thẩm tra trước đó không phát hiện ra. "Đó là điều đáng tiếc”, ông Tuấn Anh thừa nhận.

Để khắc phục tình trạng này, ông cho biết Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ cũng ra văn bản và Ủy ban MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn để chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được chu đáo.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP