Kinh tế

Khách đến ngân hàng bị 'chào mời', thậm chí 'ép' mua bảo hiểm?

Sau khi ồ ạt ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với các công ty bảo hiểm lớn, các ngân hàng (NH) cũng chạy đua "săn" khách hàng mua bảo hiểm nhằm gia tăng nguồn thu phí, bù đắp cho tín dụng tăng thấp những tháng đầu năm nay.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh việc bán bảo hiểm để tăng nguồn thu ngoài lãi, bù đắp cho tín dụng tăng thấp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều khách hàng cho biết khi đến NH gửi tiết kiệm thường xuyên được nhân viên chào mời, thậm chí "ép" mua bảo hiểm nhân thọ. Trong khi các nhân viên NH phải tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu doanh số bán bảo hiểm đã được giao, nhiều khách hàng cho biết đã bị "bao vây" bởi đủ loại bảo hiểm khi đặt chân đến NH để vay vốn hay gửi tiết kiệm.

"Tiết kiệm thông minh"

Giữa tháng 8-2020 vừa qua, khi đến chi nhánh một NH trong nhóm "Big 4" để giao dịch, chị Vân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) khá bất ngờ khi trên bàn, chỗ khách hàng ngồi ký chứng từ, xuất hiện một bảng lớn so sánh giữa hình thức "tiết kiệm truyền thống" và "tiết kiệm thông minh".

Cụ thể, với "tiết kiệm truyền thống", một người tiết kiệm 82.000 đồng/ngày sẽ tích lũy được 30 triệu đồng/năm và sau 15 năm sẽ có 450 triệu đồng cùng tiền lãi. Nếu "tiết kiệm thông minh" với số tiền tương tự, ngoài số tiền tích lũy được như tiết kiệm thông thường, khách còn được hưởng nhiều quyền lợi khác như được thanh toán tối thiểu 500.000 đồng/ngày khi nằm viện, bệnh hiểm nghèo hoặc tai nạn được bồi thường hàng trăm triệu đồng...

Ngoài bảng so sánh như trên, anh Thanh Tùng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết một NH khác còn thòng thêm câu "đây là sản phẩm bảo vệ bạn trước muôn vàn rủi ro trong cuộc sống mà ông bà ta thường nói là "trời kêu ai nấy dạ". "Trước đây, khi vay vốn mua căn hộ chung cư, tôi cũng phải mua bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm nhân thọ, giờ đi gửi tiền cũng được chào mua đủ thứ bảo hiểm. Tôi có cảm giác như bị bao vây bởi... bảo hiểm", anh Tùng nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cái gọi là "tiết kiệm thông minh" thực chất là sản phẩm bảo hiểm kết hợp "3 trong 1" gồm bảo vệ, tích lũy và đầu tư. Nếu khách hàng tham gia sẽ phải cam kết lâu dài, thường là khoảng 15 năm. Có NH quy định nếu ngưng sau một năm đầu sẽ mất ít nhất 50% số tiền đã đóng. Thậm chí, tại một số NH, nếu khách kết thúc hợp đồng sau năm đầu tiên sẽ chỉ được khoảng... 20% số tiền đã đóng.

Trên thực tế, không phải khách hàng nào tham gia sản phẩm này cũng nắm được "luật chơi" hoặc biết được các ngóc ngách để hỏi tường tận nhân viên NH, chưa kể nhiều nhân viên tư vấn không nói rõ khiến khách hàng nhầm tưởng giống như gửi tiết kiệm và có thể rút tiền bất cứ lúc nào có nhu cầu.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo NH, phần lớn số tiền mà khách đóng trong năm đầu sẽ được phân bổ vào phí bảo hiểm, trả hoa hồng cho nhân viên, tái bảo hiểm... Nếu chấm dứt sau 1 năm tham gia, khách hàng sẽ mất phần lớn số tiền đã đóng. "Do vậy, nếu chọn sản phẩm "tiết kiệm thông minh", khách hàng phải tính toán kỹ khả năng tài chính trong một thời gian dài vì quá trình tham gia rất lâu", vị này khuyến cáo.

Nhân viên ngân hàng thêm việc bán bảo hiểm?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, doanh số bán bảo hiểm tại các NH đã tăng mạnh trong thời gian qua bất chấp dịch bệnh. Số liệu thống kê từ các NH cho thấy trong tháng 7 vừa qua, doanh số bán bảo hiểm của SCB lên đến 164 tỉ đồng, đứng đầu thị trường. Tiếp theo là VIB với 155 tỉ đồng, đứng các vị trí tiếp theo là ACB, MB và Techcombank với mức từ 90 tỉ đồng/tháng trở lên.

Cũng theo số liệu này, lũy kế trong 6 tháng đầu năm, doanh số bán bảo hiểm qua VIB đạt hơn 700 tỉ đồng, dẫn đầu thị trường; MB xếp thứ hai, với hơn 520 tỉ đồng. Sau 4 năm, doanh số bán bảo hiểm của một số NH đã tăng... 1.000 - 2.700 lần, phần lớn đến từ khách hàng gửi tiền.

Các NH cũng dồn dập tuyển dụng nhân sự để bán bảo hiểm. Chẳng hạn, Techcombank đã đào tạo gần 4.000 cán bộ, nhân viên tư vấn bán bảo hiểm. Một số NH lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng đăng tuyển hàng trăm chỉ tiêu để phục vụ cho dịch vụ bán chéo các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Đặt kỳ vọng cao vào mảng bảo hiểm, chỉ tiêu được nhiều NH giao xuống các chi nhánh rất cao, đến lượt các chi nhánh lại "ép" chỉ tiêu xuống các phòng giao dịch rồi chia bình quân cho các nhân viên. Để đạt chỉ tiêu được giao, các nhân viên tư vấn cũng tìm cách bán cho được bảo hiểm thay vì tư vấn đầy đủ cho khách hàng.

Do vậy, đã có không ít vụ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa khách với NH liên quan đến bảo hiểm. Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, một khách hàng ở Q.Gò Vấp vay mua xe trả góp đã "tố" NH ép ông phải mua bảo hiểm xe của công ty bảo hiểm liên kết với NH, trong khi trước đó ông này đã mua bảo hiểm của hãng khác.

Do vị khách này không đồng ý nên NH chỉ cấp giấy xác nhận thế chấp (dùng thay đăng ký xe) thời hạn... 3 ngày/lần, khiến xe ông không thể đi xa được vì cứ 3 ngày là phải xin giấy mới. Tuy nhiên, phía NH lại phủ nhận thông tin này và cho biết không có chuyện bắt chẹt khách hàng.

Việc cấp giấy xác nhận với thời hạn 3 ngày, theo NH này, là do bảo hiểm của xe chỉ còn 3 ngày là hết hạn. NH này cũng cho biết đã trình ngoại lệ để khách hàng có thể mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm không liên kết nhưng bị hết hạn mức chứ NH vẫn tạo điều kiện cho khách hàng!

Từng cảnh báo "bán bia kèm lạc"

Trước đó, NH Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An từng có công văn chấn chỉnh tình trạng "bán bia kèm lạc", trong đó khẳng định sẽ thanh tra, kiểm tra chuyện NH "ép" khách vay mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan. NH nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Theo cơ quan quản lý, trên địa bàn Long An đã xảy ra tình trạng khách hàng khi đến làm hồ sơ, thủ tục vay tiền thường bị NH thương mại "ép" phải mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ... Nếu không chấp nhận mua thêm các loại bảo hiểm này, khách hàng sẽ không được duyệt hồ sơ vay tiền hoặc bị trì hoãn duyệt hồ sơ và giải ngân.

Tác giả: ÁNH HỒNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP