Giáo dục

Khởi nghiệp từ niềm đam mê nghề giáo

Sau nỗi thất vọng lớn không xin được việc làm của một cử nhân sư phạm xuất sắc, Phạm Thị Liên đã hiện thực ước mơ được làm nghề giáo theo cách riêng của mình bằng việc thành lập Trung tâm toán học Love math. Thành công của Liên đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn sinh viên đang học hoặc mới tốt nghiệp, đặc biệt là những bạn đang theo đuổi ngành sư phạm…

Cô giáo Phạm Thị Liên và học trò

Từ nỗi thất vọng của thủ khoa xuất sắc...

Thủ khoa thi đầu vào, là lớp trưởng lớp tài năng Toán học K51 (Viện Khoa học tự nhiên, Đại học Vinh), sau 4 năm học, cô gái hạt tiêu Phạm Thị Liên (sinh năm 1992) tiếp tục đạt thủ khoa tốt nghiệp ĐH với tấm bằng xuất sắc.

Cùng với một loạt thành tích trong các kỳ thi nghiệp vụ, Olympic Toán quốc gia..., Liên ra trường với một bầu hoài bão, hi vọng và tin tưởng sẽ sớm được đứng trên bục giảng, trở thành giáo viên. Nhưng thời điểm cô tân cử nhân tốt nghiệp, ngành giáo dục tỉnh Nghệ An gần như không còn chỉ tiêu và không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên bộ môn Toán. Những lá đơn xin việc của Liên bặt vô âm tín hoặc được trả về.

Thất vọng, Liên quyết tâm “xách ba lô lên và đi”, ra Hà Nội tìm kiếm việc làm. Không khó khăn để vượt qua vòng kiểm tra vào làm biên tập viên chuyên môn Toán, Liên bắt đầu làm việc tại cơ sở Hocmai.vn – một trung tâm ôn thi khá nổi tiếng ở thủ đô.

Tuy nhiên, suốt ngày vùi đầu vào soạn giáo án mà không đứng lớp, cô gái trẻ cảm thấy không phù hợp và đành từ bỏ. Sau đó, Liên tiếp tục thi và được tuyển dụng vào Trung tâm Topper Academy. Ở đây, qua 3 tuần đầu thử việc theo dõi lớp học, Liên được chính thức lên lớp dạy học.

Việc được làm cô giáo, được trau dồi thêm kỹ năng soạn bài trên vi tính gợi cho Liên cảm hứng sáng tạo mô hình dạy học mới. “Các em cùng học chung trong một không gian lớp học để có “môi trường học tập”, nhưng mỗi em có một giáo án, một chương trình dạy học và tương tác riêng với cô giáo, khiến các em tập trung hơn, tiếp thu tốt hơn.

Về phía giáo viên sẽ mệt hơn, nhưng tránh được thiệt thòi cho học sinh, bởi nếu như học 1 giáo án và chương trình chung cho cả lớp như thông thường, thì có em học yếu sẽ không theo kịp, còn những em học giỏi lại nhàm chán”, Liên cho biết về mô hình. “Đây là mô hình dạy học khá lý thú, giống như lớp ghép của từ 10 – 12 em ở nhiều trình độ khác nhau, thậm chí trong lớp có em học cấp 2 nhưng cũng có em học lớp 11, 12. Mỗi học sinh sẽ được thầy cô kiểm tra năng lực đầu vào, để từ đó soạn giáo án riêng, có phương pháp dạy học riêng cho phù hợp”.

Sau nửa năm làm việc tại Topper Academy, Liên nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của những học sinh theo học mô hình này. Cô gái trẻ bắt đầu ấp ủ mở một trung tâm dạy học toán tương tự như thế này tại TP Vinh, Nghệ An và trở về quê nhà lập nghiệp.

... Đến trung tâm Love Math

Thế rồi Liên quyết định rời Hà Nội, về TP Vinh, Nghệ An và mở trung tâm toán học Love Math. Những ngày đầu mới thành lập, chưa thuê được cơ sở, lớp học của Liên mở tại phòng trọ ở phường Hưng Dũng, học sinh chỉ có 6 em. Để duy trì, Liên vừa mày mò soạn giáo án, vừa dạy, vừa chiêu sinh… Không dừng lại ở đó, hàng tuần Liên tổ chức các buổi thi thử vào lớp 10 và thi thử toán lớp 9 miễn phí.

Học sinh sau khi có kết quả, được Liên chỉ bảo tận tình, chỉ ra những ưu điểm cũng như hạn chế để bổ sung kiến thức… Nếu gặp vấn đề gì khó khăn trong tổ chức lớp học, Liên lại gọi điện cho các anh, các chị quản lý trung tâm Topper Academy ở Hà Nội xin tư vấn, hỗ trợ.

“Trong thời gian đang là sinh viên, mình đã từng đi làm gia sư, đồng thời còn mở một lớp dạy thêm ở quê, thứ 7, chủ nhật mỗi tuần lại về đi dạy. Có thể nói, kinh nghiệm đứng lớp của mình cũng gọi là kha khá cho đến khi ra trường. Nhưng với mô hình mới này, rất khác so với cách dạy trước kia của mình”, Liên cho biết.

Để tăng hứng thú và tạo không khí thoải mái cho học sinh, Love Math còn có nước uống, bánh ngọt, hoa quả, trà sữa… phục vụ các em lúc nghỉ giữa giờ. Bên cạnh đó, để kịp thời động viên, khích lệ và khơi dậy tinh thần học tập cũng như tình yêu với môn Toán, cô giáo trẻ còn nghĩ ra những “hoa điểm mười”, bảng ghi danh, phần thưởng cho những học sinh có tiến bộ trong học tập.

Trung tâm Love Math

Những buổi học lý thú và mới mẻ đã kéo học sinh đến với Love Math ngày càng đông và hiện nay đang có gần 100 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 theo học khiến cô phải tuyển thêm 3 giáo viên nữa phụ trách từng mảng THCS và THPT. Các giáo viên này đều là sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm Toán. Liên cho biết: “Có nhiều bạn thi tuyển nhưng không đạt. Mình rất khó tính trong tuyển giáo viên, bởi ngoài năng lực còn phải có đam mê nghề giáo, có quyết tâm vượt khó, yêu học trò, để đảm bảo Love Math có chất lượng”.

Qua hai năm, Love Math của Liên đã bắt đầu có “quả ngọt”. Gần đây nhất, kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có nhiều em đã đạt điểm 8, điểm 9 môn Toán. Trong đó, có nhiều em đến đây khi đã hoàn toàn mất căn bản do học lệch, hoặc chỉ tập trung học môn chuyên, đến giai đoạn nước rút cần bổ sung gấp kiến thức Toán để đi thi.

Muốn khởi nghiệp, phải “liều một tý”

Nhìn lại chặng đường đã qua, Liên tự nhận “thành quả” của mình còn rất nhỏ. Tuy nhiên, cái “lớn” hơn mà cô có được là những lớp học trò ngày càng tiến bộ và tạo công ăn việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Đặc biệt, cô đã truyền cảm hứng cho các bạn theo đuổi ngành sư phạm, truyền niềm tin để khởi nghiệp bằng tài năng, sức lực của mình.

“Học sư phạm và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân, ai cũng mong muốn mình được đứng trên bục giảng, được là giáo viên tại một ngôi trường phổ thông, dạy học trò. Bản thân mình cũng đã từng ước mơ như thế. Nhưng khi điều kiện thực tế có những trở ngại, và cuộc sống đặt ra cho mình nhiều ngã rẽ, thì mình đã lựa chọn một con đường đi khác, đó là tự mình tổ chức trung tâm dạy học. Và bằng cách này, mình vẫn tiếp tục đến được với nghề giáo cũng như đến với đam mê và tình yêu môn Toán”, Phạm Thị Liên chia sẻ.

Dáng người nhỏ bé, nhưng gương mặt sáng và đầy quyết tâm, cô giáo Phạm Thị Liên trước đó từng đã được nhiều người biết đến khi là 1 trong 21 nhân vật tiêu biểu tham gia Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, giao lưu cùng Nick Vujicic tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình năm 2014. Đó là câu chuyện về cô gái cấp III nhưng hình thể chỉ nhỉnh hơn học sinh cấp I tí chút bởi một thời gian dài bị bệnh thấp tim, viêm đa khớp, chảy máu dạ dày và suy nhược thần kinh…

Sức khỏe yếu khiến Liên từng phải từ bỏ việc học chuyên Toán, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu để trở về học trường nhà tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Thời kỳ đó, ngày nào, các bạn cùng xóm cũng sang nhà chở Liên đến trường. Và cô gái gầy yếu này luôn đạt kết quả học tập xuất sắc để tự tin bước vào giảng đường đại học với ước mơ trở thành giáo viên.

Phạm Thị Liên cho biết, để khởi nghiệp từ con số 0, bản thân cô phải có nghị lực, quyết tâm và cả một chút liều. Có những thời điểm Liên phải đứng ra vay tiền chứ không muốn nhờ đến gia đình để có động lực làm việc, tự vận động kiếm sống. Hằng đêm, bên cạnh việc soạn giáo án, cô lại còn phải nghĩ làm sao duy trì được lớp, trả được tiền thuê nhà…

Có một điều thú vị là những học sinh đầu tiên của Love Math, phần lớn là con của các thầy cô giáo cũ của Liên ở Trường Đại học Vinh, hoặc con em giáo viên các trường tiểu học, THCS trong thành phố. “Em rất cảm ơn các thầy cô giáo cũ, đã rất thương và giúp đỡ em nhiều. Khi em thất bại trở về đã không trách móc mà giới thiệu việc làm tại các trường học ở phía Nam, nhưng em thấy xa xôi quá nên từ chối. Khi em thành lập Love Math các thầy cô đã hết sức ủng hộ, cho em vay tiền thuê lớp học, sắm cơ sở vật chất và tin tưởng giao “con” cho “sinh viên” cũ”, Liên nói.

Bên Liên cũng có người bạn đặc biệt, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, có công việc ổn định vẫn sẵn sàng bỏ tất cả ở Hà Nội để về quê, làm chồng và làm người đồng nghiệp “hỗ trợ” Liên trong những ngày đầu trung tâm mới thành lập… Những yêu thương đó chính là động lực để cô bé “hạt tiêu” tiếp tục làm việc say mê, phấn đấu không mệt mỏi để lập nghiệp theo cách riêng của mình.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP