Trong nước

Kết luận 14 của Bộ Chính trị: Tấm khiên bảo vệ cán bộ '6 dám'

Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung sẽ giúp họ an tâm hơn trong quá trình thí điểm những sáng tạo, đột phá, bà Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương, nhận định.

Cán bộ “6 dám” là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

Viện Khoa học tổ chức, cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương là một trong những đơn vị tham gia vào Đề án “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Viện trưởng Trần Thị Minh cho biết, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hệ thống văn bản của Đảng lại chưa có quy định nào để bảo vệ những đổi mới, đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong khi đó, đổi mới, sáng tạo luôn là những việc khó, việc mới, chưa từng có tiền lệ nên khi khai phá, thực hiện, có thể kết quả không đạt được như mong muốn. Do vậy, kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có ý nghĩa rất quan trọng.

“Những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải là những người nâng đỡ cho đổi mới, sáng tạo, chứ lúc nào cũng giữ mình cho an toàn thì khó mà phát huy hiệu quả”.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Kết luận nêu rõ, những đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. “Như thế, không gian mở ra cho những thí điểm đột phá, sáng tạo là rất lớn để tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn”, bà Minh nói.

Kết luận của Bộ Chính trị đề ra cơ chế kiểm tra, giám sát theo nhiều cấp độ. Trước hết, việc kiểm tra, giám sát phải hướng đến phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó là phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. “Với quy định này thì các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ có trách nhiệm bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, nếu trong quá trình thực hiện gặp rủi ro hoặc kết quả đạt được chưa như mong muốn”, bà Minh nói.

Khó đổi mới nếu lãnh đạo thích “nhiệm kỳ an toàn”

Ủng hộ kết luận của Bộ Chính trị, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, nói rằng, những người thông minh, giỏi giang thường khát khao làm những điều mới mẻ, có tính chất mở đường, khai phá, tạo ra những đột phá, làm lợi cho cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước. Song thực tiễn cho thấy, quá trình khai phá, mở đường đột phá luôn có những rủi ro nhất định, nên việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 sẽ giúp đội ngũ cán bộ yên tâm hơn.

Ông Thưởng cho rằng, để quy định trên phát huy hiệu quả, muốn có nhiều đổi mới, sáng tạo thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải là người đổi mới, sáng tạo. Ông phân tích, theo kết luận của Bộ Chính trị, những đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác, và phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó bảo thủ, trì trệ, chỉ muốn nhiệm kỳ của mình an toàn thì có khi lại không dám thực hiện thí điểm đổi mới, sáng tạo. Ông Thưởng cho rằng, khi xếp loại, xem xét đánh giá thi đua hằng năm, cấp ủy phải chú ý đến việc cơ quan, đơn vị đã chắp cánh cho bao nhiêu thí điểm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng, kết luận của Bộ Chính trị là rất đúng, song nếu không hướng dẫn rõ thì cũng ít ai dám làm, dám đổi mới, dám đột phá sáng tạo. “Để chủ trương trên phát huy hiệu quả, trước hết, những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải là những người nâng đỡ cho đổi mới, sáng tạo, chứ lúc nào cũng giữ mình cho an toàn thì khó mà phát huy hiệu quả”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thời gian qua, khi Đảng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những vi phạm thì đâu đó có xu hướng co lại, không dám đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nay, Đảng công khai ủng hộ và bảo vệ những người sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm nên chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý, đối với những lực lượng có trách nhiệm trong kiểm tra giám sát, điều tra, thanh tra khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo thẩm quyền phải chú trọng bảo vệ những đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung. Nếu máy móc, nhìn nhầm sự đổi mới, sáng tạo thành làm sai quy định thì sẽ triệt tiêu sáng tạo, đổi mới. Ông Hùng cũng cho rằng, khi bố trí đội ngũ cán bộ, cần chú trọng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả như nội dung kết luận của Bộ Chính trị.

Tác giả: Văn Kiên

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP