Pháp luật

Không có đơn tố cáo, Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga có thoát tội?

Bị cáo buộc phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, giả sử trong trường hợp không có đơn tố cáo thì Hoa hậu Phương Nga có thoát tội?

Liên quan đến vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga bị cáo buộc phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mới đây, Công an TP.HCM ra quyết định phục hồi điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phục hồi điều tra bị can đối với Trương Hồ Phương Nga (31 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung (29 tuổi).

Luật sư Nguyễn Bá Ngà (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Một câu hỏi được đặt ra trong vụ án này, giả sử không có đơn tố cáo, liệu Hoa hậu Phương Nga có thoát tội?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Bá Ngà (đoàn luật sư TP.Hà Nội) đưa ra quan điểm: Cáo trạng của VKSND TP.Hồ Chí Minh truy tố Trương Hồ Phương Nga phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4, Điều 139, BLHS (Nay là Điều 174, BLHS năm 2015). Mức án cao nhất mà Phương Nga phải đối mặt có thể là tù chung thân, thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và không thuộc trường hợp Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại được quy định tại Điều 155, BLHS năm 2015.

Theo đó, “1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 lần lượt là các tội: tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, tội Hiếp dâm, tội Cưỡng dâm, tội Làm nhục người khác, tội Vu khống và tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Chiếu theo quy định tại Điều luật được viện dẫn ở trên, trong trường hợp không có đơn tố cáo tội phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng xét thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan CSĐT vẫn có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội cho rằng: Khởi tố vụ án hình sự là quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự và công lý, không phụ thuộc vào ý muốn cá nhân và không ai có thể can thiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Đây là những trường hợp mà hành vi phạm tội vừa xâm phạm trật tự xã hội, vừa xâm phạm đến thể chất, sức khoẻ, danh dự của người bị hại và chỉ áp dụng đối với một số tội phạm được quy định tại Điều 155, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Cũng theo quan điểm của thẩm phán Trương Việt Toàn, tài sản và quyền sở hữu tài sản là một nội dung quan trọng được quy định trong pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân được bảo vệ một cách hữu hiệu bằng các quy định của pháp luật hình sự. Nhóm tội xâm phạm sở hữu của công dân ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Đây là phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, không thể nào khởi tố hay không khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Do vậy, trong trường hợp này, giả sử không có đơn tố cáo Hoa hậu Phương Nga phạm tội Lừa đảo, nhưng xét thấy có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan tố tụng vẫn tiến hành các thủ tục cần thiết nhằm đấu tranh, làm rõ loại tội phạm này.

Tác giả: Tư Viễn

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP