Kinh tế

Kế hoạch 1,5 tỷ USD, tham vọng của ông lớn số 1 ngân hàng Việt

Các kế hoạch đặt ra khá thận trọng nhưng cuộc đua trong lĩnh vực ngân hàng thực sự ngày càng nóng với các mốc tỷ USD đã được đặt ra và sự xuất hiện của phú tỷ phú USD người Việt đầu trong lĩnh vực này.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên với kế hoạch lợi nhuận năm 2019 tăng 12% so với năm trước lên 20.500 tỷ đồng.

Đây là một kế hoạch tăng trưởng khá thận trọng khi so sánh với mức tăng trên 60% trong năm 2018 nhưng cũng giúp Vietcombank vươn tới mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.

Điều đáng nói là tham vọng của Vietcombank là rất lớn. Theo Phương án cơ cấu lại VCB đến năm 2020 đã được NHNN phê duyệt là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam. Theo đó, Vietcombank sẽ trở thành 1 trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Dự kiến đến năm 2025, Vietcombank sẽ đạt tổng tài sản ở mức 100 tỷ USD, lợi nhuận 1,5 tỷ USD, sẽ nằm trong top khu vực và thế giới.

Không phải chỉ Vietcombank mà nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra kế hoạch thận trọng trong năm 2019, hầu hết thấp hơn so với tăng trưởng trong năm 2018. Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với mức 33% trong năm trước. VPBank của ông Ngô Chí Dũng đặt mục tiêu tăng trưởng dưới 5%, so với mức 13% trong năm 2018.

Ngân hàng HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận chưa bằng 50% so với năm trước…

Sở dĩ các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng thận trọng là bởi tín dụng bị thắt chặt, thị trường bất động sản không còn bùng nổ như trong các năm trước, thế giới tiềm ẩn nhiều sự bất ổn và khó đoán định…

Các tỷ phú Việt gia tăng hiện diện, nhiều người tham gia vào lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, trong kế hoạch dài hạn hầu hết các ngân hàng đều rất tham vọng. Cuộc đua giữa các ông lớn Nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV và với các ông lớn tư nhân như Techcombank… đang diễn ra khốc liệt.

Trong năm 2019, dù thị trường có nhiều yếu tố khó đoán định, Vietcombank định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, chú trọng tăng trưởng cao ngay từ đầu năm để tăng hiệu quả và tạo dư địa cơ cấu danh mục trong năm. Ngoài ra, VCB sẽ chủ động thanh khoản và tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 15% nếu được NHNN giao.

Tăng trưởng huy động vốn ở mức 11-13% và sẽ tăng tỷ lệ sử dụng vốn (tín dụng, trái phiếu TCTD) lên mức 85% - 87%. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 1%; tỷ lệ nợ nhóm 2 dưới 1,5%. Mục tiêu thu hồi nợ ngoại bảng trên 3.000 tỉ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu ngân hàng gần đây chịu áp lực giảm sau một vài tháng tăng khá mạnh. Nhiều cổ phiếu ở vùng đáy 6 tháng như Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh, HDBank của bà Phương Thảo hay VPBank của đại gia khởi nghiệp Đông Âu Ngô Chí Dũng. Cổ phiếu Vietcombank cũng giảm liên tiếp trong vài phiên gần đây nhưng vẫn giữ được nhịp tăng trong 6 tháng.

Nhiều nhóm cổ phiếu khác nóng trước đó gần đây cũng quay đầu giảm như nhóm thủy sản, nhóm bất động sản và vật liệu xây dựng quy mô nhỏ. Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh, Thủy sản ACL, Quốc Cường Gia Lai nhà Cường đô la, Tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ… đều giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng cũng giảm và ảnh hưởng tới thị trường.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo SHS, cú hồi kỹ thuật không thể qua nổi kháng cự gần nhất tại 980 điểm đã khiến cho bên mua trở nên thận trọng hơn. Trong thời gian gần đây, thanh khoản trong những phiên giảm luôn nhỉnh hơn trong các phiên tăng và đây thường là dấu hiệu không tốt đối với thị trường. Khối ngoại tiếp tục mua ròng nhưng điều này cũng không đủ để cải thiện tâm lý thị trường.

Dự báo, trong phiên giao dịch 18/4, VN-Index có thể tiếp tục đà giảm với ngưỡng hỗ trợ tại 965 điểm (đường viền cổ - neckline) và ngưỡng kháng cự tại 980 điểm (MA20-50). SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục hạn chế mua vào trong giai đoạn này và chỉ nên tận dụng những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/4, VN-Index giảm 5,07 điểm xuống 972,7 điểm; HNX-Index giảm 0,68 điểm xuống 106,43 điểm. Upcom-Index giảm 0,16 điểm xuống 56,37 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 4,8 tỷ đồng.

Tác giả: H. Tú

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP