Trong tỉnh

Khám phá ngôi đền linh thiêng 9 con trâu trên đỉnh núi

Ngôi đền linh thiêng có 9 con trâu được đúc bằng đá hướng lên ngôi nhà sàn lớn nằm trên đỉnh núi. Vào thời gian đầu hàng năm, lễ hội đền này thu hút hàng ngàn người về tham dự.

Đền có tên là “Tến xớ quái” (đền Hiến Trâu), nhưng vì có 9 gian nên đồng bào gọi là “tến cau hoong” (có nghĩa là đền Chín Gian), mỗi gian tượng trưng cho một mường: mường Tôn, mường Pắn, mường Chừn, mường Hin, mường Puộc, mường Quáng, mường Ha Quèn, mường Miểng, mường Chón.

Đền Chín Gian được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV tại Pú Chò Nhàng, gọi là Tến Pỏm (đền trên núi), thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong.

Trong tâm thức của đồng bào Thái vùng Phủ Quỳ thì đây là nơi hướng về trong tín ngưỡng tâm linh đối với Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ - người được coi là có công đầu trong việc khai mường, lập đất.

9 con trâu bằng đá được đặt trước thượng đền, trong đó một số con được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An cung tiến.

Cuối thế kỷ XVIII, đền được chuyển đến Pú Căm, thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim. Năm 1927, đền được tôn tạo lại bằng nhà sàn kê, có 4 hàng cột, chín gian bằng gỗ lim, lợp tôn. Từ năm 1927-2003, trải qua nhiều biến cố, đền bị xuống cấp và chỉ còn là phế tích. Năm 2004, đền được tôn tạo lại và đến năm 2008 được công nhận Di tích văn hóa cấp tỉnh. Năm 2016, nghi lễ hội Đền Chín Gian được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xếp vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vào dịp đầu các năm, UBND huyện Quế Phong, UBND xã Châu Kim thường tổ chức lễ hội tại ngôi đền linh thiêng này. Các nét văn hóa truyền thống được quy tụ, nổi bật trong những ngày tổ chức lễ hội đền này. Ngoài ra, vào những năm lễ hội lớn do cấp huyện tổ chức, phần hội ở lễ hội đền này còn có một số chương trình lớn, hấp dẫn như: thi thể thao, thi người đẹp Đền 9 Gian…

Trước đây lễ hội có sự tham gia của 9 mường người Thái trải rộng trên khắp các huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp ngày nay. Mỗi mường có một gian thờ riêng và đó cũng là nguồn gốc tên gọi của ngôi đền. Cứ 3 năm lại có 1 hội lớn vào tháng 8 âm lịch và các mường đều phải cúng tế trâu tại đền Chín Gian. Từ năm 2006, Lễ hội Đền Chín Gian với quy mô hoành tráng được tổ chức trở lại vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Đền Chín Gian gắn liền với những huyền thoại khai bản lập mường của người Thái ở miền núi Nghệ An. Đứng trên Đền 9 Gian có thể nhìn thấy được hệ thống ruộng bậc thang nối nhau trải dài lớp lớp. Xa xa là thị trấn Kim Sơn, trung tâm của huyện miền núi Quế Phong.

Trước thượng đền có chiếc cột chém trâu gắn liền với sự tích của đền. Cột chém trâu là nơi để thực hiện nghi thức chém trâu trong lễ hội đền hàng năm.

Lễ hội Đền Chín Gian là sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái phủ Quỳ Châu trước đây. Lễ hội gắn liền với lịch sử của ngôi đền Chín Gian (Tên Càu Hoòng) có từ thế kỷ thứ 14 (ảnh tư liệu)

Màn rước trâu trong lễ hội Đền 9 Gian. (ảnh tư liệu)

ắm trâu được xem là một trong những nghi thức độc đáo trong lễ hội Đền 9 Gian. Ngoài ra còn rất nhiều nghi thức độc đáo trong phần lễ của lễ hội Đền 9 Gian (ảnh tư liệu)

Lễ hội Đền còn là nơi gặp gỡ, giao thoa các nền văn hóa (ảnh tư liệu)

Các trò chơi dân gian cũng được tổ chức tại các lễ hội đền. (ảnh tư liệu)

Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Do tình hình dịch bệnh Covid – 19 phức tạp nên chúng tôi không tổ chức phần hội đền, riêng phần lễ vẫn được triển khai trong quy mô nội bộ. Hiện nay, huyện Quế Phong đang triển khai chuỗi các điểm du lịch ở trên địa bàn huyện trong đó có Đền 9 Gian tại xã Châu Kim./.

Tác giả: Hồ Phương

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP