Giáo dục

Khó mua máy tính để con học online, phụ huynh "hoa mắt" vì giá cao

Hàng chục nghìn học sinh ở TPHCM chưa có thiết bị học online. Việc sắm máy tính cho con trở thành vấn đề nan giải với rất nhiều gia đình.

"Hoa mắt" vì giá, mua được cũng phải... chờ

Con bước vào năm học mới và đứng trước khả năng học online ít nhất hết học kỳ 1, những ngày qua, nhiều phụ huynh tại TPHCM sốt sắng tìm mua trang thiết bị cho con học tập. Vậy nhưng, mua thiết bị công nghệ phục vụ cho việc học lúc này là cả vấn đề.

Phụ huynh tham khảo mua máy tính cho con học online

Xác định việc học online kéo dài, con không thể "ké" điện thoại của mẹ mãi, chị Nguyễn Thị Trinh, có con học tiểu học ở quận Tân Bình, TPHCM quyết định tìm mua máy tính để con học online.

Chị ráng hết sức, dự trù tài chính cao nhất có thể bỏ ra là 15 triệu đồng. Chị tham khảo ở nhiều cửa hàng nhưng lo lắng khi nơi đâu cũng báo dòng máy dưới 15 triệu hết hàng, hầu như chỉ có loại trên 20 triệu đồng, vượt quá điều kiện của gia đình.

Khi người mẹ đang lăn tăn thì được người quen giới thiệu mua loại máy cũ giá 10 triệu đồng. Để có máy cho con, vừa giảm áp lực cho mẹ, chị "chốt" phương án mua máy cũ.

"Mình cũng không thể trực tiếp chọn, thử, họ đưa vài dòng rồi mình quyết. Và cũng phải chờ sau 15/9 bên bán mới có thể giao được hàng", chị Trinh cho biết.

Chị cho rằng may mắn nhà còn xoay xở được, chứ tin chắc nhiều gia đình khó khăn, nhất là có 2 - 3 đi con học lúc thì lo nổi miếng ăn giai đoạn này còn khó, việc sắm thiết bị học tập cho các cháu phải nói là chuyện không thể.

Anh Nguyễn Thanh Phong, ở Thủ Đức cho biết đã liên hệ đến 4 tiệm tìm dòng laptop trong mức giá 10-15 triệu nhưng đều không có hàng. Có một vài máy dòng cũ dưới 10 triệu rất khó đáp ứng nổi cho con học online.

Không có lựa chọn, cuối cùng, anh Phong chấp nhận mua máy gần 21 triệu đồng, trả góp trong 18 tháng. Vậy nhưng, mua được cũng chưa biết ngày nào nhận được hàng.

"Cửa hàng thông báo chưa giao được, không hẹn ngày giao, chỉ biết sau 15/9 chờ thông báo mới. Trong khi 6/9 này cháu sẽ học chính thức", ông bố thở dài.

Gian nan thiết bị học tập

Từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu làm việc tại nhà, thêm thời điểm năm học mới học sinh học online, đã đẩy thị trường laptop tăng chóng mặt, cung không đáp ứng đủ cầu.

Đại diện một hệ thống phân phối máy tính khẳng định, giá bán trung bình của các mẫu laptop đồng loạt tăng cao, thậm chí giá điều chỉnh theo tuần và lúc này người mua không có nhiều lựa chọn.

Nhu cầu máy tính trong phân khúc 10 - 13 triệu tăng mạnh nhất do phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh nhưng phân khúc này lại khan hiếm nhất do tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, phụ kiện.

Tại thị trường TPHCM, nhu cầu mua máy tính tăng vọt nhưng còn khó khăn hơn do việc giao hàng đang bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.

Nhiều học sinh ở TPHCM chưa có thiết bị để học online

Tại chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" mới đây về lĩnh vực giáo dục, vấn đề hàng điện tử, thiết bị máy tính phục vụ cho học tập không giao được do quy định giãn cách tại TPHCM được đặt ra nhưng cũng chưa có lời giải đáp.

Theo các nhà quản lý giáo dục, điều đáng lo nhất trong dạy học online xuất phát từ thiết bị học tập. Điều này sẽ càng tạo khoảng cách lớn, kéo theo bất bình đẳng trong giáo dục.

Thống kê ban đầu của Sở GD-ĐT TPHCM, bậc tiểu học có hơn 57.000 học sinh, trong tổng số hơn 600.000 học sinh không có điều kiện học tập trên Internet.

Ở bậc trung học từ lớp 6 đến lớp 12, có hơn 17.000 học sinh trong tổng số gần 700.000 học không có thiết bị, không có đường truyền Internet để học online.

Một số trường học ở TPHCM cũng đang đẩy mạnh hoạt động kêu gọi ủng hộ điện thoại cũ, máy tính cũ để khắc phục tình trạng học sinh không có thiết bị học tập.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, trường nào cũng sẽ có trường hợp học sinh không có thiết bị để học tập online, kể cả các trường ở trung tâm. Lúc này, rất cần sự ủng hộ, chia sẻ từ tất cả mọi người để giúp học sinh có thiết bị thiết bị học tập.

Sở GD-ĐT cũng đề nghị các đơn vị cung ứng đường truyền hỗ trợ học sinh các vùng ngoại thành khó khăn

Trong trường hợp đã làm mọi cách, học sinh vẫn không có phương tiện để học, Sở GD-ĐT TPHCM khắc phục bằng phương án kết hợp với Đài truyền hình TPHCM để thực hiện ghi hình các tiết giảng của các giáo viên có kinh nghiệm, phát sóng trên kênh truyền hình để cả phụ huynh lẫn học sinh đều có thể theo dõi và tự học.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP