Xã hội

Hợp pháp hóa mại dâm có đem lại lợi ích?

"Hợp pháp hóa về mại dâm sẽ giúp dịch vụ y tế thân thiện ra đời và hoạt động tốt chứ không “lấp ló” như bây giờ" - ông Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, cho biết.

Tuần qua, vấn đề “Có thừa nhận mại dâm là hợp pháp, có coi mại dâm là một nghề hay không?” được nêu ra tại hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức.

Tại hội thảo, TS Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, trong những năm qua, tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), do chế tài xử phạt với hoạt động mại dâm hiện hành chưa đủ sức răn đe. Thậm chí có chế tài thiếu tính khả thi, không công bằng, như chưa có chế tài rõ ràng xử lý người mua dâm.

“Dù thế nào, chúng ta vẫn phải thừa nhận mại dâm luôn hiện hữu trong xã hội. Người hoạt động mại dâm có quyền được sống bình đẳng, đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội như chăm sóc y tế, giáo dục…”, ông Thành nói.

Do đó, các giải pháp cho vấn đề mại dâm cần đạt mục tiêu tôn trọng quyền cơ bản của con người và giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra với người bán dâm và xã hội.

Việc xem mại dâm có phải một nghề hay không vẫn gây nhiều tranh cãi. Ảnh: TL

Ông cũng cho biết, quan điểm xây dựng Dự án luật về mại dâm vẫn xác định mại dâm ở Việt Nam là bất hợp pháp. Nhưng việc phòng ngừa và giảm tác hại trong mại dâm sẽ được đặt lên hàng đầu.

Có thể Việt Nam sẽ có luật về mại dâm để hướng tới quản lý đạt đa mục tiêu, nhưng riêng việc xem mại dâm có phải một nghề hay không vẫn gây nhiều tranh cãi.

Từ xưa đến nay, ở nước ta, mại dâm không được công nhận là một nghề, hoạt động mại dâm là bất hợp pháp, bị cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, chính sách đó chỉ hạn chế được mại dâm bằng những con số trên văn bản báo cáo còn thực tế thì hoạt động mại dâm, hành nghề mại dâm vẫn tồn tạị.

Vấn đề có nên hợp pháp hóa mại dâm đang được dư luận quan tâm, bàn luận. Ở góc độ chuyên gia, rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Đó đều là những nhận định có cơ sở khiến chúng ta phải nhìn nhận.

Cùng bàn về vấn đề này, Báo Gia đình & Xã hội xin trích dẫn ý kiến của ông Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, người từng có 8 năm làm việc cho các dự án giúp đỡ người nghiện, người nhiễm HIV và gái mại dâm.

Ông Sơn cho rằng, quan niệm xưa nay luôn cho rằng mại dâm có hại cho xã hội, nó đi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Là người có nhiều năm làm việc cho các sự án giúp đỡ người nhiễm HIV, gái mại dâm, theo ông Sơn, nếu hợp pháp hóa mại dâm sẽ có những lợi ích nhất định.

“Mại dâm giúp tạo ngân sách cho đất nước. Mại dâm chắc chắn là nhu cầu nên không cần bàn cãi nhiều, vì vậy dù không có luật, dù hình sự hoá hay dù gì đi nữa thì mại dâm vẫn tồn tại. Bạn có biết dịch vụ mại dâm sẽ thu bộn tiền không? Tôi đoán chắc ai đang làm mại dâm chui đều thu bộn tiền cả và số tiền ấy đang chảy ngầm không đóng vào ngân sách nhà nước.

Cởi mở với mại dâm giúp giảm “lạm dụng tình dục”, đặc biệt với trẻ em. Chúng ta đã biết khoảng thời gian này năm trước thì xã hội đưa tin về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em khắp cả nước, hầu hết các vụ có điểm chung là người lớn tuổi và trong gia đình..

Hợp pháp hóa về mại dâm sẽ giúp dịch vụ y tế thân thiện ra đời và hoạt động tốt chứ không “lấp ló” như bây giờ, từ đó anh chị em đến phòng khám dễ dàng hơn, tiếp cận các phương tiện tình dục an toàn hơn...

Cuối cùng, bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV được kiểm soát. Điều này làm giảm tác động và kinh phí xã hội cho nhà nước để đầu tư vào lãnh vực công ích khác như sân chơi trẻ em chẳng hạn”, ông Sơn cho biết.

Tác giả: Ngọc Thi

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

  Từ khóa: hợp thức hóa ,mại dâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP