Giáo dục

Khen thưởng giáo viên tại Nghệ An: Mỗi nơi một kiểu

Một số giáo viên tại Nghệ An phản ánh tiền thưởng lao động tiên tiến không tương ứng 0,3 lần mức lương cơ bản như quy định. Bên cạnh đó, giữa các trường trong cùng 1 địa phương có chênh lệch mức thưởng.

Giờ học của cô trò Trường Mầm non thị trấn Diễn Châu, Nghệ An.

Chênh lệch tiền thưởng Lao động tiên tiến

Điểm D Khoản 1 Điều 69 Nghị định 91/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” được thưởng 0,3 lần mức lương cơ sở tương đương với khoản tiền từ 390.000 đồng đến 480.000 đồng (theo sự thay đổi của mức lương cơ sở từ năm 2017 đến nay).

Tuy nhiên, một thầy giáo ở Bảo Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) thông tin, mấy năm liên tục, mức tiền thưởng Lao động tiên tiến chỉ 100 nghìn đồng. Theo giáo viên này, trong trường có 80% giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. “Số tiền thưởng theo quy định không nhiều, nhưng chúng tôi muốn rõ ràng, minh bạch. Với mức thưởng 100 nghìn đồng/người, không đủ 0,3 mức lương cơ sở, vậy số tiền còn lại dư ra chi vào chỗ nào”, thầy giáo nêu câu hỏi.

Tương tự một số thầy cô huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng phản ánh, những năm gần đây, giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến giữa các trường trên địa bàn nhận mức tiền thưởng chênh lệch nhau. Trong đó, Trường Tiểu học Diễn Kim chi trả 120.000 đồng/người, Trường Tiểu học Diễn An chi trả 200.000 đồng/người; Trường THCS Diễn Trung chi trả 150.000 đồng/người.

Từ năm học 2019 - 2020, huyện Diễn Châu khen thưởng cho GV đạt Lao động tiên tiến.

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Sánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho bết: Hằng năm, dự toán chi ngân sách của huyện có nguồn quỹ vì sự nghiệp giáo dục, dùng để chi trả cho các hoạt động trong ngành.

Đối với khen thưởng, huyện chỉ khen thưởng đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua trở lên hoặc người được giấy khen do Chủ tịch UBND huyện tặng. Còn khen thưởng danh hiệu Lao động tiên tiến, huyện giao cho các trường tự cân đối ngân sách trong nguồn chi thường xuyên hàng năm được cấp về cho nhà trường hoạt động. Cuối năm học, các nhà trường cân đối quỹ sau khi chi cho công tác chuyên môn, còn lại sẽ khen thưởng cho giáo viên. Vì thế mới có chuyện chênh lệch giữa các trường với nhau.

Cân đối chi tiêu, bảo đảm quyền lợi giáo viên

Theo ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành (Nghệ An), thưởng Lao động tiên tiến hằng năm cho giáo viên nằm trong nguồn chi thường xuyên đã được giao về cho nhà trường. Vì vậy, trách nhiệm này thuộc trường trong tiết kiệm chi tiêu ngân sách, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên.

Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) thông tin: “Qua xác minh phản ánh của giáo viên về việc thưởng Lao động tiên tiến không đủ 0,3 mức lương cơ sở là có thật. Vì vậy, chúng tôi tham mưu, đề xuất UBND huyện Diễn Châu trích quỹ sự nghiệp giáo dục để khen thưởng Lao động tiên tiến, bắt đầu từ năm học 2019 - 2020”.

Cụ thể, ngày 7/8, UBND huyện Diễn Châu có Công văn số 2570/QĐ-UBND Quyết định về việc tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” ngành GD-ĐT năm học 2019 - 2020. Trong đó, tặng danh hiệu “Tập thể Lao động tiên tiến” cho 45 đơn vị và danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho 3.214 cá nhân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Tổng kinh phí khen thưởng hơn 1,3 tỷ đồng. Hiện số tiền này đã cấp về cho các trường khen thưởng cho giáo viên năm học 2019 - 2020.

Ông Phạm Xuân Sánh cũng cho hay: Kinh phí khen thưởng trích từ nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục đào tạo của huyện Diễn Châu. Trong cùng 1 tổng, nếu chi cho khen thưởng nhiều, thì chi cho các hoạt động chuyên môn khác sẽ phải cắt bớt. Lãnh đạo huyện Diễn Châu cũng cho rằng, với hơn 3.100/4.000 giáo viên đạt Lao động tiên tiến, chiếm đến hơn 80% là tỷ lệ lớn. Trong thời gian tới, huyện sẽ làm việc với phòng GD&ĐT, nhà trường để xây dựng lại tiêu chí, tiêu chuẩn giáo viên đạt Lao động tiên tiến. Để người đạt danh hiệu này thực chất hơn, không đại trà như hiện nay.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP