Pháp luật

Không có bản quyền thì Cty UCMAS Nghệ An sẽ bị đình chỉ hoạt động và bị xử phạt

Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Giám đốc Cty Luật TNHH IPIC, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Trước thông tin PL&DS phản ánh liên quan tới hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cty cổ phần đào tạo giáo dục UCMAS Nghệ An (Cty UCMAS Nghệ An), rất nhiều phụ huynh học sinh cũng như độc giả băn khoăn về quyền lợi khi bị UCMAS Nghệ An "làm xiếc". Cũng như nếu vi phạm, Cty này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?

Để có cái nhìn đa chiều và khách quan, cũng như giải tỏa được thắc mắc của bạn đọc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Giám đốc Cty Luật TNHH IPIC, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

PV: Xin luật sư cho biết nội dung cơ bản và những quy định của pháp luật về chương trình học UCMAS

Luật sư Doãn Hùng: Chương trình học UCMAS là chương giáo dục ngoài giờ hành chính do đó phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ hành chính.

Theo quy định tại Điều 7 Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ hành chính được ban hành kèm theo Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT thì: hoạt động giáo dục ngoài giờ hành chính sẽ do Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo cấp phép hoạt động.

Để được cấp phép hoạt động phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 8 của Quy định này thì trong hồ sơ đăng ký hoạt động của cơ sở giáo dục phải bao gồm cả kế hoạch hoạt động, giáo trình, tài liệu giảng dạy, huấn luyện… Đồng thời tại Điều 14 Quy định này cũng đã có quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục phải đó là:

- Bảo đảm chất lượng giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

- Khi các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị để tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải có hợp đồng giữa hai bên. Hợp đồng phải quy định rõ về nội dung dạy học, kinh phí, đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, địa điểm tổ chức và trách nhiệm của mỗi bên. Sau khi ký kết hợp đồng phải báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Giám đốc Cty Luật TNHH IPIC thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội.

PV: Vậy thì trong trường hợp Cty UCMAS Nghệ An có dấu hiệu vi phạm bản quyền với UCMAX Việt Nam và không thực hiện đúng nội dung đã cam kết với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, ở đây trực tiếp là Sở GD&ĐT Nghệ An, thì Cty UCMAS Nghệ An sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Doãn Hùng: Trong trường hợp Cty UCMAS Nghệ An không thực hiện đúng các nội dung đã cam kết, đăng ký với cơ quan quản lý có thẩm quyền, xác nhận đăng ký hoạt động thì Cty này sẽ bị đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật. Trình tự thủ tục đình chỉ sẽ được thực hiện theo quy định sau:

“ Người có thẩm quyền cấp phép hoặc xác nhận đăng ký hoạt động thành lập đoàn thanh tra đánh giá tình trạng thực tế của cơ sở giáo dục, đơn vị và lập phương án đề xuất xử lý;

Căn cứ kết quả thanh tra, người có thẩm quyền cấp phép hoặc xác nhận đăng ký hoạt động ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Trong quyết định đình chỉ hoạt động phải xác định rõ lý do đình chỉ, quy định rõ thời hạn đình chỉ; các biện pháp đảm bảo quyền lợi người học. Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau thời gian đình chỉ hoạt động, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ ra quyết định cho phép hoạt động trở lại. Trong trường hợp chưa cho phép hoạt động trở lại, cơ quan có thẩm quyền có văn bản thông báo rõ lý do và hướng giải quyết…”

Trong trường hợp này, nếu Cty UCMAS Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng bản quyền chương trình học UCMAS cũng như chấm dứt việc nhượng quyền thương hiệu đối với Cty UCMAS Nghệ An là đúng pháp luật và hiện nay Cty UCMAS Việt Nam không cung cấp giáo trình, tài liệu về chương trình đào tạo cho Cty UCMAS Nghệ An thì Cty này không còn đáp ứng được cam kết với cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Do đó theo quy định của pháp luật thì Cty UCMAS Nghệ An sẽ bị đình chỉ hoạt động.

PV: Thưa luật sư, khi phát hiện bị Cty UCMAS có dấu hiệu lừa dối, triển khai chương trình giáo dục không đúng theo cam kết khi tuyển sinh, phụ huynh nên làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ cũng như của con họ?

Luật sư Doãn Hùng: Đối với phụ huynh đã cho con em mình theo học tại các trung tâm do đơn vị này tổ chức mà liên quan tới hoạt động giáo dục bàn tính và số học trí tuệ, thì phụ huynh có thể yêu cầu phía Cty này xem xét trả lại tiền, và có quyền gửi đơn lên các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An yêu cầu làm rõ hành vi của Cty UCMAS khi lừa dối họ. Hoặc gửi đơn lên các cơ quan liên quan quan khác như Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Nghệ An để đòi quyền lợi chính đáng.

Về mặt bản chất thì việc thỏa thuận trong lĩnh vực này giữa phụ huynh và Cty cũng như việc mua bán hàng hóa. Nếu phía Cty không chứng minh được rằng mình đã bán hàng thật, đúng cam kết thì rõ ràng là phải chịu trách nhiệm, và một số trường hợp sẽ phải trả lại tiền hoặc là cả việc phải đền bù.

Dù hoạt động có dấu hiệu sai phạm trong lĩnh vực giáo dục lâu nay nhưng Cty UCMAS Nghệ An vẫn có thể "qua mặt" được các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An

PV: Còn đối với hành vi Cty UCMAS Nghệ An tiếp tục sử dụng thương hiệu của UCMAS Việt Nam để tiếp tục hoạt động sẽ vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Hùng: UCMAS Việt Nam có quyền yêu cầu Cty UCMAS Nghệ An chấm dứt việc vi phạm. Nếu không thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị UCMAS Việt Nam khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

"Theo quy định tại Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (Luật SHTT) thì chủ sở hữu nhãn hiệu (cụ thể trong trường hợp này là UCMAS Việt Nam) có các quyền: Sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu mình sở hữu; Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu mình sở hữu; Định đoạt nhãn hiệu mình sở hữu".

"Vì pháp luật đã quy định UCMAS Việt Nam có các quyền này, nên nếu UCMAS Việt Nam không có văn bản đồng ý cho phép người khác sử dụng các nhãn hiệu trên thì không ai có quyền sử dụng chúng bằng bất kỳ hình thức nào như viết/vẽ trên biển hiệu, in trên giấy tờ giao dịch, gắn ở trang web...

Về biện pháp xử phạt hành chính, nếu UNMAS Nghệ An không chấm dứt việc sử dụng thương hiệu UCMAS Việt Nam nêu trên, họ có thể bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phạt tiền do vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trong trường hợp này, UCMAS Việt Nam có thể gửi văn bản khiếu nại về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An để được đơn vị này xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan tới sự việc Cty UCMAS Nghệ An mà PL&DS phản ánh, trao đổi với PV qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, đã nhận được thông tin báo phản ánh, giao cho Chánh văn phòng Sở này làm công văn trả lời cụ thể.

Trước những thông tin về việc Cty UCMAS Nghệ An đã “nhanh tay” ký kết hợp đồng và triển khai chương trình giáo dục tương tự với một đối tác khác tại số 146, đường Hồng Bàng TP Vinh (Nghệ An), Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cũng xác nhận là chưa nhận hồ sơ cũng như sẽ chưa cấp phép khi tranh chấp bản quyền vẫn chưa được giải quyết xong giữa Cty UCMAS Nghệ An với UCMAS Việt Nam.

Những dấu hiệu sai phạm của Cty UCMAS Nghệ An liên quan tới hoạt động giáo dục tại địa bàn tỉnh Nghệ An, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả trong bản tin tiếp theo.

Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn: Theo Pháp luật & Dân Sinh
  Từ khóa: quan điểm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP