Giáo dục

Hơn 500 thí sinh bước vào cuộc thi đã biết trước đề bài

Cuộc thi tay nghề quốc gia lần thứ 10 năm nay diễn ra từ ngày 13 tới ngày 20/5 tại TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam.


Ảnh minh họa: Hương Giang

Cuộc thi tay nghề quốc gia được tổ chức 2 năm/ lần và là cơ sở để chọn thí sinh đi thi Cuộc thi tay nghề Asean, sau đó là Cuộc thi tay nghề thế giới.

Năm nay, có 520 thí sinh đến từ 56 đoàn, gồm 5 Bộ, ngành trung ương, 1 tập đoàn, 2 hiệp hội và 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Những đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng.

24 nghề thi chính thức và 2 nghề thi trình diễn (gồm sơn ô tô và Internet vạn vật) sẽ được được thi tài tại 6 hội đồng thi quốc gia.

Điểm mới trong cuộc thi năm nay so với các năm trước là các thí sinh phải đạt trên 700 điểm mới được xếp giải. Giải Nhất, Nhì, Ba sẽ được lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp, còn lại sẽ được xếp giải Khuyến khích.

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, ngoại trừ ngành Lắp đặt điện và Điện – Điện tử thì các nghề khác đều là đề thi mở - tức là đã công bố công khai từ trước trên website của Tổng cục.

Dựa theo đề thi tay nghề thế giới năm 2017 và đề thi tay nghề Asean năm 2016, cuối tháng 12/2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã biên soạn đề thi tay nghề quốc gia. Tuy nhiên, trước khi kỳ thi diễn ra, một Hội nghị kỹ thuật sẽ được tổ chức (năm nay vào ngày 14/5) để các tiểu ban kỹ thuật xây dựng một đề thi mới, trong đó sẽ căn cứ vào đề thi đã đăng tải trên website và chỉ sửa tối đa 30%, không được phép thay đổi trang thiết bị, nguyên vật liệu. Lúc đó, đề thi chính thức mới được ban tổ chức phê duyệt.

Ông Trần Quốc Huy – Chánh văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, Cuộc thi tay nghề quốc gia có vai trò trong việc tác động tới phong trào học tập ở các cơ sở giáo dục daỵ nghề, từ đó tác động tới chất lượng đào tạo dạy nghề. Ngoài ra, việc tham gia các cuộc thi tay nghề Asean hay thế giới cũng là cơ hội để Việt Nam được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay ở nhiều ngành nghề.

Chia sẻ về việc tại sao Việt Nam đạt giải cao trong các cuộc thi tay nghề nhưng chất lượng lao động nói chung của chúng ta còn thấp, ông Huy nói: “Việc chúng ta đạt thành tích tốt chỉ cho thấy chúng ta có năng lực đào tạo nhận lực ngang tầm với Asean. Còn mặt bằng nhân lực của chúng ta lại là một vấn đề khác”.

TS. Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, sự đầu tư về thời gian, cơ sở thiết bị của Việt Nam cho các cuộc thi tay nghề vẫn còn hạn chế rất nhiều so với các quốc gia phát triển khác. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ làm tốt trong cuộc thi tay nghề Asean, còn ở cuộc thi tay nghề thế giới, Việt Nam mới chỉ chạm tay tới Huy chương Đồng.

Về năng suất lao động nói chung, ông Khánh cho rằng điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chi phí đầu vào, chi phí đầu ra, trang thiết bị máy móc, công nghệ, quy trình sản xuất, sự phối kết hợp giữa các lực lượng lao động trong một dây chuyền... Ông lý giải, năng suất cá nhân sẽ khác với năng suất của một dây chuyền và năng suất của toàn xã hội.

Tác giả: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP