Pháp luật

Hứa Thị Phấn 'phù phép' đẩy nợ khống hơn 5.000 tỷ lên đầu khách hàng

Thấy Công ty CP Phương Trang có nhu cầu vay vốn, Hứa Thị Phấn đã ép công ty này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân, chứng từ nhận tiền mặt rồi “phù phép” đẩy dư nợ khống hơn 5 ngàn tỷ đồng cho Phương Trang.

Theo lịch xét xử, ngày 8/5 tới đây, TAND TP.HCM sẽ đưa vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB) do đại gia Hứa Thị Phấn (còn gọi là Sáu Phấn) cầm đầu.

Cùng bị đưa ra xét xử còn có 27 đồng phạm giúp sức cho bà Sáu Phấn.

Theo điều tra, lợi dụng việc việc nắm giữ hơn 84% vốn điều lệ, là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, Hứa Thị Phấn đã thông qua Lâm Kim Dũng, Bùi Thị Kim Loan và Ngô Kim Huệ, chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (công ty không có chức năng thẩm định giá) tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị can Phấn lên 1.268 tỉ đồng (cao gấp 8 lần giá trị trường).

Hứa Thị Phấn còn chỉ đạo Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng rồi bán cho TrustBank, chiếm đoạt hơn 1.105 tỉ đồng.

Hứa Thị Phấn đang điều trị trong bệnh viện

Về hành vi hạch toán thu chi khống vi phạm các quy định của pháp luật, Hứa Thị Phấn đã thâu tóm, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang.

Bà Hứa Thị Phấn còn chỉ đạo một số công nhân viên của ngân hàng Đại Tín thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hoạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch, hoạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục...để lấy và sử dụng bất hợp pháp tổng số tiền hơn 5.256 tỉ đồng.

Đặc biệt, trong vụ án này Công ty CP đầu tư Phương Trang (bên có quyền lợi liên quan đến vụ án) vô tình trở thành “con rối” trong tay của Hứa Thị Phấn.

Theo số liệu do Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín) cung cấp, từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, TrustBank Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang đã giải ngân cho Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác với tổng số tiền trên sổ sách là 16.486 tỉ đồng.

Năm 2010, do cần nguồn vốn lớn để mở rộng kinh doanh, lãnh đạo Công ty Phương Trang đã đến Ngân hàng Đại Tín đề nghị vay tiền.

Thấy Phương Trang có nhiều bất động sản dùng làm tài sản bảo đảm, bà Phấn chỉ đạo cấp dưới buộc công ty này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt.

Số tiền Công ty Phương Trang vay của Ngân hàng Đại Tín thể hiện trên hồ sơ ký trước - giải ngân sau là 9.402 tỉ đồng. Tuy nhiên, NH Đại Tín chỉ giải ngân cho bên vay 3.936,996 tỉ đồng; 5.465,004 tỉ đồng còn lại, bà Phấn lấy sử dụng (hơn 5.250 tỉ đồng) mà không hề giải ngân cho Công ty Phương Trang.

Để che giấu hành vi phạm tội, Sáu Phấn đã chỉ đạo nhiều cán bộ, nhân viên lập các chứng từ chi khống cấn trừ với các chứng từ thu khống nhằm không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán; khi phê duyệt hồ sơ vay không hề báo cho Công ty Phương Trang. Thủ đoạn giao dịch ảo và hạch toán khống được các nhân viên của Ngân hàng Đại Tín thực hiện trên hệ thống SmartBank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục.

Bằng thủ đoạn đó, Hứa Thị Phấn đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang qua các khoản vay với tổng số tiền hơn 5.250 tỉ đồng.

Về phía Phương Trang, tính đến ngày 15/11/2017, theo sổ sách tại Ngân hàng CB, công ty này còn dư nợ gốc của 46 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu là 9.402 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết luận điều tra và cáo trạng đã khẳng định "Trong số dư nợ nêu trên, Công ty Phương Trang chỉ thực nhận 3.936,996 tỉ đồng và phải có trách nhiệm tất toán khoản này cho ngân hàng cùng lãi phát sinh".

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP