Giáo dục

Khi phụ huynh dạy con giải quyết xung đột bằng bạo lực?

Chẳng lẽ người mẹ ấy dạy con: "Nếu thấy bức xúc thì không cần biết phải trái thế nào, cứ lao vào dùng nắm đấm, dùng bạo lực để xử lý?".

Trên đây là ý kiến của chuyên gia tâm lý đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, về việc hai học sinh lớp 3 trêu đùa, cắn nhau ở Trường tiểu học Làng Sen (Nghệ An). Một phụ huynh bị tố đến nhà, tát vào mặt cháu bé đã cắn con mình.

Không lẽ dạy xử lý xung đột bằng bạo lực?

Theo phản ánh của gia đình, phụ huynh này không những tát mà còn sử dụng nhiều lời lẽ thô tục với cháu T.H.Đ (lớp 3B, Trường tiểu học Làng Sen), chỉ vì học sinh này đùa nhau và cắn con chị.

Theo chuyên gia tâm lý trên, việc phụ huynh lao đến giải quyết xung đột thay con là việc làm phản giáo dục, để lại ấn tượng tiêu cực trong suy nghĩ non nớt của những đứa trẻ, ít nhiều tác động tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của các con về sau.

Chuyên gia này cũng phản đối việc phụ huynh dùng nắm đấm, bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cho con mình, chưa kể đèo con đến tận nhà để tát bạn học của con.

Chị băn khoăn, không hiểu phụ huynh này định giáo dục điều gì cho con sau cái tát và lời lẽ thô tục với bạn của con?

Chẳng lẽ người mẹ ấy dạy con: Nếu thấy bức xúc thì không cần biết phải trái thế nào, cứ lao vào dùng nắm đấm, dùng bạo lực để xử lý?

Phần cổ và má của cháu Đ. đỏ tấy in hình ngón tay. Đây được cho là dấu vết do bị mẹ cháu Tr. tát (Ảnh: gia đình cung cấp).

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường ĐHKH Giáo dục ĐHQG Hà Nội) cũng bức xúc với cách hành xử của phụ huynh trên.

Ông cho rằng, vụ việc xảy ra là một hiện thực buồn thể hiện cả năng lực nhận thức, thái độ và kỹ năng của một bộ phận phụ huynh về phương pháp giáo dục tích cực, kiểm soát cảm xúc bản thân, kiến thức pháp luật về quyền trẻ em..., đều kém, dẫu đã có rất nhiều những hoạt động bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực học đường được triển khai thực hiện.

PGS Trần Thành Nam cũng cho rằng, phụ huynh trên đã có hành vi xâm phạm quyền trẻ em.

Do đó, bên cạnh những hình thức xử lý theo quy định, cần yêu cầu bắt buộc phụ huynh phải tham gia một lớp học về quản lý cảm xúc và kỷ luật tích cực để biết cách hành xử đúng với trẻ em.

"Nhiều người cho rằng, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Qua sự việc trên đây, tôi cho rằng, phụ huynh không thể dạy con xử lý vấn đề bằng nắm đấm.

Điều khó khăn nhất, không thể ngày một ngày hai có thể thay đổi tư tưởng cho những phụ huynh như thế này", PGS Thành Nam chia sẻ.

Giáo viên cần nghiệp vụ bảo vệ học sinh

Cũng theo PGS Trần Thành Nam, trong câu chuyện này rõ ràng phụ huynh sai. Thế nhưng sau vụ việc này, có những bài học mà giáo viên cần rút ra để bảo vệ học sinh trước mọi nguy cơ trong đó có cả nguy cơ từ phía "phụ huynh".

Theo phân tích của chuyên gia này, những hành vi đùa vui, cắn nhau thường rất phổ biến ở bậc học mẫu giáo và tiểu học.

"Hãy thử hình dung xem, các cô lớp mẫu giáo thường phản ứng thế nào. Trong giờ trả trẻ, các cô sẽ dành chút thời gian để trao đổi về những gì đã xảy ra trên lớp. Nói tình hình của các con một cách khách quan, chia sẻ những gì cô đã làm để giải quyết sự việc với phụ huynh.

Và tôi nghĩ rằng, nếu người giáo viên ở lớp cháu T.H.Đ, trong tình huống này thực hiện đúng như vậy, câu chuyện có thể đã khác", PGS Thành Nam khẳng định.

Cũng theo chuyên gia Trần Thành Nam, thông thường, trong chương trình đào tạo, giáo viên luôn có học phần "Thực hành ứng xử sư phạm", trong đó yêu cầu giáo viên cần thực hiện một số bước sau xung đột giữa học sinh với nhau.

Cụ thể, giáo viên thu thập thông tin lắng nghe câu chuyện từ cả 2 phía. Yêu cầu mỗi bên nói rõ quan điểm của mình và xem hành vi đó đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Hướng các em suy nghĩ để tìm ra những ý kiến trung hòa, phương án để mỗi bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn.

Bước tiếp theo, giáo viên ghi lại tất cả các nội dung. Trao đổi với phụ huynh về các nội dung mâu thuẫn và phương án đã giải quyết.

Trường hợp không gặp trực tiếp phụ huynh, giáo viên sẽ viết hoặc chụp lại nội dung các bạn trao đổi, phương án giải quyết, khuyến nghị cho phụ huynh kèm theo thư gửi cho con mang về nhà. Trong đó, giáo viên mở ra các cơ hội gặp gỡ nếu phụ huynh vẫn còn thấy không hài lòng.

Cách thức này ít nhất sẽ đảm bảo việc phụ huynh không hiểu sự việc theo cách phiến diện từ thông tin con trẻ báo cáo và được khuyến cáo những cách hành xử đúng đắn.

Vì vậy không chỉ có gia đình mà theo PGS Thành Nam, cả giáo viên phải rút kinh nghiệm, có hình thức xử lý mềm mại hơn.

Giáo viên phải thực sự tập trung vào đứa trẻ, có chuyện gì xảy ra ở lớp với học sinh, nhất định phải báo với gia đình để giải quyết ngay, nhất là cấp mầm non và tiểu học.

Tác giả: M. Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: dạy con ,bạo lực ,phụ huynh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP