Trong tỉnh

Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An): Người dân mong mỏi có cầu cứng nối 2 bờ Nậm Mộ

Gần 10.000 người dân của 6 xã phía Bắc sông Nậm Mộ, gồm: Hữu Kiệm, Hữu Lập, Bảo Nam, Bảo Thắng, Chiêu Lưu và Mường Lống của huyện vùng cao Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) mong sớm có cầu cứng nối 2 bờ sông Nậm Mộ, đáp ứng nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn

Nậm Mộ là một trong 2 nhánh sông chính của sông Lam. Nậm Mộ chủ yếu chạy qua địa bàn 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, trong đó đoạn qua huyện Kỳ Sơn có chiều dài gần 80km, chia cắt 6 xã và 1 thị trấn, gồm: Các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Hữu Lập, Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải và thị trấn Mường Xén, sông chia diện tích tự nhiên của huyện Kỳ Sơn thành 2 bờ Bắc và Nam.

Để giúp người dân giao thông hàng hóa thuận lợi, từ năm 1984 đến nay, tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 3 cầu treo qua sông Nậm Mộ, tại xã Chiêu Lưu và Hữu Lập. Đây là những điểm nút giao thông quan trọng của huyện miền núi 30a Kỳ Sơn trong việc kết nối từ quốc lộ 7 đi các xã phía Bắc của huyện các Hữu Lập, Hữu Kiệm, Bảo Nam, Bảo Thắng và một số bản của xã Mường Lống. Nhưng do quá trình sử dụng khá lâu năm, nhiều cầu đã xuống cấp, không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một lớn của người dân.

Chủ tịch UBND xã Bảo Nam Moong Văn Chăn cho biết: Bảo Nam là xã nghèo, khó khăn của huyện, có khoảng 63% hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Gần đây, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà cửa, phát triển kinh tế của địa phương ngày một tăng, trong khi đó việc vận chuyển, thông thương nông sản, trâu bò, hàng hóa thiết yếu, vật liệu xây dựng… ra vào địa bàn gặp khó, do điểm nghẽn giao thông tại cầu treo đã xuống cấp, xe vận tải có tải trọng lớn không đi qua được. Giá cước vận chuyển ra vào xã khá cao so các địa phương khác nằm dọc Quốc lộ 7. Đây cũng là tình trạng chung của các xã phía Bắc Kỳ Sơn, nằm ở tả ngạn sông Nậm Mộ, nơi có phần nhiều bà con các dân tốc thiểu số sinh sống.

Theo ông Văn Công, Trưởng bản Na Lượng 1 (xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn), hiện bản có 187 hộ dân sống dọc 2 bên quốc lộ 7A, phía Nam sông Nậm Mộ. Ngoài ra, 20 hộ cùng 2/3 diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân lại nằm phía tả ngạn sông Nậm Mộ. Để canh tác, nhiều người dân phải đi vòng xuống hoặc chọn thời điểm nước sông Nậm Mộ cạn dòng khi các lòng hồ thủy điện tích nước mới qua sông nên việc đi lại của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa lũ.

Đây là đoạn sông Nậm Mộ được Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An quy hoạch xây dựng cầu cứng từ năm 2010. Nhưng đến nay cầu vẫn chưa được khởi công


Tại thị trấn Mường Xén - trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện vùng cao Kỳ Sơn, do diện tích đất ở khá chật hẹp, người dân chủ yếu sinh sống tập trung dọc quốc lộ 7A, trong khi nhu cầu quỹ đất để xây dựng nhà ở ngày càng lớn, việc quy hoạch mở rộng thị trấn Mường Xén rất cấp thiết.

Ông Lương Văn Biên, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Xén cho biết: Năm 2011, cầu treo qua sông Nậm Mộ tại khối 4 thị trấn Mường Xén bị lũ cuốn trôi, sau đó được đầu tư xây dựng cầu cứng thay thế, giúp người dân đi lại thuận lợi. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, các hạ tầng giao thông được xây dựng trước đây đã quá tải so với lượng phương tiện lưu thông và nhu cầu phát triển của thị trấn Mường Xén.

Quốc Lộ 7A là trục đường chính kết nối các địa phương khác với Kỳ Sơn và Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, cửa ngõ chính xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Lào, hàng ngày lưu lượng giao thông qua lại khá đông đúc, nhất là phương tiện có tải trọng lớn.

Trong khi đó, quốc lộ 7A đoạn qua thị trấn Mường Xén chỉ có 2 làn đường nên việc thường xuyên ách tắc đoạn đi qua thị trấn Mường Xén. Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh, để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông trong vùng phía Bắc huyện, cũng như mở rộng thị trấn Mường Xén và kết nối thị trấn với các địa phương khác, đẩy mạnh, liên kết phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn, việc đầu tư thêm các cây cầu mới bằng bê tông thay thế các cầu treo cũ, đã xuống cấp là hết sức cấp bách và cần thiết.

Tác giả: Ngọc Minh

Nguồn tin: Báo Dân Sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP