Pháp luật

Không cho thực nghiệm hiện trường vì bị can thiếu trung thực?

Liên quan vụ án cố ý gây thương tích ở Đồng Nai, giải thích về lý do không cho Trung thực nghiệm hiện trường, điều tra viên cho biết vì bị can không trung thực.

1 cuộc nhậu, 2 vụ án

Theo kết luận điều tra của Công an huyện Trảng Bom, bị cáo Nguyễn Kiên Trung (SN 1987) và 3 bị can khác là Lê Văn Cẩm (SN 1987), Phạm Minh Quang (SN 1989) cùng ngụ tại Đồng Nai và Trần Xuân Kiều (SN 1987, quê Nghệ An) đã phạm tội Cố ý gây thương tích.

Vụ án xuất phát từ một cuộc nhậu. Theo đó, ngày 19/3/2017, 4 bị can trên cùng nhậu tại nhà Trung ở ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom. Chiều cùng ngày, Trung được bạn là Lê Đức Anh mời đến ấp 4 nhậu tiếp. Lúc này, cả 3 bạn nhậu đều cùng đi.

Khi Nguyễn Thành Đây (SN 1985), Hà Văn Bé (SN 1987), Lý Huỳnh (SN 1988), Phạm Duy Nam (SN 1986) đang nhậu tại nhà Anh thì nhóm Trung đến. Sau đó, mọi người rời đi, chỉ có Trung, Kiểu, Quang và Bé ngồi nhậu tiếp. Bé mời Trung uống rượu lần hai nhưng Trung từ chối. Sau khi đi vệ sinh, Bé quay vào dùng chân đá vào mặt Trung. Hậu quả là Trung bị tổn thương cơ thể 29%.

Vợ bị can Nguyễn Kiên Trung

Thấy vậy, Kiều xô Bé ra. Sợ bị đánh, Bé bỏ chạy. Kiều chạy ra xe của Trung lấy trong cốp 1 con dao đuổi theo chém 1 nhát vào hông Bé. Sau đó, nghe lời Trung, Kiều, Quang Cẩm tiếp tục đuổi Bé. Khi đuổi kịp, Cẩm đâm xe vào Bé khiến cả hai bị ngã. Ngay sau đó, Kiều chạy tới dùng dao chém vào tay phải Bé. Chém xong, 4 người bỏ về nhà Trung. Theo kết quả trưng cầu giám định pháp y, Bé bị thương tật 48%.

Ngày 22/12/2017, TAND Trảng Bom đưa vụ án Trung và đồng bọn gây thương tích cho Bé ra xét xử. Sau phần xét hỏi, VKS đã thay đổi tội danh truy tố đối với Trung từ Cố ý gây thương tích sang cố ý gây thương tích trong tình trạng bị kích động mạnh. Kết thúc phiên xử, tòa tuyên phạt Trần Xuân Kiều 3 năm tù, Lê Văn Cẩm 2 năm tù, Phạm Minh Quang 9 tháng tù treo. Tuy Trung không trực tiếp gây ra thương tích cho Bé nhưng vẫn bị phạt 3 năm cải tạo không giam giữ và buộc phải bồi thường gần 64,6 triệu đồng. Trung, Quang được trả tự do ngay tại tòa.

Bốn ngày sau, ngày 26/12/2017, TAND Trảng Bom đưa vụ án “Bé gây thương tích cho Trung ra xét xử sơ thẩm và phạt Bé 3 năm cải tạo không giam giữ, buộc bồi thường cho Trung 76,75 triệu đồng. Án sơ thẩm bị kháng cáo và ngày 4/5/2018, khi xét xử phúc thẩm, TAND Đồng Nai đã tuyên hủy bản án sơ thẩm ngày 22/12/2017 vì vi phạm tố tụng, giao VKS điều tra lại. Cẩm và Kiều tiếp tục giam giữ.

“Quýt làm, cam chịu”?

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (VPLS Tri Ân, đoàn Luật sư Đồng Nai), người bào chữa cho bị cáo Trung phân tích: Giả sử nếu có tội thì Trung phải được xét xử theo Điều 105 BLHS, tức là phạm tội trong tinh thần bị kích động mạnh. Thực tế tòa án cấp sơ thẩm đã xử Trung về tội này.

Luật sư Quân cho rằng tình tiết quan trọng nhất chứng minh Trung có tội hay không có tội chính là biên bản lời khai ngày 20/6/2017 của Kiều khi bị bắt tại Đắk Nông. Trước điều tra viên Phạm Hồng Kỳ của Công an Trảng Bom (điều tra viên chính trong vụ án-PV), Kiều khai rằng “Không ai ra lệnh, xúi giục. Một mình Kiều thực hiện hành vi chém Bé”. Lời khai này hoàn toàn trùng khớp với lời khai của Trung rằng khi bị Bé đánh vào mặt đau quá nên nằm một chỗ, sau đó được Quang dìu đi nên không nhớ gì. Cả hai lời khai này trùng khớp với giấy nhập viện của bệnh viện Đồng Nai lúc 20h11 ngày 19/3/2017 của bệnh nhân Trung trong tình trạng bất tỉnh, lơ mơ do bác sĩ khoa cấp cứu Phan Đình Trường ký.

Điều khó hiểu là sau đó, không hiểu vì lý do gì mà Kiều lại thay đổi lời khai khi khai rằng Trung chính là người xúi giục mình chém Bé?!

Có thể nói trong vụ án này, vì là người trực tiếp chém Bé nên lời khai của Kiều đóng vai trò quyết định. Việc Trung có xúi giục hay không liên quan đến việc định tội danh của Trung cũng như hình phạt mà Trung đáng phải nhận.

Trao đổi với PV, chị Hoàng Thị Thanh Xuân (vợ Trung) cho rằng Kiều thay đổi lời khai vì muốn đổ hết tội cho chồng chị. Để chứng minh điều này, chị Xuân trưng ra một lá thư tay của 1 phạm nhân (người quen của Trung) có biệt danh là “Dũng Việt Kiều”. Dũng đang bị giam giữ chung phòng với Kiều. Trong thư, Dũng cho biết khi ra tòa, Kiều sẽ thay đổi lời khai. Và thực tế đã diễn ra đúng như thông báo của Dũng. Tại phiên tòa, Kiều đã khai hoàn toàn khác so với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra.

Là người tư vấn pháp luật cho bị cáo Trung, luật sư Phạm Quốc Vượng (đoàn Luật sư Bình Thuận, nguyên Thẩm phán TAND Trảng Bom) cho biết, ông đã đọc rất kỹ bản ghi lời khai đầu tiên của Kiều. Theo ông, lời khai này rất rành mạch, rõ ràng. Về lá thư của Dũng, luật sư Vượng cho biết: “Tôi không đủ thẩm quyền để khẳng định lá thư của Dũng có đúng sự thật hay không, cũng không biết Kiều thay đổi lời khai vì lý do gì nhưng tôi thấy lời khai của các bị cáo trong vụ án này có quá nhiều mâu thuẫn”, luật sư Vượng nói thêm.

Luật sư Vượng phân tích với cú đá gây ra tỉ lệ thương tật là 29% thì kể cả một người biết võ thuật cũng không thể ngồi dậy ngay lập tức rồi chạy tiếp 150m. Sau khi bị Bé đá, Trung bị choáng váng vì chảy rất nhiều máu mũi nên càng không thể hô to đến mức 1 người đứng cách đó gần 100m có thể nghe rõ. Một trong những lý do khiến bản án sơ thẩm của TAND huyện Trảng Bom bị hủy vì cơ quan điều tra đã không cho Trung thực nghiệm hiện trường.

Cũng theo luật sư Vượng, ngay cả lần thực nghiệm thứ hai vào ngày 25/8/2018, Trung vẫn không được tham gia. Điều này không đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Giải thích về lý do không cho Trung thực nghiệm hiện trường, điều tra viên Phạm Hồng Kỳ cho biết là vì Trung không trung thực. “Đối tượng có tham gia thực nghiệm hay không không quan trọng”, điều tra viên Kỳ nói.

Bị bắt giam vì gây nguy hiểm cho xã hội

Sau phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Trảng Bom, Trung đã có đơn kháng cáo. Khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai cũng không yêu cầu bắt giữ Trung, Quang mà chỉ yêu cầu tiếp tục giam Kiều, Cẩm. Tuy nhiên, ngày 12/7/2018, Công an huyện Trảng Bom lại có quyết định bắt tạm giam Trung.

“Chồng tôi đã được tòa trả tự do thì tại sao sau đó lại bị bắt giam?”, chị Xuân bức xúc nói.

Luật sư Vượng cho biết, việc Công an huyện Trảng Bom bắt giam Trung là không có căn cứ vì Trung có nhân thân tốt, có chỗ ở ổn định và cũng không có dấu hiệu bỏ trốn.

Liên quan đến quyết định này, điều tra viên Phạm Hồng Kỳ cho biết Trung là đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội nên cần phải bắt tạm giam.

Khi được hỏi tại sao tòa tuyên trả tự do mà sau đó cơ quan điều tra lại bắt giam, điều tra viên Kỳ không trả lời và yêu cầu PV liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Công an huyện Trảng Bom.

Tuy nhiên, khi PV liên hệ với Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Công an huyện Trảng Bom (người trực tiếp chỉ đạo điều tra) thì chưa tiếp xúc được.

Tác giả: Lê Thạch

Nguồn tin: conglyxahoi.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP