Xã hội

Hoang đường thầy cúng “bắt” ma

Từ bao đời nay, đồng bào vùng cao luôn có niềm tin đến mê mị vào “năng lực siêu phàm” của những thầy cúng, thầy mo. Niềm tin ấy lớn đến nỗi có đôi lúc họ chấp nhận “nướng” hết bò, gà, dê, lợn, thậm chí cả nhà cửa vào cúng bái và bi kịch bắt đầu từ đó.

Làm thầy cúng để... thoát nghèo

Trong đời sống tâm linh của người Mông thì thầy cúng có vai trò hết sức quan trọng. Nhiều khi họ xem trọng các thầy như các bậc làm cha, làm mẹ. Làm nhà mới cúng, ốm đau bệnh hoạn cúng, đến phụ nữ đẻ con không được cũng cứ phải cúng đã. Khi nào cúng không khỏi mới đem đi trạm xá, bệnh viện khám. Theo quan niệm của người Mông, tổ tiên thuộc loại ma lành phù hộ cho con cháu, tuy nhiên nếu không cúng cẩn thận thì tổ tiên sẽ bắt phạt, làm cho con cháu ốm đau hoặc đôi khi về đòi trâu, đòi lợn.

Ông Vàng A Bụa: “May mà có cán bộ, chứ nếu không tôi đã “về” với ông bà rồi!”

Ngoài cúng ma tổ tiên, người Mông còn cúng cây cột chính trong nhà. Bởi, đối với họ, cột chính liên quan đến sức khỏe và vận mệnh của gia đình, rất thiêng liêng nên người Mông không được dựa vào cột, không treo quần áo, đồ vật. Nếu sinh con trai người Mông còn chôn nhau thai nhi ở cột chính nên khi lìa đời, thầy cúng phải chỉ đường cho linh hồn về nhận lại nhau.

Cúng ma cửa có tác dụng xua đuổi, ngăn ma ác vào nhà, bảo vệ gia súc, của cải, bảo vệ linh hồn của các thành viên. Cúng ma bếp lò để cho việc sinh nở của phụ nữ thuận lợi, cho lợn gà đầy chuồng, trâu bò buộc kín cột.

Mỗi năm, trong một ra đình người Mông có đến hàng chục cái lễ lớn nhỏ, mà lễ nào cũng cần mời thầy cúng bái, tốn kém không kể xiết. Bên cạnh đó, cũng như người Kinh, người Mông rất xem trọng việc cúng lễ trong những ngày Tết. Nhưng việc mở tiệc chào đón năm mới của họ diễn ra trước người Kinh hàng tháng trời.

Trước khi ăn tết, người ta mời thầy cúng về làm lễ rồi đốt hết bùa cúng cũ, thay đồ mới rồi cắt cổ hai con gà trống thật lớn, lấy mấy túm lông dính vào bát máu, dán lên giấy bùa. Người Mông quan niệm có làm như vậy thì lời cúng mới thiêng, mới đuổi được con ma nhà, ma bản, mời được thần đất, thần trời. Chính vì những quan niệm như thế nên dù ở bất cứ bản làng người Mông nào trên núi cao, người ta đều có thể dễ dàng tìm được những người làm nghề thầy cúng.

Thầy cúng nổi tiếng nhất ở Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) là Và Tồng K, 63 tuổi. Nhà thầy cũng như bao nhà người Mông khác, ẩm thấp và tối tăm, chỉ khác cái trong vườn nhà ông có trồng một cây cúng ma, lá be bé tựa như cây nhài, cây ngâu, có nuôi 2 con gà trống to, bàn thờ có nhiều bùa chú. Trong nhà ông K cũng chả có gì đặc biệt ngoài cái bàn thờ sặc sỡ giấy xanh, giấy đỏ cắt dán thành những hình thù kỳ dị. Giữa bàn thờ có cái bát hương được ghép bằng nhiều mảnh sừng trâu đã cưa nhỏ.

Tính đến giờ, ông K có xấp xỉ 30 năm làm thầy cúng. Trước kia, do bươn chải, “giao du” nhiều nên ông K cũng bập bẹ được chút ít tiếng Kinh. Như thế cũng đủ làm ông tự hào với đồng bào trong thôn bản về sự học cao, hiểu rộng của mình. Chả thế, có thời gian người ta còn mời ông đứng ra làm thầy giáo xóa mù cho dân bản.

Nhưng cũng chỉ dạy tới dạy lui được vài buổi, chữ thì hết mà bụng thì đói, nghèo vẫn hoàn nghèo, thế là ông K bỏ ngang chuyển sang làm nghề thầy cúng. Nhiều lúc cao hứng, ông còn bảo, mình được “vua Trời ủy thác” xuống khai sáng cho đồng bào. Từ đó ít ngày ông chịu đói, phần lớn bữa nào cũng đều có xôi và thịt.

Ủ trong đói nghèo, mông muội

Ông K kể, cách đó ít hôm, ông cũng mới được gia đình ông Và A Hụa (57 tuổi, ở Tiền Phong, Quế Phong) vời sang để cúng ma cho đứa cháu trai. Đứa trẻ đó mới 9 tháng tuổi, ốm đau quặt quẹo triền miên, ông Hụa nhiều lần mổ gà rồi mời đủ các thầy cúng trong vùng đến “trổ tài bắt ma” mà không khỏi, cuối cùng cháu cũng phải “theo ông bà để về trời”.

Ngay sau khi đứa bé đó nhắm mắt, gia đình ông Húa lại phải chạy đôn chạy đáo vay mượn hàng xóm láng giềng tiền bạc, thóc gạo, gà dê để tổ chức làm ma cho đứa trẻ. Bởi, phong tục của người Mông ở đây là vậy. Nhà nghèo nhưng đám ma vẫn kéo dài ít nhất 3 ngày, mổ vài con lợn. Nhà giàu thì số trâu, bò, gà, dê “chết theo người” lên đến cả chục con, họ hàng, dân bản ăn uống ròng rã cả tuần trời.

Giờ mỗi khi ốm đau, đồng bào đã biết tìm thầy thuốc thay vì tìm thầy cúng

Trong những công việc ma chay, cỗ bàn rinh rượp như thế, tuyệt đối không bao giờ vắng mặt những thầy mo, thầy cúng. Họ có thể là người dân bản, cũng có thể từ nơi khác đến, tùy theo “trình độ cao thấp”, và còn tùy theo ở độ “nổi tiếng” của mình. Thầy nào càng có tiếng “cao tay” thì “lộc lá” càng nhiều. Ngoài xôi thịt, gà lợn của gia đình có công việc lễ lạt, các thầy còn thường được gia chủ dúi vào tay ít cũng vài trăm ngàn tiền công cúng.

Thấy chồng mình là ông Và A Hay (57 tuổi ở Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An) bệnh, bà Sùng Thị Súa liền mời thầy cúng về làm lễ “bắt” ma. Ông Hay trước vẫn khỏe mạnh, leo núi, vượt dốc băng băng, cả tuần nay, cái chân bỗng nhiên sưng tấy, đi phải chống gậy mà vẫn còng gập nơi góc nhà, chẳng nhúc nhích là bao. Thầy cúng nghe đồn rất cao tay. Lễ vật nhà bà Súa cũng nghèo, chỉ có một con gà be bé và 4 chai rượu. Bởi nghe nói thầy cúng này lấy tiền công cao, lên đến tiền triệu, nên bà phải dè sẻn trong việc mua đồ cúng.

Cứ sau mỗi chầu múa may quay cuồng khấn vái, thầy cúng hua hua lá bùa, làm phép để “bắt” con ma xấu đang trong người của ông Hay. Lễ xong, con gà được ngả ra, 4 chai rượu được rót tràn bát, thầy cúng cùng vài người họ hàng, làng xóm của vợ chồng ông Hay, bà Súa khề khà. Liên tục như vậy suốt 4 ngày trời mà chân ông Hay vẫn đau nhức ê ẩm, bà Súa đành chịu, bấm bụng trả tiền để thầy còn về đi “trừ ma” cho đám khác. Khi thầy khật khưỡng vượt dốc ra về thì ông Hay vẫn lọc cọc nhăn nhó chống gậy nơi xó bếp…

Từng bước xóa u mê

Không chỉ ở Quế Phong, mà trong cuộc sống của đồng bào thiểu số ở một số tỉnh vùng cao miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, vẫn tồn tại rất nhiều phong tục tập quán cổ hủ và lạc hậu. Nhiều khi đồng bào có niềm tin đến mê mụ vào “năng lực siêu phàm” của những thầy cúng, thầy mo.

Niềm tin ấy lớn đến nỗi có đôi lúc họ chấp nhận “nướng” hết đủ bò, gà, dê, lợn trong chuồng, thậm chí cả nhà cửa, ruộng vườn vào mấy trò cúng bái. Thế nên, nghèo lại càng nghèo. Nhưng điều nguy hại hơn cả là những lúc ốm đau bệnh tật, đồng bào đã quá cả tin mà giao sinh mệnh vào mấy trò hò hú vu vơ của mấy ông thầy cúng.

Đến giờ, người dân ở xã Ngải Thầu, huyện Bát Xát, Lào Cai vẫn còn nhớ chuyện ông Vàng A Bụa được cán bộ cứu sống từ tay thầy cúng. Ông Bụa bị bệnh, người nhà liền mời thầy cúng đến nhà “nhang đèn khấn vái” suốt hàng tuần trời mà bệnh tình ông vẫn không suy chuyển. Trong họ cũng có người động viên gia đình nên đưa người bệnh đi khám dưới trung tâm y tế, nhưng vợ và con ông Bụa nhất định không nghe. Chỉ đến khi ông lên cơn co giật thì họ mới cho người đi báo với chính quyền.

Khi các cán bộ cơ sở đến nơi thì được chứng kiến một cảnh tượng lộn xộn vô cùng. Trong căn nhà tối thui, chật hẹp và lụp xụp, có đến vài chục người tập trung xung quanh cái bếp lửa sáng leo lét ở giữa nhà. Một thầy cúng mặc quần áo lụa sặc sỡ tay trái cầm bó hương, tay phải cầm chiếc gậy được dán giấy xanh, giấy đỏ vừa hua tay múa chân vừa ra sức đập mạnh vào người ông Bụa đang giãy dụa, nói mê sảng trên giường.

Thấy cán bộ hỏi chuyện, bà Lý Thị Pàng, vợ ông Bụa sợ sệt: "Ông ấy đang nói chuyện với ma đấy! Thầy cúng bảo phải đánh để đuổi con ma ấy ra khỏi người". Mặc cho thầy cúng làm đủ các loại phép ròng rã suốt một tuần như thế nhưng dường như "con ma" ấy vẫn không chịu buông tha, chỉ thấy nhiều vết bầm tím do những cú gậy "trời giáng" của thầy mo hiện lên trên người ông Bụa.

Qua câu chuyện với bà Pàng và thăm khám, các cán bộ biết được ông Vàng A Bụa hôn mê nói sảng do bị sốt cao chứ thực tình chẳng có "con ma" nào ám vào ông cả. Và, để nhanh chóng cứu ông Bụa khỏi "con ma" bệnh, họ đã phải hết lời giải thích cho gia đình ông về con ma ác có tên "sốt rét" rồi gọi xe chở ông về bệnh viện huyện để các bác sỹ ở đây khám và điều trị. Sau khi uống thuốc hạ sốt vài ngày, ông Bụa dần dần hồi phục. Cũng trong đận đó, người ta cũng phải chữa trị luôn những vết thương trên người ông do bị "thầy" đánh trong quá trình “chữa bệnh”.

Không được may mắn như ông Bụa, chị Vàng Thị Mùa ở xã Ý Tý, đã phải trả bằng chính mạng sống của mình vì quá tin vào thầy cúng. Chuyện đã xảy ra cách đây vài năm. Đận ấy, thấy chị Mùa bị đau bụng dữ dội (thực tế là đau ruột thừa) người nhà không đưa đi bệnh viện mà vời thầy về cúng liên tục trong gần hai ngày, chị Mùa chẳng ăn được gì mà chỉ bị dựng dậy để cho uống thứ nước được hoà tan từ tàn tro của những tờ búa chú "thầy" vừa đốt. Rốt cuộc chẳng rõ có con ma nào sợ thầy quá mà chạy mất vía không nhưng đến chiều ngày hôm sau thì chị Mùa đã kiệt sức và vĩnh viễn ra đi, để lại 3 đứa con thơ.

Trước kia, những câu chuyện về "bắt" con ma bệnh dường như đã trở nên quá thân quen trong mỗi bản làng vùng cao. Nhưng mấy năm gần đây, nhờ sự kết hợp đồng bộ của các ngành các cấp như y tế, giáo dục, công an, bộ đội biên phòng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nên hiện tượng mê tín này có xu hướng giảm rõ rệt. Giờ, thói quen đến trạm y tế hay bệnh viện mỗi khi đau ốm đã dần trở thành thói quen trong suy nghĩ của đồng bào. Nhờ vậy, người ta ít phải chứng kiến những trường hợp đáng tiếc như ông Hay, chị Mùa, ông Bụa.

Tác giả: Nam Hoàng

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP